28/10/2011 11:14 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH) - Một trong những lợi thế của nước chủ nhà là đưa môn thi thế mạnh của mình vào nội dung tranh tài ở SEA Games và biến nó thành mỏ vàng để tự khai thác. Môn võ Shorinji Kempo (có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản) không ngoài ngoại lệ đó. Dù vậy, ĐT Kempo VN đang chạy đua với thời gian để gặt hái được những thành tích tốt nhất ngay trên đất khách.
ĐT Shorinji Kempo VN tham dự SEA Games 26 với 16 VĐV, 8 nam và 8 nữ, tham dự đủ 16 nội dung, trong đó có 8 nội dung đối kháng và 8 nội dung quyền. Shorinji Kempo là một trong 9 môn võ thuật lớn nhất của Nhật Bản và là một chi phái của võ Thiếu Lâm sáng lập vào năm 1947 trên cơ sở môn kung-fu của Trung Quốc, được du nhập vào Indonesia cách đây đã gần 50 năm và là môn võ truyền thống của đất nước vạn đảo.
Tuy nhiên, đối với VN thì đây là một môn võ hoàn toàn mới mẻ và có nhiều điều khác biệt. HLV Hồ Nhất Thống cho biết: “Trong trận đấu đối kháng, các võ sĩ còn mang găng tay để có thể tấn công khắp mọi nơi trên cơ thể đối phương. Đòn đấm có thể đấm hết tay chứ không có điểm dừng như karatedo, có thể đấm vào mặt để khiến đối phương “knock-out”. Còn đòn đá thì chỉ được đá vào giáp trên ngực và bụng, không được đá vào mặt”.
Một điều đặc biệt ở môn võ Kempo là trong thi đấu đối kháng, mỗi một trận đấu kéo dài liên tục trong 2 phút. Nếu hòa thì đấu hiệp phụ cũng chỉ trong 2 phút. Trường hợp vẫn hòa thì trọng tài sẽ xét chỉ số phụ, võ sĩ nào chơi tấn công nhiều hơn, ra đòn đẹp mắt hơn sẽ thắng cuộc. Trường hợp bị đối phương “knock-out”, đối thủ đó sẽ bị xử thua ngay.
Môn võ Shorinji Kempo có lối đánh gần giống với taekwondo, quyền cũng na ná như taekwondo. Chính vì thế, để phổ biến môn võ này cho các VĐV, LĐ võ thuật VN đã tin tưởng trao nhiệm vụ dẫn dắt ĐT Kempo VN cho HLV Hồ Nhất Thống. Bắt tay vào nhận nhiệm vụ ở một môn võ hoàn toàn mới, nhà cựu vô địch Asian Games phải tự tìm kiếm tài liệu khắp nơi để truyền đạt môn võ hoàn toàn mới mẻ này cho các học trò.
Một tay ông thầy trẻ này phải xây dựng lực lượng VĐV cho ĐT. Đa số trong đó đều là những học trò của thầy Thống từ các môn võ khác như raekwondo, boxing, muay Thái… chuyển sang.
Với khả năng của một nhà quán quân Asian Games 1998 ở môn võ taekwondo, Hồ Nhất Thống rất có uy tín và luôn là một thần tượng để các học trò phấn đấu học hỏi. Bên cạnh đó, vợ anh, nữ võ sỹ tên tuổi Nguyễn Thị Huyền Diệu (HCB Asian Games 2002) cũng tham gia vào công tác huấn luyện (chủ yếu phụ trách các VĐV nữ). Trợ giúp cho cặp vợ chồng họ là 2 chuyên gia người Indonesia Chandra và Bernad được nước chủ nhà SEA Games 26 gửi sang VN, trực tiếp hướng dẫn các động tác kỹ thuật đặc trưng của môn võ này.
Đây là lần thứ 2 Shorinji Kempo được đưa vào chương trình thi đấu của một ký SEA Games, lần đầu tiên là ở SEA Games 24 tại Korat (Thái Lan), nhưng năm đó, môn võ này chỉ mang tính biểu diễn. Còn tại Indonesia lần này, Kempo được đưa hẳn vào chương trình thi đấu chính thức. Tại SEA Games 26, ngoài việc vấp phải việc cạnh tranh với đối thủ mạnh nước chủ nhà, đoàn Shorinji Kempo VN còn vất vả với những quốc gia mạnh khác như Đông Timor, Thái Lan, Lào.
Hơn nửa năm quần thảo trên sân tập (bắt đầu từ tháng 3/2011), với mật độ đều đặn ngày 3 buổi (sáng từ 7h đến 8h30, chiều 14h đến 16h30, tối từ 20h đến 21h), thành quả đó đã được tưởng thưởng bằng thành tích 3 chức vô địch ở môn võ này trong giải đấu Tiền SEA Games 26.
Với khí thế đó, HLV Hồ Nhất Thống tự tin cho biết: “Dù là một môn mới nhưng ĐT Shorinji Kempo VN đang đổ mồ hôi trên sân tập từng ngày, nhiều em dù gặp chấn thương ê ẩm mình mẩy nhưng vẫn cố gắng để chiến đấu vì danh dự của màu cờ sắc áo. Với việc tham gia đầy đủ các hạng cân và các nội dung, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để gặt hái thành tích cao nhất về cho thể thao VN”.
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất