Sơ đồ chiến thuật của ĐTVN: Thay đổi và trở về

28/06/2011 13:03 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Trong 8 đời HLV ngoại của ĐT Việt Nam, 2 ông thầy gắn bó lâu nhất và để lại nhiều dấu ấn nhất là Alfred Riedl và Henrique Calisto.

Ông Riedl tuy bị xem là “chuyên gia về nhì”, nhưng ông lại được biết tới như là một trong những HLV ngoại đầu tiên thử nghiệm và truyền bá sơ đồ 4-4-2 ở bóng đá Việt Nam. Cách đây gần 20 năm, hầu hết các đội bóng Việt Nam, từ CLB cho tới ĐTQG đều trung thành với sơ đồ 5-3-2 hoặc 3-5-2, và phải tới khi ông Riedl xuất hiện ở Việt Nam trước thềm Tiger Cup 1998 thì sơ đồ 4-4-2 mới bắt đầu được thử nghiệm.

Phải mất khoảng 2, 3 năm thì các cầu thủ và HLV Việt Nam mới từ bỏ tư duy chơi phòng ngự theo kiểu 2 trung vệ dập một trung vệ thòng để đá với cặp trung vệ giăng ngang như đa số các CLB ở V-League và giải hạng Nhất hiện nay. Có thể nói, 4-4-2 bây giờ đang là sơ đồ phổ biến nhất ở V-League, cho dù có thể nó chỉ mang ý nghĩa về mặt lý thuyết, vì hầu hết các đội bóng đều chơi theo kiểu dồn bóng cho ngoại binh, để mặc họ tuỳ ý xử lý và chờ thành quả.

Nếu HLV Goetz không thay HLV Calisto thì sơ đồ 4-4-2 ít có cơ hội được sử dụng ở ĐT Việt Nam. Ảnh: V.V

Thế nhưng, dù nói thế nào thì việc ĐT Việt Nam dưới thời HLV Falko Goetz đang sử dụng đội hình 4-4-2 như hiện nay cũng có thể coi là một thuận lợi không nhỏ với đa số tuyển thủ, bởi hầu hết trong số họ đều đã quá quen với sơ đồ này từ khi còn ở CLB nên sẽ không bị bỡ ngỡ hay phải tự điều chỉnh lúc lên đá cho ĐT Việt Nam.

Tuy nhiên, sơ đồ 4-4-2 sẽ rất khó có cơ hội xuất hiện ở ĐT Việt Nam nếu như HLV Calisto còn tại vị. Cách đây gần một năm, trong cuộc trao đổi với TT&VH trước ngày tập trung ĐT Việt Nam để chuẩn bị cho AFF Cup 2010, HLV Calisto từng than phiền rất nhiều về cái mà ông cho là sự lạc hậu, lỗi thời, khi phần lớn các đội bóng ở V-League đều đá với đội hình 4-4-2 thay vì 4-1-4-1 như bài tủ của ông thầy người Bồ Đào Nha.

HLV Calisto phàn nàn: “Người ta chỉ chú ý tới kết quả mà quên mất rằng kết quả thi đấu còn được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Cần phải cải thiện chất lượng luyện tập, cần phải thay đổi hệ thống chiến thuật ở các CLB.

Bây giờ vẫn có rất nhiều CLB ở Việt Nam sử dụng chiến thuật 4-4-2, trong khi ở châu Âu hiện tại chỉ còn rất ít đội bóng còn chơi với sơ đồ này. Phần lớn các cầu thủ đều đã quen với sơ đồ 4-4-2 nên khi họ lên ĐT Việt Nam lại phải mất thời gian để thay đổi và làm quen, vì ở ĐT Việt Nam chúng tôi rất hiếm khi chơi 4-4-2. Rất nhiều cầu thủ khi lên ĐT Việt Nam tỏ ra bỡ ngỡ trước hệ thống chiến thuật mà chúng tôi áp dụng và đấy cũng là khía cạnh mà chúng ta cần phải cải thiện”.

Thế nhưng, dường như sơ đồ 4-4-2 không lạc hậu đến mức độ như thế, và có lẽ chỉ vì triết lý tiqui-taca quyến rũ của ĐT Tây Ban Nha và CLB Barcelona đang thống trị bóng đá thế giới suốt mấy năm qua mà không ít người nghĩ rằng bây giờ phải chơi 4-2-3-1 hay 4-1-4-1 mới là mốt, còn 4-4-2 đã thuộc về dĩ vãng.

Bóng đá cũng như cuộc sống, lý thuyết chỉ có ý nghĩa về mặt sách vở, còn ăn thua là lúc ứng dụng vào thực tế.

Đúng là với sơ đồ 4-1-4-1 của HLV Calisto, bóng đá Việt Nam đã xây dựng cho mình được một lối chơi rất đặc trưng và đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup 2008, nhưng cũng với sơ đồ này, chúng ta đã thất bại cay đắng ở SEA Games 25 năm 2009 và AFF Cup 2010. Bởi thế, việc trở lại với 4-4-2 của tân HLV Goetz lúc này có khi lại là một thay đổi tích cực cho bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐT.

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm