Đừng giai thoại hóa văn học sử

10/05/2011 10:53 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Mấy năm gần đây thường thấy không ít cây bút “buôn chuyện” làng văn bằng cách biến mọi thứ thành giai thoại.

Dựa vào đâu để tạo nên những chuyện “y như thật” về những nhà văn thời trước? Xin thưa, các cây bút này thường tận dụng những nhận xét đôi khi rất thoáng qua trong hồi ức một vài nhà văn nào đó, rồi tách riêng ra, dựng thành một thứ chuyện kể có đầu có đuôi, biến nhận xét thoáng qua kia thành một “sự kiện” dường như có thật.

Chẳng hạn, Vũ Bằng từng có lúc nhận xét rằng: Vũ Trọng Phụng viết nhiều truyện đăng báo đều kỳ (feuilleton) cùng một lúc nên dễ nhầm lẫn, có khi phải hỏi các bạn văn cùng tòa soạn xem nên xử lý tiếp theo ra sao các nhân vật trong các câu chuyện đang viết, ví dụ nên cho lão Nghị Hách làm gì, nên cho mụ Phó Đoan làm gì... Đọc được điều này, có những cây bút đã toan biến nó thành cả một câu chuyện về những đối đáp, những lúng túng đằng sau các trang văn. Thế nhưng bạn viết trẻ lại quên rằng Vũ Bằng viết điều đó vào những năm 1970 ở Sài Gòn, mà chuyện ông kể lại là chuyện những năm 1930 ở Hà Nội; trí nhớ con người bao giờ cũng có sự méo lệch theo thời gian; độ tin cậy của cái giai thoại mà Vũ Bằng vô tình trở thành kẻ khơi mào đó quả là mỏng manh. Trên thực tế, Hà Nội báo đăng Giông tố xong xuôi rồi (30/9/1936) mới đăng đến Số đỏ (từ 7/10/1936), cho nên không thể có chuyện tác giả họ Vũ một lúc nào đó lại băn khoăn về cách dẫn dắt hai nhân vật của mình đang xuất hiện “cùng lúc” trên các trang tuần báo văn chương. Cái điều nên nhận định là tác giả Vũ Trọng Phụng xử lý diễn biến và tính cách nhân vật có phù hợp ý đồ chung của cả tác phẩm hay không, chứ không phải gắng tìm cho ra những chứng cứ cho thấy ông từng có lúc lâm thế bí về cách phát triển câu chuyện. Bí và gỡ bí là chuyện của quá trình sáng tác, chuyện về tâm lý sáng tác; nó tế vi hơn, sống động hơn, chứ không thô thiển như ví dụ bất dắc dĩ kể trên.

Hồi ức của tác giả, của người trong cuộc có đáng tin không? Câu trả lời là có và không! Và lời khuyên là nên kiểm tra, đối chiếu với các tài liệu khả dụng.

Xin nêu một trường hợp nữa làm bằng chứng.

Trong một số hồi ức, nhà văn Tô Hoài kể rằng tác phẩm đầu tay, tức là tác phẩm đầu tiên của ông được đăng báo là truyện ngắn Nước lên, đăng ở tờ Hà Nội tân văn do Vũ Ngọc Phan là chủ bút. Dữ kiện này được khá nhiều tài liệu sử dụng, vì người ta tin vào nguồn của chính tác giả. Thế nhưng điều đó có chính xác hay không, lại không tùy thuộc trí nhớ của ông.



Nhà văn Tô Hoài

Rất gần đây, nhân đọc lại Hà Nội tân văn hồi năm 1940 để tìm tài liệu của một vài tác giả khác, tôi đã luôn thể ghi lại các tác phẩm của Tô Hoài đăng ở đây, và ngạc nhiên nhận ra rằng truyện ngắn Nước lên là tác phẩm thứ 4 của ông đăng ở đây, kể từ truyện Dưới gậm cầu, có thể là truyện đăng thứ nhất. Dịp gần Tết ta vừa rồi, gặp Tô Hoài tại hội thảo về cụ Lại Linh, một võ tướng thời Lý thuộc dòng họ tôi (Tô Hoài là con của một bà mẹ họ Lại nên đã đến dự hội thảo này như người trong dòng họ), tôi đã ghi cho ông danh mục các truyện của ông đăng Hà Nội tân văn tính đến cuối năm 1940. Nhân đây xin ghi lại để bạn đọc thấy, các dữ kiện thực thường chênh lệch so với hồi ức của con người về chính các dữ kiện ấy.

Các truyện ngắn Tô Hoài đăng Hà Nội tân văn (HNTV) trong năm 1940 lần lượt là: Dưới gậm cầu (HNTV, s. 23, ngày 18/6/1940), Câu chuyện vợ chồng hằng ngày (s. 28, ngày 23/7/1940), Bụi ôtô (s. 30, ngày 6/8/1940), Nước lên (s. 32, ngày 20/8/1940), Một đêm sáng giăng suông (s. 37, ngày 24/9/1940, và s. 38, ngày 1/10/1940), Đàn bà (s. 42, ngày 29/10/1940), Tâm sự cô hàng xén (s. 47, ngày 3/12/1940), Ba bố con (s. 49, ngày 17/12/1940). Vài cứ liệu dẫn trên có lẽ đã đủ để lưu ý những bạn viết báo có quan tâm về văn học sử: xin đừng ham thêu dệt giai thoại từ những hồi ức của người cùng thời hoặc của chính tác giả; hoặc hãy tìm cách kiểm tra trước khi sử dụng chúng.

Lại Nguyên Ân
(nhà nghiên cứu phê bình văn học)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm