Giá hàng hóa tăng “ăn theo” giá xăng

25/02/2011 11:32 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Sau giá điện giờ là giá xăng dầu tiếp tục tăng vọt làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân vì các hàng hóa khác cũng đồng loạt lên giá ngay sau khi giá xăng tăng.


Giá bán rau củ quả và thịt cá tại các chợ bắt đầu có dấu hiệu tăng nhanh. Ảnh: Minh Tuệ.

Theo ghi nhận, sáng ngày 25/2 tại các Chợ đầu mối như Xuân Đỉnh, Long Biên hay các chợ nhỏ như Chợ Bưởi, Nghĩa Tân… giá bán rau củ quả và thịt cá đã bắt đầu có dấu hiệu tăng nhanh. Trong đó đặc biệt tăng nhanh hơn là các loại thịt, cá đều tăng giá, còn giá rau xanh chỉ tăng nhẹ vì đang có nguồn cung cấp khá dồi dào.

Khảo sát qua các chợ sáng 25/2 cho thấy, hầu hết các loại thủy hải sản là mặt hàng tăng giá mạnh nhất sáng ngày 25/2.

Các loại cá trắm, cá trôi, cá chép cũng tăng từ 5 – 10 nghìn đồng/kg. Tại chợ Nghĩa Tân, thịt lợn nạc thăn có giá 95 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ là 85 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg, thịt nạc mông giá 90 nghìn đồng/kg.

Giá thịt bò thăn có giá từ 200 – 220 nghìn đồng/kg, thịt bò mông từ 170 – 180 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá rau xanh không tăng mạnh. Hầu hết chỉ tăng 1000 – 2000 đồng.

Theo nhận định của một số người bán hàng tại các chợ Nghĩa Tân, Chợ Bưởi, Xuân Đỉnh thì mức tăng giá như vậy là “tất nhiên” vì… giá xăng tăng !

Thậm chí nhiều tiểu thương đã dự liệu từ trước vài ngày gia xăng tăng nên đã “găm” hàng để bán ra vào những ngày này được giá hơn.

Tuy nhiên, dù có tăng chậm thì cuộc chiến giá cả leo thang đối với những người làm công ăn lương chưa bao giờ dừng lại và ngày một cam go hơn khi mà cứ từng ngày các vật phẩm thiết yếu kéo nhau tăng giá vùn vụt theo kiểu “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng cao.

Hơn ai hết, nỗi khổ thời bão giá có lẽ chỉ những bà nội trợ là hiểu rõ nhất khi phải cầm “cán cân” chi tiêu của gia đình.

Chị Dương, nhà ở Cụm 1, Xuân Đỉnh, Từ Liêm nói: “Giá cả cứ leo thang thế này làm đồng tiền kiếm ra chẳng được bao nhiêu mà tiêu thì nhanh quá. Cái gì cũng đắt vì giá xăng dầu, điện nước đều tăng cao. Lương công nhân chúng tôi tăng chẳng đáng bao nhiêu mà giá vật dụng hàng ngày tăng liên tục thế này thì chỉ người nghèo là khổ thôi.”

Ngay trước giờ giá xăng tăng lên gần 3000 đồng/lít, tại các cây xăng toàn thành phố Hà Nội đông nghẹt người mua với mong muốn tiết kiệm được vài đồng nhưng cũng không hề dễ dàng chút nào khi dòng người quá đông.

Trong khi đó, giá cả thực phẩm ngoài chợ cũng sẽ tiếp tục đội giá khi chi phí đi lại cũng liên quan đến xăng dầu và các tiểu thương bắt buộc phải tăng giá là điều hoàn toàn dễ hiểu. Cũng chính vì giá tăng mà sức mua của người tiêu dùng bị giảm đi rất nhiều lần bởi mức chi tiêu dè xẻn là tâm lý chung của những người đi chợ.

“Lương công chức như đâu có nhiều chỉ độ 2 – 3 triệu/ tháng trong khi giá rau cũng tăng lên đến vài nghìn đồng còn các mặt hàng khác như thịt cá còn tăng hơn làm chúng tôi bắt buộc phải chi tiêu chắt chiu hơn mới đủ trang trải cho cả tháng”, bác Nguyễn Thị Tuy, một bà nội trợ đi chợ Nghĩa Tân cho biết.

“Điều chỉnh giá xăng dầu là phù hợp với hiện nay"


Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh:
 Giá xăng dầu hiện nay của chúng ta đã đi theo cơ chế thị trường từ cuối năm 2009, tuy nhiên cuối năm 2010, tình hình lạm phát trong nước tăng nên Chính phủ quyết định chưa điều chỉnh giá. Chính vì sự kìm nén đấy nên ngành xăng dầu rất là khó khăn, giá của chúng ta bán thấp hơn Lào là 8.000 đồng/lít, so với mức phải điều chỉnh thì ví dụ như đối với xăng phải điều chỉnh 6.400 đồng.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thấy rằng nếu điều chỉnh lớn như vậy sẽ tác động xấu đến kinh tế-xã hội nên lần này chỉ điều chỉnh một bước thôi, tức là trên nguyên tắc Nhà nước lùi thuế, không thu thuế; bên cạnh đó ngành xăng dầu cũng tạm thời chưa tính lãi và toàn bộ nợ cũ vẫn treo lại. Vì thế, giá xăng hiện nay tăng thêm 2.900 đồng/lít mới chỉ đáp ứng một phần của mức phải điều chỉnh.

Giá xăng dầu cũng đã kìm nén quá lâu trong khi bối cảnh thế giới xăng dầu còn tăng nữa nên nếu chúng ta giữ lại nữa thì nền kinh tế sẽ méo mó.

Nguồn lực của Nhà nước không thể bù lỗ một cách tràn lan và ở mức cao như thế nên chúng ta phải chấp nhận lựa chọn một phương án để nền kinh tế dần dần tiến tới hạch toán một cách đầy đủ, nhưng đồng thời hạn chế mức tác động lớn nhất, xấu nhất đến nền kinh tế. Chúng ta lựa chọn bước đi như vậy là phù hợp và hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

(Nguồn TTXVN)



Vũ Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm