Bí mật những “cỗ máy thời gian” bạc tỷ

24/11/2010 11:42 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sưu tầm đồng hồ cổ đã có từ lâu và trở thành một nét văn hóa của người Hà Nội. Vì những người chơi đồng hồ cổ thực thụ thường rất “kín tiếng” với “bảo vật” của mình, nên những người mê đồng hồ ít có dịp được thực mục sở thị những cỗ máy thời gian có một không hai.

Hôm qua 23/11, tại Đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, Hà Nội đã diễn ra buổi “Trưng bày và giới thiệu đồng hồ cổ”. Chỉ có 12 số đổi đi đổi lại trên mặt thôi nhưng nó chứa đựng cả tuổi thanh xuân, cả đời người và những thăng trầm của lịch sử. Những cỗ máy thời gian như Odobez khởi nguồn từ vùng Morbier (Pháp), những chiếc Cuckoo từ vùng Black Forest (Đức) sản xuất thủ công bằng tay, với tuổi đời hàng trăm năm đã mê hoặc người xem. Từ câu chuyện của những chủ nhân đồng hồ, hé lộ ra những điều ít biết về thú chơi này.

Chơi đồng hồ cổ là chơi ODO


Anh Nguyễn Trung Dũng, một người đam mê đồng hồ cổ bên “cỗ máy thời gian” ODO trên 200 năm tuổi có giá ở thị trường nước ngoài là trên 20.000 USD

Theo giới sưu tập đồng hồ Hà Nội, người sưu tập thực thụ, quan tâm đến đồng hồ cổ đầu tiên cũng chính là nhà sưu tập nổi tiếng Đức Minh. Trong bộ sưu tập phong phú của ông, không chỉ có hàng nghìn họa phẩm mà có rất nhiều đồng hồ cổ. Hãng đồng hồ có ảnh hưởng lớn nhất với giới chơi đồng hồ cổ Việt Nam chính là Odobez, thường được gọi tắt là ODO. Loại đồng hồ trứ danh ra đời năm 1708 ở Pháp, nổi tiếng với những thiết kế máy đồng hồ tủ, vỏ sắt, với những tiếng chuông nhà thờ thánh thót nổi tiếng, hay sau này là những bản nhạc coucou valse, Westmintern đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới.


Đồng hồ treo tường, đồng hồ tủ du nhập vào Việt Nam theo đường truyền giáo. Chưa có sử liệu chính xác nó xuất hiện lần đầu tiên ở Hội An, ở Ninh Bình hay ở Thái Bình, Nam Định. Nhưng nơi nào nhiều nhà thờ thì nơi ấy xuất hiện nhiều đồng hồ tủ dựng trong các thánh đường.

Từ những năm 1930, thế giới bắt đầu trào lưu từ chơi đồng hồ tủ chuyển sang chơi đồng hồ treo tường ODO. Nổi tiếng nhất là những chiếc ODO 36, nhưng nó chỉ có trong những dinh thự lớn của các viên chức Pháp hoặc những viên chức cao cấp người Việt làm cho Pháp. “Ông trùm” là ODO36 - 10, là chiếc đồng hồ ODO ra đời năm 1936 gồm 10 gông. Hiện một chiếc ODO 36 bình thường, được giới chơi trả giá khoảng 60 triệu đồng. Một chiếc đồng hồ còn nguyên bản tức là vỏ gỗ còn nguyên, kính chắn nguyên bản, bộ gông phát nhạc “zin” và cả 10 gông đều cho âm thanh chuẩn, không chiếc nào bị “điếc”, không chiếc nào bị thay hay phục chế. Với một chiếc nguyên bản như vậy, dù trả giá cao gấp 3 đến 4 lần bình thường cũng khó có cơ hội sở hữu. Có người lặn lội khắp các vùng từ Nam Định, Thái Bình chỉ để mua bộ gông giá trên chục triệu nhưng nhiều khi đi mà về tay không. Giá trị của chiếc đồng hồ tăng dần theo thời gian, nhưng cơ hội để sở hữu nó lại giảm dần.

Khi Pháp rút khỏi Việt Nam thì bằng nhiều cách đồng hồ ODO tiếp tục có mặt ở Việt Nam. Thú chơi đồng hồ ODO nổi lên đến nỗi nhắc đến đồng hồ cổ là nhắc đến ODO. Lúc này nó chủ yếu du nhập theo đường từ miền Nam nhiều hơn. Nổi bật nhất là loại như ODO 62 về sau này.

Thời điểm ấy, tại Sài Gòn đã xuất hiện những lái buôn lớn nhập trực tiếp máy đồng hồ ODO mặt quả lắc, lắp ráp và đóng vỏ tại Việt Nam. Từ đấy, hình thành nên một dòng đồng hồ ODO vỏ Việt Nam làm bằng gỗ nu, một loại gỗ quý. Sau khi giải phóng miền Nam, dân miền Bắc di cư vào Nam, mang những đồng hồ này ra Bắc, gọi là đồng hồ ODO “gông 3 con 1”.

Thời bao cấp, thú chơi bị mai một nhiều. Từ giữa thập niên 1990 trở lại đây, đặc biệt là từ những năm 2000 trở lại thú chơi đặc biệt phát triển mạnh. Ngoài ODO treo tường, người ta chơi đồng hồ rất nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới như J (Jung han), Vedette, Mauthe...

Những chiếc đồng hồ bạc tỷ

Ngoài đồng hồ tủ của Pháp sau đấy người ta mới chơi đồng hồ để bàn, bộ đồng, bộ đá, bộ sứ hai chân nến. Người không có điều kiện thì chơi đồng hồ vai bò, đồng hồ vỏ gỗ, tùy mỗi người một gu. Có những chiếc để bàn bằng sứ do Pháp thiết kế và đặt Trung Quốc làm sứ, vốn đặt ở các rạp hát hay các tòa lâu đài của Pháp, có dấu khắc chiện trên máy và ghi “tích” về từng chiếc đồng hồ. Loại này cũng lưu lạc trong giới chơi đồng hồ Hà Nội, có những chiếc đồng hồ trị giá đến hàng tỷ đồng.


Bộ đồng hồ để bàn “khải hoàn môn” và bộ để bàn “4 cột đá” của Pháp từ cuối thế kỷ 19

Cách chơi đồng hồ của người Hà Nội gốc, khác ở chỗ phải chơi đúng phong cách đồng hồ tủ của Pháp, cổ điển và không phô trương. Như đồng hồ tủ, các địa phương khác thường thích phải có tiếng nhạc. Nhưng người Hà Nội chỉ nhắm vào các loại đồng hồ tủ “đời trước” chỉ phát ra tiếng keng như tiếng chuông báo “đổ rác”. Máy của các loại đồng hồ này thường có tuổi thọ trên 100 năm, mặt làm bằng men, nhìn rất xấu nhưng nó có giá trị cổ kính, quý phái rất riêng.

Nhưng mê hoặc người chơi phải là những chiếc có nguồn gốc rõ ràng, còn nguyên giấy tờ, giao kèo mua bán bằng tiếng Pháp hay Quốc ngữ sau này. Giá của những chiếc đồng hồ đó tùy thuộc vào chứng nhận người chủ sở hữu trước kia của nó là ai. Chủ nhân thực sự hoặc những người sưu tầm lại những chiếc đồng hồ ấy thường mai danh ẩn tích, ít khi họ công bố. Những ai am tường, đôi khi vô tình bắt gặp mới giật mình đặt dấu hỏi về thân thế của chủ nhân.  

Chính vì sự bí mật ấy, mà Hà Nội vẫn lưu truyền một giai thoại về sự hào phóng hiếm có của chủ nhân đồng hồ cổ. Cuối những năm 70 thế kỷ trước, cửa tiệm đồng hồ ở 20 phố Huế của ông chủ tên Đôn, có một chiếc đồng hồ tủ, mặt tráng men của Pháp. Người am tường thoạt nhìn biết ngay đây là chiếc đồng hồ quý hiếm. Nhiều người giàu có đến hỏi mua lại, có người gạ đổi cả một ngôi nhà lớn trên mặt phố cũ để lấy chiếc đồng hồ ấy, nhưng không được đồng ý. Thời đó, đồng hồ còn hiếm, ông Đôn không giữ “bảo vật” riêng mình, ông dựng nó trước cửa hàng trên vỉa hè cho tất cả những ai đi đường đều nhìn thấy. Ngoài chiếc đồng hồ bưu điện bờ Hồ, chiếc đồng hồ ấy là phương tiện xem giờ của rất nhiều người thành phố, những công chức đi làm, những người từ chợ Mơ sớm, ai cũng ghé qua nhà ấy để nhìn giờ.

Khi các loại đồng hồ phổ biến, rẻ tiền, mọi người dần quên mất sự xuất hiện của nó trên phố. Bây giờ, chiếc đồng hồ ấy với nhiều người chỉ là hoài niệm và nó trở về vị trí là đồ gia bảo của riêng gia đình chủ nhân.

(còn tiếp)

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm