ĐTVN: Bài học từ những chuyến đi

30/06/2011 13:10 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Nếu vượt qua Macau ở trận lượt về để có mặt ở vòng loại thứ 2 (một kịch bản chắc chắn tới hơn 99%), ĐT Việt Nam sẽ phải đá trận lượt đi trên sân Al-Sadd của Qatar vào ngày 23/7 và ngày 28/7 sẽ đá trận lượt về ở Mỹ Đình. Điều đó nghĩa là rất có khả năng các tuyển thủ Việt Nam sẽ phải trải qua chặng bay hành xác kéo dài khoảng hơn 60 giờ đồng hồ cho 2 lượt khứ hồi, như ĐT Olympic Việt Nam vừa nếm trải sau hành trình mỏi mệt Hà Nội-Riyadh-Hà Nội cách đây ít ngày.

Theo lịch thi đấu lượt về giải VĐQG của VFF, trong khoảng thời gian từ ngày 10/7 tới ngày 17/7, V-League 2011 sẽ đá liền 3 vòng 20, 21 và 22 để sau đó tạm nghỉ tới ngày 30/7 cho ĐT Việt Nam làm nhiệm vụ. Như vậy, nếu phải vắt sức cho 3 chặng liên tiếp của V-League chỉ trong vòng một tuần, và sau đó lại mất hơn 30 giờ đồng hồ cho việc ngồi máy bay và quá cảnh từ Việt Nam tới Qatar thì thể lực của các tuyển thủ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau khi ĐT Olympic Việt Nam kết thúc nhiệm vụ ở vòng loại Olympic London 2012, TT&VH đã thử tìm hiểu và được biết để tới Trung Đông không phải nhất thiết cứ phải trải qua những chặng bay tốn sức và mệt mỏi như thế. Có thể lấy ví dụ rất cụ thể là tháng 9 năm ngoái, khi ĐT U19 Việt Nam sang Saudi Arabia để đá giao hữu 2 trận với đội chủ nhà theo lời mời của LĐBĐ Saudi Arabia, toàn bộ vé máy bay được phía bạn cung cấp cho ĐT U19 Việt Nam và thầy trò HLV Triệu Quang Hà được bay thẳng sang Riyadh mà không tốn bao nhiêu sức lực.

Nếu đá với Qatar, rất có khả năng các tuyển thủ Việt Nam sẽ phải trải qua chặng bay hành xác kéo dài khoảng hơn 60 giờ đồng hồ cho 2 lượt khứ hồi

Cũng theo tìm hiểu của TT&VH, vì ĐT Việt Nam và ĐT Olympic Việt Nam là “tài sản” của Nhà nước do Tổng cục TDTT quản lý, nên mỗi khi các tuyển thủ được lên danh sách triệu tập hay tập huấn hoặc thi đấu ở nước ngoài đều do bộ phận hậu cần của Tổng cục TDTT lo liệu. TT&VH đã liên hệ với một số cá nhân ở bộ phận này và được bảo đảm rằng các tuyển thủ bóng đá Việt Nam nói riêng và các VĐV Việt Nam nói chung luôn được tạo điều kiện tốt nhất để không mất quá nhiều sức cho những hành trình đi nước ngoài.

Tuy nhiên, có một sự thực không thể phủ nhận là lâu nay không ít chuyến ra nước ngoài của ĐT Việt Nam hoặc ĐT Olympic Việt Nam luôn là nỗi ám ảnh với các cầu thủ cũng như BHL, vì việc di chuyển khiến họ quá đỗi mệt mỏi. Nên chăng đã tới lúc VFF nghĩ tới việc thuê hẳn một chuyến chuyên cơ đối với những địa điểm thi đấu xa cách và ít có đường bay thẳng từ Hà Nội hoặc TP.HCM để bảo đảm sức khoẻ cho các tuyển thủ.

Năm ngoái, Công ty du lịch Viettravel đã thuê 2 chuyên cơ của Vietnam Airlines để đưa các CĐV đi cổ vũ ĐT Việt Nam tại Kuala Lumpur (Malaysia) trong trận bán kết lượt đi AFF Cup 2010, và chính ĐT Việt Nam đã đi nhờ chuyên cơ của Viettravel về lại Hà Nội để có thêm thời gian chuẩn bị cho trận bán kết lượt về.

Có thể sẽ là hơi lãng phí và quá sức nếu như một mình VFF đứng ra thuê riêng một chuyên cơ cho ĐT Việt Nam với khoảng trên dưới 30 thành viên, nhưng VFF hoàn toàn có thể nghĩ tới chuyện huy động nguồn lực xã hội hoá trong tình huống này, bởi có rất nhiều Mạnh Thường Quân vừa tràn đầy nhiệt huyết với bóng đá Việt Nam và đồng thời cũng rất mạnh về khả năng tài chính. Trước đây, VFF từng đưa được ĐT Việt Nam và ĐT Olympic Việt Nam từ Trung tâm huấn luyện thể thao QG ra ngoài để trú quân tại các khách sạn có điều kiện ăn nghỉ tốt hơn và hàng ngày tập luyện ở sân Mỹ Đình hoặc sân VFF, chẳng lẽ việc thuê chuyên cơ cho các tuyển thủ lại không thể làm được?

Hoàng Huy

Đơn giá thuê máy bay theo hình thức thuê chuyến chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí nhiên liệu đối với loại máy bay Boeing 777 là 124,4 triệu đồng/giờ bay, đối với máy bay Airbus A321 là 71.75 triệu đồng/giờ bay, đối với máy bay ATR72 là 29,18 triệu đồng/giờ bay.

Ở hình thức thuê theo chuyến, chi phí chờ đợi trong thời gian máy bay nằm tại sân bay nước ngoài (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 18,9 triệu đồng/giờ đối với máy bay Boeing 777 và 9 triệu đồng/giờ đối với máy bay Airbus A321.

Ở hình thức thuê khoang, giá thuê sẽ được áp dụng cho các chuyến bay thường lệ (đã có lịch bay). Theo quy định, mức giá thuê được tính bằng 90% giá vé hạng C của chuyến bay đó tính cho toàn bộ số ghế thiết kế trong khoang được thuê, cộng với chi phí bay thử của từng chuyến.

Đối với chuyên cơ theo hình thức mua ghế, giá thuê được tính bằng giá vé của hạng ghế thực tế sử dụng trên tàu bay.

* Trích Quyết định số 375/QĐ-BTC của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 15/3/2009) về giá thuê máy bay chuyên cơ thanh toán từ nguồn ngân sách Nhà nước.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm