Đời sống thời Bao cấp (Bài 2): Phân phối & đồng lương

17/05/2014 11:07 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) -


Bắt phanh trần phải phanh trần

Cho may ô mới được phần may ô

(Ca dao thời bao cấp)

Một yêu anh có may ô

Hai yêu anh có cá khô ăn dần

Ba yêu rửa mặt bằng khăn

Bốn yêu bàn chải đánh răng hàng ngày…

(Bài ca Mười yêu cho anh nhà nghèo)


Phố phường Hà Nội đầu thập niên 1980. Ảnh: John Ramsden

Hòa bình lập lại năm 1954, sau đó cuộc cải cách công thương nghiệp tư doanh bắt đầu. Những nhà sản xuất và thương mại cũ phải hiến những tài sản của mình cho Nhà nước theo hình thức công tư hợp doanh. Kinh tế tư nhân dần dần bị xóa bỏ và tài sản cá nhân cũng dần dần biến vào sở hữu công cộng. Tất cả mọi thứ đều như vậy. Một số gia đình đặc biệt, hoặc không quá giàu có, còn có thể giữ lại nhà, còn phần lớn bị sung công và chia lại từ đầu cho nhân dân và cán bộ công nhân viên, theo tiêu chuẩn mỗi người bốn thước vuông. Việc này cũng tương đối, gia đình cán bộ sẽ thuê lại căn phòng nào đó của Nhà nước với giá rất rẻ, hỏng hóc, quét vôi, sang sửa đều do Sở Nhà đất đảm nhiệm. Hầu như không có nhà riêng, mà chỉ có phòng riêng. Thời đầu hòa bình, mỗi số nhà ở Hà Nội xưa là một gia đình, nay có nhiều gia đình đến ở, bếp nước và khu vệ sinh đều chung, công-tơ điện và nước cũng chung, hàng tháng các hộ tự chia tiền điện nước tùy theo sự tiêu dùng, chủ yếu theo số nhân khẩu mà trả tiền Nhà nước. Không có thương mại tư nhân nên không có thuế khóa gì. Nhà tôi gồm bố mẹ và chín anh em, thường được thuê một căn phòng rộng chừng 30 - 50 thước vuông, cả nhà chỉ có một hai cái gường, còn tất cả thường xuyên nằm trên nền nhà. Do bố mẹ là cán bộ, nên con cái cũng có tiêu chuẩn tem phiếu, sổ gạo, tiền học giảm dần theo số con, ví dụ một con đóng đồng rưỡi một tháng tiền học phổ thông, đứa thứ hai chỉ đóng một đồng, từ đứa thứ ba đóng năm hào. Nếu con quá đông thì lại được trợ cấp vào lương bố mẹ, ví dụ từ con thứ ba được trợ cấp 5 đồng một tháng cho một người chưa đến tuổi lao động. Cán bộ đi làm bình quân được mua 13 kg gạo một tháng, giá 4 hào/kg không thay đổi cho đến suốt thời bao cấp. Người không đi làm và tuổi nhỏ hơn, được tiêu chuẩn gạo từ 13 kg trở xuống tùy theo, ví dụ một tuổi sẽ được mua 3 kg. Những người làm việc nặng nhọc, độc hại sẽ được mua trên 13 kg, từ 14 - 19 kg, còn bộ đội sẽ được mua 21 kg và được cấp 6,8 hào tiền ăn một ngày, cho binh lính thông thường. Riêng mục đời sống bộ đội ta sẽ bàn trong một bài khác. Nông dân tùy theo vùng, được cấp thóc theo đầu người như vậy, tính ra gạo cũng từ 11 - 15 kg, về cơ bản lương thực gạo của nông dân thấp hơn dân thành phố, nhưng họ có thể tăng gia hoa màu, ngô khoai và mót thóc.


Xe đạp chở gạo sau khi lĩnh lương thực về. Ảnh: John Ramsden

Cán bộ thông thường được mua 3 lạng thịt/ tháng, nếu mua thịt thì thôi mua mỡ. Nước mắm một lít rưỡi, muối cân rưỡi, rau 3-5 cân, dầu hỏa 4 lít trong một tháng. Tiêu chuẩn này cũng thay đổi theo lương và tuổi lao động, nghề nghiệp lao động. Ở Hà Nội những gia đình cán bộ trung cấp sẽ được mua hàng tại cửa hàng riêng ở phố Nhà Thờ, cán bộ cao cấp mua ở  phố Tông Đản, nhân dân và cán bộ bình thường mua hàng ở các cửa hàng ở các chợ chính và một số nơi quy định. Hàng ít, khan hiếm nên xếp hàng trở thành hiện tượng thông thường hàng ngày, mua bán cái gì cũng xếp hàng cả. Nên người ta gọi đùa chủ nghĩa xã hội là xếp hàng cả ngày.


Một họa sĩ đang ký họa ngoài trời. Ảnh: Thomas Billhardt. Nguồn: Reds.VN

Đó là những phân phối đều đặn hàng tháng nếu tình hình chiến sự và kinh tế còn đảm bảo được. Cuộc chiến chống Mỹ ngày một gian khó nhất là từ chiến tranh phá hoại đến những năm 1973, lương thực khan hiếm dần, và người ta phải phân phối nhiều loại khác thay cho gạo, như bột mì, hạt bo bo, ngô khoai sắn. Cơm độn các loại trên là phổ biến trong mỗi bữa ăn, đôi khi nồi cơm chỉ có 30% là gạo. Vải may quần áo cũng dần trở nên khan hiếm, theo tiêu chuẩn thì cán bộ được 4 thước vải/năm, nhân dân được 2-2,5 thước/năm. Nhưng có những năm chẳng có chút vài nào, người ta sẽ bán thay vào đó chút kim chỉ, sách giấy, đường, hay phụ tùng xe đạp. Thời gian đó không ít người ăn mặc theo kiểu nhất bộ, tức là quanh năm chỉ có một bộ quần áo mà thôi, về nhà là cởi trần trùng trục. Nhiều nam thanh nữ tú cũng phải mặc quần áo vá chằng vá đụp.


Bên trong một cửa hàng tạp hóa tại Tràng Tiền khoảng đầu thập niên 1980. Ảnh: Jones Griffiths

(Còn nữa)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm