Đội tuyển Việt Nam và cái giá của sự thay đổi

29/01/2024 05:34 GMT+7 | Bóng đá Việt

Để xác tín cho sự kiên định của mình, HLV Philippe Troussier có nhắc đến chi tiết: "Trước khi tôi đến Việt Nam, đội tuyển đã thua 8 trận ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022". Tất nhiên là không ai không biết điều đó, nhưng đôi khi ông Troussier thì nhớ và đa số chúng ta lại quên, kể cả khi nó rất quan trọng.

Thật ra thì trước khi HLV Troussier đến, phần lớn chúng ta đều tin rằng đội tuyển cần có cách tiếp cận mới khác với lối đá thiên về phòng ngự - phản công dưới thời HLV Park Hang Seo. Chúng ta quen với lối chơi đó đến mức khi đá tại SEA Games hay AFF Cup, khi các đối thủ nhường thế trận cho chúng ta, thì việc chiến thắng rất vất vả, mà nói kiểu dân dã là "mệt như đi cày ruộng".

Nói cách khác, đội tuyển cần thường xuyên hơn với cách chơi bóng chủ động, trước đội yếu lẫn đội mạnh hơn. Cụm từ  khái niệm "kiểm soát bóng" quen dùng ở thời HLV Troussier thật ra chỉ là một cách tư duy trong thi đấu để hướng đến sự chủ động, chứ không có nghĩa là thời lượng cầm bóng. Vì về nguyên tắc, đã là đội yếu thì vẫn phải đá phản công mới có hi vọng thắng đội mạnh hơn mình, nhưng khác nhau ở chỗ, kể cả khi cầm bóng ít hơn thì tư tưởng chủ chốt về mặt chiến thuật là không phòng thủ.

Thế nên gần một năm mà HLV Troussier huấn luyện, điểm dễ nhận thấy nhất của các đội tuyển đó là gần như không biết phòng ngự. Cũng cầu thủ đó, vị trí đó, nhưng những kỹ năng phòng thủ của họ hầu như "đi lạc" khi rơi vào thế bị đối thủ pressing hay tăng tốc độ chuyền bóng. Phần lớn các bàn thua của thời HLV Troussier đều ở hoàn cảnh mà thủ môn Đặng Văn Lâm hay Filip Nguyễn dù có giỏi đến mấy cũng không cứu nổi, trong đó có nhiều quả phạt đền không đáng có.

Đó chính là cái giá của việc thay đổi lối chơi cũng như cách tiếp cận trận đấu dưới thời HLV Troussier. Nếu muốn thay đổi, thì phải chấp nhận trả giá. Vấn đề không phải là ông Troussier đúng hay sai, mà câu hỏi đúng nên là: Liệu chúng ta có khả năng thay đổi hay không hoặc đã sẵn sàng làm điều đó hay chưa?

Vì sự thật là những con người mà HLV Troussier chọn lựa và tin tưởng lại gây thất vọng nhiều nhất. Lý do chính, là họ có quá ít thời gian thi đấu ở CLB, thậm chí còn chưa có suất đá chính. Ngay như một trung vệ như Nguyễn Thanh Bình mà mắc lỗi nghiệp dư là kéo áo để bị phạt đền, thì cũng đủ thấy yếu tố trải nghiệm tại CLB, cụ thể hơn là môi trường V-League, quan trọng như thế nào. Vậy thì nếu chẳng có gì thay đổi với họ khi trở lại chơi bóng ở CLB, thì các trận đấu kế tiếp của đội tuyển cũng khó mà khác được.

Cái giá của sự thay đổi - Ảnh 1.

Những con người mà HLV Troussier chọn lựa và tin tưởng nhất ở Asian Cup 2023 lại gây thất vọng nhiều nhất. Ảnh: Hoàng Linh

Thế nên, có lẽ đây chính là yếu tố mà cả VFF lẫn HLV Troussier cần có những cái nhìn sòng phẳng. Chúng ta đang đòi hỏi sự kiên nhẫn từ người hâm mộ, nhưng cần phải xác định thật rõ: liệu chỉ cần kiên nhẫn thôi là đủ hay sao?

Liệu kiên nhẫn có giúp cho những Khuất Văn Khang hay Võ Minh Trọng, Nguyễn Văn Trường, Đình Bắc sẽ vụt sáng trong một tháng nữa ở các trận đấu với Indonesia, trong khi họ chính là những người thua trận trước đối thủ này tại SEA Games và Asian Cup? Rất khó xảy ra một việc như vậy.

Không phải tự nhiên mà bóng đá thế giới hiện  đang "cuồng" các con số thống kê "phi truyền thống" như chỉ số xG (bàn thắng kỳ vọng), key-pass (đường chuyền then chốt), vị trí sút bóng (các pha bóng 2), tỷ lệ tắc bóng thành công…

Trong bối cảnh mà trình độ của các đội bóng ngày càng gần nhau hơn, yêu cầu đặt ra cho các HLV nhiều hơn trong việc phát kiến ra các chiến thuật chơi bóng nặng tính khoa học chứ không còn phụ thuộc vào cảm quan theo kiểu "đang tiến bộ" hoặc "đi đúng hướng".

Những đội bóng bị đánh giá thấp hơn, thì lại cần phải quan tâm nhiều đến các con số thống kê, vì đó là cách để họ đánh bại đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần. Thế nên, chẳng có gì gọi là tốt nếu chúng ta kiểm soát bóng đã ít, số cú sút còn ít hơn nữa, còn khả năng đưa bóng vào lưới đối thủ = 0 thì cái khái niệm "tốt" gần như vô nghĩa.

Tóm lại, cần "định lượng" cho kỹ cái giá của sự kiên nhẫn trong việc thay đổi ở đội tuyển hiện nay. Xa hơn, sự thay đổi này chỉ có thể bảo đảm thành công nếu V-League đang dần chuyển đổi về mặt lối chơi, sử dụng nhiều hơn các nhân tố trẻ, quan tâm hơn đến các thông số kỹ thuật ở từng trận đấu.

Hãy lấy ví dụ từ đội Thanh Hóa của HLV Velizar Popov, họ đang chơi cởi mở như thế nào và kết quả thi đấu của họ 2 mùa bóng gần đây ra sao, thì khi đó, muốn kiên nhẫn bao lâu có lẽ cũng cố …


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm