Nghĩa vụ đội tuyển

20/08/2009 12:33 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Vinh mới 24 tuổi. Nếu học 1 năm ở Bồ Đào Nha (21-8 lên đường), Vinh cũng chỉ 25. Xét trên lý thuyết, cầu thủ người Nghệ An có thể chơi bóng đỉnh cao ở phong độ tốt nhất thêm 5 năm nữa.

Song, có một điều người ta băn khoăn, Vinh nếu vượt qua kỳ kiểm tra năng lực và y tế ở Leixoes, rồi chơi bóng như một thành viên chính thức trong màu áo CLB từng đứng thứ 6 mùa trước ở giải đấu cao nhất của Bồ Đào Nha, anh có được tạo điều kiện trở về Việt Nam để chơi những trận đấu còn lại trong chiến dịch kiếm tìm 1 chiếc vé đi Qatar dự vòng chung kết?

Về lý, nếu Công Vinh đòi hỏi và VFF gửi trát đòi quân, sẽ không ai có thể ngăn cản, vì đó là một trận đấu loại A theo tiêu chí của FIFA. Lịch thi đấu của AFC không trùng với lịch thi đấu dành cho các ĐTQG của FIFA, nhưng luật đảm bảo quyền lợi cho các đội tuyển.

Vấn đề là, nếu Công Vinh về chơi cho ĐTVN, sự nghiệp “học việc” của Vinh có thể bị ảnh hưởng. Một cầu thủ đến từ vùng trũng phải nỗ lực hết mình để tìm kiếm cơ hội, nếu không theo đủ giáo án tập luyện và không chứng tỏ, anh ta khó lòng kiếm được 1 vị trí dù chỉ là trong đội hình dự bị.

Sẽ còn 4 trận đấu nữa kể từ nay cho tới khi kết thúc vòng loại Asian Cup (3-2010). Đó đều là những trận đấu quyết định, chỉ sảy chân 1 bước là có thể “đi tong” một ước mơ.


 Công Vinh nếu sang Bồ có được quay về khoác áo ĐTVN?

Vinh không phải là cả đội bóng, nhưng nếu xét về năng lực trên hàng công, anh rõ ràng là một phương án tối ưu. Kể cả khi đội tuyển đã có những cầu thủ nhập quốc tịch, thì Vinh vẫn là một mắt xích có thể làm nên những điều đặc biệt. Kesley đã bỏ Bình Dương, nghĩa là anh sẽ không có CLB để tập luyện, để thi đấu trong suốt thời gian sắp tới. Thậm chí cầu thủ gốc Brazil có quốc tịch VN này dự tính sẽ sang Singapore thi đấu, tức là anh có thể bỏ luôn BĐVN. Việt Thắng đang bị đì ở ĐTLA, vì anh muốn chia tay với “Gạch” để tìm đến một CLB mới. Phải tới tháng 2-2010, Thắng mới là cầu thủ tự do. Nghĩa là, nếu lo xa, hàng công của ĐTVN sẽ có những vấn đề nhất định. Hẳn là khi có Vinh, ông “Tô” sẽ rộng cửa lựa chọn hơn.

BĐVN đã lên ngôi số 1 ở Đông Nam Á, đã từng lọt vào vòng đấu có 8 đội cuối cùng của châu lục (năm 2007), nhưng phải xác định rõ, mục tiêu mà chúng ta phấn đấu vẫn là giữ ngôi vị số 1 khu vực và tái xuất hiện ở giải đấu cao nhất cấp châu lục bằng cửa chính (lần trước, chúng ta có mặt nhờ tư cách đồng chủ nhà). Nói cách khác, việc ĐTVN đang săn tìm chiếc vé tham dự VCK Asian Cup (đã thắng Lebanon, thua Trung Quốc) chính là chúng ta đang chinh phục mục tiêu cao nhất. Giấc mơ World Cup có thể sẽ là câu chuyện của thế hệ đàn em, đàn cháu của Công Vinh, Như Thành, Phước Tứ. Vinh đi du học ở Bồ Đào Nha có thể tạo nên những làn sóng mới, nhưng nếu để phục vụ mục đích cụ thể thì cũng chỉ là để giành vé để đi Qatar năm 2011, chứ không thể là đưa BĐVN xuất hiện tại VCK World Cup 2014.

Đến đây, có vài câu hỏi đặt ra, là liệu có ai sẽ đứng ra để đòi hỏi trong tương lai, Công Vinh sẽ phải từ Bồ Đào Nha trở về Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ khoác áo ĐTQG? Hoặc nếu chấp thuận coi như không có Công Vinh trong cả một thời gian dài, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm về số phận của ĐTQG tại vòng loại Asian Cup?

Bầu Hiển và T&T HN đưa Công Vinh đi “du học” xét ở góc độ nào đó là một vụ áp phe thương hiệu. Điều kiện làm việc ở CLB không bị ràng buộc bởi những tiêu chí như ở ĐTQG, nghĩa là tiền có thể khỏa lấp vài điều hạn chế, mua ngôi sao ngoại để thay ngôi sao nội rồi nhập quốc tịch tràn lan. Nhưng cả một nền bóng đá thì không thể chỉ trông chờ ở một vụ quảng cáo rằng chúng ta đang có một người học việc ở Bồ Đào Nha. Thái Lan, Singapore, Indonesia đã có hàng loạt trường hợp tương tự. Với một đội tuyển và một nền bóng đá, thì chỉ có những thành tích và danh hiệu trên sân cỏ mới là tối ưu!

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm