Nỗi lòng ngôi nhà hơn 200 lần hiến máu cứu người

14/11/2009 16:20 GMT+7 | Y tế

(TT&VH Online) - Hơn 200 lần cả đại gia đình đi cho máu, số người bệnh được cứu giúp nhiều tới mức không nhớ nổi, ngôi nhà số 141 Trần Huy Liệu, thành phố Huế từ lâu nay đã trở thành kho máu sống cho nhiều bệnh nhân nghèo tứ xứ.      

Nằm ẩn mình sau  khu phố ổ chuột của thành phố Huế, căn nhà xập xệ rộng chừng 60m2 là nơi sinh sống của 11 con người. Tất cả họ là những người lao động nghèo mưu sinh với đủ thứ nghề từ cửu vạn, xích lô, hàng rong cho tới đi bán vé số. Ấy vậy mà chỉ cần  nghe tin bệnh nhân nào đang thiếu máu cần cấp cứu trong cơn nguy kịch là cả nhà  lại bỏ công, bỏ việc chạy mạch vào viện hiến máu.

Sống trên đời sống cần có  một tấm lòng


Ông Thanh

Ông Nguyễn Phước Bửu Thanh, năm nay đã bước qua tuổi 80 làm nghề đạp xích lô thuê hơn nửa đời người, là “ông chủ” của cái đại gia đình nghèo ấy. Con đường dẫn ông bước theo “nghiệp” hiến máu cứu  người thật tình cờ. Ông nhớ lại: “Lúc tôi 54 tuổi, bị bệnh hiểm nghèo phải lên bàn mổ, nhà nghèo lại không có ai trùng nhóm máu O nên tôi cứ tưởng thần chết sẽ tới mang mình đi. Thật tình cờ có người bạn thân dưới quê lên chơi đã tình nguyện hiến máu cứu giúp tôi vượt qua cơn hoạn nạn”. Sau khi khoẻ lại ông luôn tâm niệm một nửa dòng máu đang chảy trong người mình là của bạn nên ông quyết đi hiến máu cứu người, giúp đỡ những gia đình, có cùng hoàn cảnh giống mình.

Theo chân “ông chủ” những người thân trong gia đình ông Thanh cũng đua nhau đi hiến máu cứu người, hễ phường, thành phố phát động tình nguyện hiến máu đại gia đình ông lại có mặt đông đủ từ nhỏ tới lớn. 12 người con trong gia đình ai cũng mong những giọt máu của mình sẽ là nguồn sống cứu vớt được những người nghèo khổ trong cơn hoạn nạn.

Chị Nguyễn Thị Lợi, (con gái ông Thanh, 41 tuổi với hơn 30 lần hiến máu cứu người) mới đi làm thợ hồ về, mồ hôi trán vẫn còn nhễ nhại ướt đẫm cả người mới nghe tới chuyện hiến máu lại “nổi máu”: – "Đâu! Ai cần máu tui đi hiến xong rồi về tắm luôn thể, giúp được ai thì  cứ giúp” . Rồi chị nhớ kể lại: “Có hôm vào lúc 2 giờ sáng, đang ngủ thì có điện thoại biết có người mới bị tai nạn bị mất máu rất nhiều vậy là chị bật dậy không kịp rửa mặt, chạy thẳng một mạch vào phòng cấp cứu, tay thì truyền máu nhưng trong lòng chị lại thổn thức vì không biết mình có tới trễ không!”.

Cũng giống như chị gái của mình, anh Nguyễn phước Tùng (32 tuổi, làm nghề tiếp thị sản phẩm) cứ cuối tháng anh lại đi tình nguyện hiến máu một lần, vừa vận động mọi người trong khu phố lại vừa vận động những người anh quen biết đi hiến máu. Với kinh nghiệm hơn 22 lần hiến máu, anh Tùng chia sẻ “Ban đầu đi hiến thì cũng sờ sợ cái kim tiêm to đùng nhưng rồi cứ tới việc có nhiều người cần tới những giọt máu của mình anh lại mừng vì mình đã san sẻ được bớt phần nào nỗi lo cho họ”.

Những người con trong gia đình ông Thanh đều đã lập gia đình, từ ngày có thêm con dâu, cháu nội, cháu ngoại ông Thanh cũng hướng con cháu theo nghiệp hiến máu cứu người, phần lớn những người được đại gia đình ông cho máu là những người nghèo và những người lao động chân tay vất vả, có cuộc sống khó khăn và những trường hợp bệnh nhân cấp cứu thiếu máu. Chị cả Nguyễn Thị Thuận, (49 tuổi) vừa mới đi bốc vác hàng thuê ở ngoài chợ về, chân tay đang lóng ngóng vì mệt rã người giọng nói còn cụt hơi chia sẻ “Mấy đứa con trong gia đình chị đứa nào cũng đi hiến máu ở trường, bệnh viện dăm bảy lần rồi, chị giờ sức cũng đã yếu nhưng nếu có ai cần máu chị sẵn lòng đi hiến để san sẻ gánh nặng với họ”.

Nhiều lần hiến máu, người nhà bệnh nhân họ tới cảm ơn, thậm chí mang cả tiền sang biếu, tặng quà có giá trị nhưng cả gia đình quyết không nhận. Ông Thanh chỉ bảo với họ: “Tui sống hiến máu cứu người không phải mong được trả ơn mà là chỉ muốn cứu giúp được nhiều người, nhìn thấy họ sống tốt là tui vui lắm rồi bởi trong người họ đang có một nửa dòng máu của gia đình tôi".

Cô út 34 tuổi với 45 lần hiến máu

Rời đại gia đình ông Thanh, ghé thăm gia đình chị Công Huyền Tôn Nữ Thanh Tâm (là con gái út của ông Thanh). Ngôi nhà nhỏ số 9/1 Nguyễn Du, phường Phú Cát, tp Huế nằm lọt thủm trong góc tối của con đường tuy không khang trang nhưng rất gọn gẽ cũng giống như con người chị rất giản dị và dễ hoà đồng.

Năm nay đã bước qua tuổi 34, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười luôn thường trực trên môi, chị Tâm kể lại con đường hiến máu cứu người của mình. 18 tuổi, rời quê vào Sài Gòn làm công nhân may mặc, bươn chải với chuyện cơm áo gạo tiền nhưng lúc nào trong thâm tâm chị cũng muốn cứu người, giúp đỡ mọi người thế là chị mạnh dạn tới hội chữ thập đỏ thành phố đi cho máu “Lần đầu cho máu cũng hơi run run, nhưng cứ nghĩ tới những giọt máu của mình có thể mang lại niềm vui cho người khác tôi lại quên hết. Tôi hiểu được niềm vui của những người trở về từ cõi chết và những người thân cuả họ sẽ hạnh phúc biết chừng nào”, chị tâm xúc động nhớ lại.      

10 năm ở Sài Gòn chị Tâm vừa lặn lội mưu sinh cực nhọc với đồng lương công nhân ít ỏi, cứ 3 tháng chị lại đi hiến máu tình nguyện một lần, những tấm bằng khen, giấy chứng nhận của hội chữ thập đỏ TPHCM tặng chị nhiều đến nỗi chị không nhớ hết. Về Huế, chị lại liên hệ với các bệnh viện đóng trên địa bàn thành phố thường xuyên đi hiến máu tình nguyện, chị còn vận động thêm những người thân trong gia đình rồi bạn bè, người dân ở trong khu phố tích cực đi hiến máu cứu người xem đó như những nghĩa cử cao đẹp nhất của đời người.

Với hơn 30 lần cho máu ở bệnh viện trung ương Huế, trung tâm truyền máu khu vực miền trung, chị Tâm trở thành người hiến máu nhiều nhất trong đại gia đình chuyên đi cho máu cứu người ở Huế. Nhiều năm liền chị luôn được nhận bằng khen, chứng nhận của bệnh viện, của tỉnh trao tặng vì đã có thành tích hiến máu cứu người. Ở đâu có người nghèo, ở đâu có bệnh nhân cần máu là ở đó có mặt chị.  

“Sống là cho, là cống hiến, tôi sẽ tiếp tục đi hiến máu cứu người đến khi nào sức khoẻ và các bác sỹ trong bệnh viện còn cho tôi hiến” - chị Tâm vui vẻ chia sẻ.

Năm 2004, chị Thanh Tâm là một trong những người được vinh dự nhận danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, chị cũng là một trong những khách mời danh dự của chương trình gặp gỡ Người đương thời (VTV1) - chương trình biểu dương những cá nhân điển hình trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau đã có nhiều đóng góp, cống hiến tích cực về trí tuệ, công sức cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khích lệ tinh thần sáng tạo lao động của toàn xã hội.      

Đại gia đình ông Thanh (ảnh Ngô Toàn)


Hiện tại chị Tâm đã có 2 người con nhỏ, công việc gia đình, trông nom mẹ già, chăm sóc chồng con luôn khiến chị tất bật nhưng hễ cứ rảnh rỗi, có người cần giúp đỡ chị lại tình nguyện đi cho máu cứu người. Chị bật mí “2 đứa con nhỏ của tôi sau này lớn lên tui cũng khuyên nó đi hiến máu cứu người theo nghiệp của ông, bà, cô bác và bố mẹ, anh chị nó”
 
Nỗi lòng của “ngân hàng máu sống”

Số  lần đi hiến máu cứu người của  đại gia đình ông Thanh: Chị  Tâm (34 tuổi, làm trầm hương, hiến 45 lần); chị  Bé (48 tuổi, bán hàng rong, hiến 35 lần); chị Lợi (41 tuổi, làm phụ hồ, hiến 32 lần); chị Hậu, (45 tuổi, làm phụ hồ, hiến hơn 25 lần); chị Lai (44 tuổi, bán hàng rong, hiến 28 lần); chị Thuận (49 tuổi, làm nghề bốc vác, hiến hơn 20 lần). Anh Tùng (32 tuổi, làm tiếp thị  hiến hơn 22 lần); anh Bình (41 tuổi), anh Định (37 tuổi), làm thợ nề, hiến hơn 35 lần… 

Phần lớn những người sống xung quanh đại gia đình ông Thanh là người lao động nghèo, chân lấm tay bùn, vất vả quanh năm nên họ rất dễ cảm thông, chia sẻ xem gia đình ông như một tấm gương sáng cần được tuyên dương thế nhưng khi tâm sự với chúng tôi, ông Thanh không giấu nổi nỗi buồn sâu thẳm trong tận đáy lòng của mình thể hiện qua đôi mắt hõm sâu gợn sầu: “Cứ đến định kỳ gia đình tôi lại lên bệnh viện trung ương Huế hiến máu nhưng nhiều lần họ bảo máu thừa rồi (thực tế bệnh viện TW Huế luôn trong tình trạng thiếu máu – PV)  không cần hiến nữa, họ chỉ ghi tên chúng tôi vào danh sách. Máu của chúng tôi đi hiến thực tế đã được đem bán!?” – ông Thanh nói.

Nhiều người không biết cứ tưởng gia đình ông Thanh sống bằng nghề chuyên đi bán máu ở bệnh viện, không ít lần bước chân ra đường, cả gia đình ông đã phải “chịu trận” bằng những ánh mắt khinh thường, xoi mói, xầm xì bàn tán. “Chúng tôi đi hiến máu là hiến tình nguyện cứu người chứ có cần quà cáp, đòi hỏi tiền gì từ nhà nước mô vậy mà nhiều lần chúng tôi đã phải ấm ức quay về”, ông Thanh nước mắt rưng rưng kể. Theo lời ông Thanh thì hiện tại trong bệnh viện đang có đuờng dây bán máu ra bên ngoài và ông khẳng định “Cả đại gia đình chúng tôi sẽ chỉ đi hiến máu trở lại khi nào bệnh viện thực sự trong sạch. Nếu trường hợp nào bệnh nhân cần cấp cứu thực sự nguy kịch cần máu chúng tôi sẵn sang hiến máu mà không hề có đòi hỏi gì”.

Chia tay đại gia đình nhà ông Thanh, nghĩ lại những bộn bề lo toan công việc hằng ngày những thành viên trong đại gia đình ông đang làm để mưu sinh, mỗi ngày thu nhập cả gia đình cũng chỉ được dăm bày chục ngàn đủ đế họ sống tạm với miếng cơm manh áo nhưng những việc họ làm thật không phải ai cũng dám nghĩ, dám làm. Với họ, hiến máu cứu người đó là việc làm từ thiện để trả nợ đời mà không cầu mong nhận được bất cứ sự đền đáp, trả ơn nào.

Phan Bá  Mạnh – Ngô Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm