Đội tuyển Argentina: Hồi sinh nhờ ma thuật của Sabella

18/10/2013 19:44 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Argentina thiếu tính tổ chức và mất cân bằng thời Diego Maradona và Sergio Batista, nay lột xác dưới bàn tay Alejandro Sabella. Huấn luyện viên có vẻ ngoài khù khờ ấy giúp Albiceleste vượt qua vòng loại World Cup 2014 khu vực Nam Mỹ một cách ấn tượng, đưa Argentina trở thành ứng viên nặng ký cho chức vô địch World Cup, trong mắt các nhà chuyên môn.

Đi tìm linh hồn cho đội tuyển


Sau kỳ Copa America thất vọng mà tuyển Argentina bị loại ở tứ kết, họ quyết định thay huấn luyện viên. Sergio Batista chính thức bị sa thải sau thất bại trước Uruguay, nhưng sự lựa chọn Alejandro Sabella của Liên đoàn bóng đá Argentina (AFA) cũng nhận nhiều chỉ trích: “Tôi không hiểu tại sao lại chọn ông ta”, nhà vô địch World Cup 1978, huấn luyện viên huyền thoại Cesar Menotti thắc mắc trên Radio Cooperativa. “Tôi không biết gì về dự án của ông ta cả”.

Menotti chỉ là một trong rất nhiều người đặt ra câu hỏi này. Trước khi làm huấn luyện viên đội tuyển, Sabella mới có hai năm kinh nghiệm, sau những năm làm trợ lý cho huấn luyện viên kỳ cựu Daniel Passarella cả ở World Cup 1998 tại Pháp. Ông chỉ bắt đầu nghiệp huấn luyện từ tháng 3/2009.

Sabella thành công rất nhanh. Cùng Estudiantes, ông vô địch Copa Libertadores năm 2009 và Apertura năm 2010, trước khi rời câu lạc bộ vào tháng 2 vì bất đồng với ban lãnh đạo. Chia tay Sabella, Estudiantes rơi tự do, chỉ thắng một trong 17 trận sau đó.



Sabella thay đổi hoàn toàn tuyển Argentina


Ở Sabella, người ta thấy có sự pha trộn của hai trường phái tương phái: tấn công kiểu River Plate và bóng đá tập thể của Estudiantes. “Tôi sinh ra ở River Plate”, ông nói câu này rất nhiều lần, “nhưng đi theo Estudiantes”.

Trong lịch sử, với câu thần chú “ganar, gustar, golear” (chiến thằng và đè bẹp đối thủ), River Plate luôn tấn công và ghi rất nhiều bàn thắng để chiến thắng. Trong những năm gần đây, họ không leo được lên tốp ba Argentina  nhưng khi Sabella là một tiền vệ tổ chức của “Dòng sông bạc” những năm 1970, câu lạc bộ nhiều lần vươn đến vị trí đó.

Ở Estudientes, Sabella được học về triết lý của đội bóng: ý thức về sự đoàn kết và tính đồng nhất của tập thể, vốn được tôi luyện từ đội bóng huyền thoại những năm cuối thập niên 60 giành Copa Libertadores và Intercontinental Cup, cao hơn những phẩm chất cá nhân. Đội bóng ấy nổi tiếng bởi sự đồng nhất, đề cao tinh thần và sự kiêu hãnh của tập thể hơn sức mạnh của phong cách chơi bóng.

Sabella cố gắng tìm ra sự đồng nhất ấy ở đội tuyển. Ông tập trung tìm lại tinh thần cho đội bóng và gắn kết các cầu thủ với nhau, hơn là cố gắng khai thắc tài năng từng cá nhân. Ông tăng thời gian tập luyện cùng nhau của các cầu thủ, để họ hiểu nhau hơn, đề cao sự chăm chỉ - đức tính Sabella rất yêu mến.

Thay vì những ngôi sao, Sabella gọi lại một số cầu thủ cũ như Lucho Gonzalez, Martin Demichelis và Nicolas Otamendi. Ông trao cơ hội cho một số gương mặt mới thay vì gọi cầu thủ dựa vào danh tiếng: Ricky Alvarez của Inter Milan, Jose Sosa của Metalist Kharkiv, Federico Fernandez của Napoli... Một ngôi sao giàu cá tính thời Batista và Maradona là Carlos Tevez bị bỏ rơi.

Chiến thuật Sabella hướng tới là sự mềm dẻo, thích ứng tùy hoàn cảnh. Đội bóng thường đá 4-3-3 với 3 tiền vệ chơi thấp ở giữa sân, thường là hai “công nhân” và một tiền vệ kiến tạo lùi sâu (Gago). Nhưng khi cần, Di Maria sẽ được bổ sung ở tuyến dưới, tạo thành sơ đồ 4-2-4 khi tấn công. Argentina có quá nhiều tài năng tấn công, nhưng Sabella không cố gắng nhét thật nhiều ngôi sao tấn công vào đội hình như những người tiền nhiệm, đặc biệt Maradona cố làm. Triết lý của ông: Ít hơn thì mạnh hơn.

Mang Messi đích thực về từ Barca

Một trong những quyết định quan trọng nhất của Sabella khi ông lên nắm quyền là chọn ra đội trưởng mới cho đội bóng: Lionel Messi. “Tôi cảm thấy đã đến lúc thích hợp”, Messi vui mừng phát biểu sau khi vinh dự nhận tấm băng thủ quân từ tân huấn luyện viên.

Các cầu thủ ở đội hoàn toàn đồng ý với quyết định này, nhưng cánh nhà báo thì không: Họ làm nổ ra tranh cãi vì cho rằng Messi quá trầm tĩnh để lãnh đạo. Messi chứng minh rằng đôi chân anh chẳng trầm lặng chút nào: Kiến tạo cho Higuain ghi bàn ngay trận gặp Nilgeria, trận thứ hai thời Sabella. Đến nay, Messi đã ghi 20 bàn sau 18 trận thời Sabella, hiệu suất cao chưa từng thấy của anh trên tuyển. Siêu sao Messi của Barcelona lần đầu tiên được sao chép hoàn hảo về quê nhà.

Cách Sabella dùng Messi cũng là một cách sao chép mô hình Barcelona: Ông để anh chơi tự do như số 9 ảo tại Argentina, nhưng không ép anh giải quyết mọi vấn đề trong tấn công như thời Maradona. Messi được thả lỏng. Gago thay Juan Sebastian Veron thành cầu thủ phối hợp tốt nhất với Messi. Messi đóng vai trò điều phối cách di chuyển của các đồng đội, nhưng Gago là người tổ chức. Messi hoàn toàn hài lòng.

“Tôi thích cách đội bóng tấn công và di chuyển khi có bóng...”, Messi trả lời Fox Sports radio  trước trận đấu với Uruguay. “Chúng ta đều biết rằng vẫn có những thứ chưa hoàn hảo. Tôi từng trải qua nhiều giai đoạn buồn trên đội tuyển nhưng may mắn là đã trưởng thành, và tôi hy vọng mọi việc tiếp tục thế này”.

Ở hàng thủ, Sabella tin dùng những hậu vệ cánh thật sự có tốc độ như Zabaleta và Rojo. Ông không cố gắng sự dụng những hậu vệ biên "nghiệp dư" như Martin Demichelis, Nicolas Otamendi, Nicolas Burdisso hay Jonas Gutierrez mà Maradona hay dùng. Thất bại thảm hại của tuyển Argentina tại World Cup 2010 đến từ sự thiếu cân bằng trầm trọng giữa công và thủ, và Sabella ra sức giải quyết chúng.

Có thể thấy điểm chung trong mọi quyết định của Sabella từ ngày dẫn dắt Argentia là ông giúp đội bóng cân bằng hơn. Một Argentina lung linh của cả tá ngôi sao tấn công thượng thừa thường xuyên giẫm chân nhau trên sân, trở thành một đội bóng thật sự, nhiều “công nhân” hơn, nhưng vai trò của từng cá nhân được khu biệt, tạo thành một tập thể có tổ chức.

Thành công của Sabella cho thấy, một vị huấn luyện viên đội tuyển Argentina không cần là ngôi sao showbiz như Maradona. Có thể Sabella trầm tĩnh và “lười biếng” (Biệt danh của ông Pachorra, nghĩa là uể oải). Nhưng ông thực sự là một chiến thuật gia có óc tổ chức. Một huấn luyện viên có đôi tay phù thủy (El Mago, Phù thủy, một biệt danh nữa của Sabella)...

Huấn luyện viên hay ngôi sao ?

Cuối những năm 1970, cần một ngôi sao trẻ, huấn luyện viên Harry Haslam của Sheffield United muốn mua Diego Maradona. Nhưng vì giá chuyển nhượng Maradona khi ấy quá đắt (lên đến 400.000 bảng), Haslam đành mua cầu thủ khác ít tiếng tăm hơn, Alejandro Sabella từ River Plate, với giá chỉ 160.000 bảng. Đều rất tài năng, nhưng Sabella trầm lặng hơn hẳn Maradona. Đều là tiền vệ tấn công, nhưng Sabella “lười biếng và chậm chạm”, như biệt danh Pachorra của ông. Ông không có phong cách thủ lĩnh có thể làm mọi việc trên sân như Maradona. Ông không thành công lắm tại Sheffield, đá 76 trận, ghi 8 bàn. Mãi đến năm 28 tuổi, Sabella mới tới Estudiantes và giành thêm hai danh hiệu nữa. Trên ghế huấn luyện, hai danh hiệu duy nhất của Sabella đến thời điểm này cũng với Estudiantes.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm