Tàu điện ngầm không ảnh hưởng tới nhà dân

08/07/2011 10:16 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 của Hà Nội (giai đoạn 1), có tổng chiều dài 12,5km từ Nhổn tới ga Hà Nội gồm 12 ga, trong đó 8,5km từ Nhổn về công viên Thủ Lệ chạy trên cao với 8 ga, 4km từ Thủ Lệ đến Ga Hà Nội sẽ chạy ngầm với 4 ga là Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu và ga Hà Nội. Tuyến đường ngầm có độ sâu từ 13 đến 15m, các ga ngầm có độ sâu từ 15 đến 30m.

Dự án nhận được sự ủng hộ tài chính lớn từ phía Chính phủ Pháp. Theo kế hoạch, lúc 23h30 đêm 7/7, mũi khoan khảo sát địa chất đầu tiên nhằm chuẩn bị thiết kế kỹ thuật cho các ga ngầm và đường hầm được thực hiện trước sảnh chính của ga Hà Nội dưới dự chứng kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và Tham tán kinh tế Đại sứ quán Pháp, bà Marie- Cécile Tardieu-Smith cùng đại diện của nhà tư vấn Pháp Systra.

Đường ngầm sâu từ 13 đến 15m

Tháng 4/2009 dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3 được phê duyệt báo cáo khả thi. Tháng 9/2010, hạ tầng kỹ thuật khu đề-pô được khởi công tại Nhổn, song phải đến gần đây, tháng 4/2011, quy hoạch tổng mặt bằng ngầm tuyến đường mới được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Bản đồ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và các điểm đặt nhà ga

Bà Marie-Cécile Tardieu-Smith cho biết: “Tiếp theo quyết định phê duyệt của UBND TP Hà Nội, bản tiến độ tổng thể của dự án đã được thiết lập. Dự kiến tháng 11 năm nay, sẽ khởi công xây dựng kiến trúc khu đề-pô. Tháng 2/2012 thi công các tuyến đường trên cao và nhà ga trên cao. Phần ngầm bao gồm đường hầm và các ga ngầm sẽ được thi công vào cuối năm 2012, và cuối năm 2016 sẽ đi vào vận hành tuyến. Kế hoạch tiến độ này cần phải được tuân thủ chặt chẽ để có thể đưa tuyến đường đi vào vận hành chậm nhất ngày 31/12/2016”.

Đại diện của nhà tư vấn Systra cho biết, sau giai đoạn khoan khảo sát địa chất, nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở vào năm 2006 và 2008, năm 2011 từ 7/7 sẽ thực hiện 59 lỗ khoan. Chiều sâu của các lỗ khoan từ 30m đến 57m. Khoảng cách giữa các lỗ khoan được giảm xuống (cứ 150-300m có 1 lỗ khoan) để thu thập thông tin rõ hơn về các điều kiện địa chất nhằm đảm bảo thiết kế an toàn vị trí chính xác của các kết cấu tuyến hầm, các ga, các móng cọc.

Đại diện nhà tư vấn khẳng định sẽ có các phương án khắc phục trong tình trạng Hà Nội có mưa to, mưa liên tục.

Trước lo ngại về việc thi công ngầm sẽ ảnh hưởng đến nhà dân và hệ thống ngầm trên địa bàn tuyến đường đi qua, ông Bechereau, Giám đốc Dự án tuyến Metro của Systra khẳng định: “Trong quá trình thực hiện khảo sát và thi công, các đơn vị sẽ sử dụng công nghệ hiện đại. Đồng thời, việc thi công sẽ được giám sát từng ngày, đảm bảo an toàn đúng kỹ thuật và thiết kế. Chúng tôi đảm bảo khi đào hầm sẽ không ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân, thậm chí còn không gây tiếng ồn khi thi công các hạng mục ngầm nằm ngay dưới mặt đất”.

Việc thi công đoạn ngầm từ hồ Thủ Lệ đến Ga Hà Nội sẽ sử dùng loại máy có thể tiến hành đồng thời việc đào hầm và xây tường hầm. Trong khi máy hoạt động đào hầm, đằng sau hầm đã được xây. Tuyến đường đi ngầm sẽ sâu từ 13 đến 15m so với mặt đất.

Đội kinh phí do chậm tiến độ

Tuyến số 3 là tuyến đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên của Hà Nội trong 5 tuyến đường sắt đô thị, nối từ ngoại thành vào nội đô. Dự án gồm 9 gói thầu, trong đó, gói thầu số 4 xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đề-pô tại Nhổn được khởi công từ ngày 25/9/2010 nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo thiết kế, đường kính đoạn đường ngầm là 6,3m. Tuyến đường sắt với chiều rộng đường ray là 1,435m, tốc độ trung bình của tàu là 37km/h, vận tốc lớn nhất 80km/h. Nếu tàu thiết kế 4 toa 2 chiều, mỗi toa dài 20m, tàu có thể vận chuyển hơn 900 khách. Nếu thiết kế 5 toa, tàu có thể vận chuyển hơn 1.100 khách. Thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến kể cả thời gian dừng đón, trả khách chỉ mất chưa đến 20 phút.

Phối cảnh ga trên cao số 5 tại đường Lê Đức Thọ gần khu đô thị Mỹ Đình

12 nhà ga trên toàn tuyến có các khu vực riêng giữa khách chưa thanh toán tiền và đã thanh toán tiền. Công nghệ soát vé sử dụng đồng xu hoặc thẻ mã hóa các thông tin về loại vé và giá tiền. Tất cả các thiết bị sẽ được hiển thị bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Hiện nay khu đề-pô số 1 tại Nhổn, nhà thầu đã triển khai thi công cơ bản xong các công trình phụ trợ như san nền, hệ thống bản cọc đỡ ray, hệ thống cấp thoát nước và cứu hỏa, đường nội bộ, đào hồ điều hòa.

Về việc dự án bị chậm tiến độ, chuyển thời gian hoàn thiện từ năm 2015 sang 2016, bà Marie-Cécile Tardieu-Smith cho biết: “Đó là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến chi phí dự án. Hiện nay, các đơn vị đang đánh giá, nghiên cứu về các chi phí tăng giá để làm việc với TP Hà Nội về vấn đề này”.

Theo Báo cáo sơ bộ của tư vấn Systra, tổng mức đầu tư cho dự án có thể tăng lên khoảng từ 1,5 đến 1,7 lần so với ban đầu được duyệt. Ví dụ giá các gói thầu xây lắp và thiết bị toàn tuyến từ Nhổn đến ga Hà Nội theo kế hoạch đấu thầu được phê duyệt là 612,185 triệu euro, tuy nhiên đến nay theo tính toán đã tăng lên 923,273 triệu euro. Ngoài ra, giá của các gói thầu xây dựng tuyến trên cao cũng tăng khoảng 1,6 lần, các ga trên cao tăng 2,71 lần so với mức đã duyệt.

Bà Marie-Cécile Tardieu-Smith khẳng định: “Các đơn vị đang làm tất cả để có thể giảm chi phí, tránh “đội” giá, trong đó chú trọng vào các giải pháp kỹ thuật”. Bà cũng cho biết, tuy mức đầu tư hiện nay đã tăng so với dự kiến ban đầu song vẫn chưa biết con số cuối cùng trước khi hoàn tất việc đấu thầu trong năm 2011 bởi thời điểm hiện nay chưa đủ cơ sở để tính toán tổng mức đầu tư của dự án.

Đến 2020, Hà Nội xong ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1081/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với quan điểm xây dựng và phát triển Thủ đô thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

Quy hoạch tiếp tục xác định rõ vai trò của các tuyến đường sắt đô thị: “Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, phấn đấu đến năm 2015-2020 đưa vào vận hành ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị. Đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đạt ít nhất 35- 45% nhu cầu đi lại của người dân. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt kể cả đi ngầm và trên cao”. Trong các chương trình dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư của TP Hà Nội ban kèm theo Quyết định này thì ngoài tuyến đường sắt quốc gia xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ là mạng lưới đường sắt đô thị với 5 tuyến: Tuyến số 1 (Ngọc Hồi -Yên Viên - Như Quỳnh), Tuyến số 2 (Nội Bài - Trung tâm Hà Nội - Thượng Đình), tuyến số 3, (Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai), Tuyến số 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/ Hoàng Mai - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh), Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc).

Có thể thấy, 5 tuyến đường sắt trên cũng đã được quy định trong Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/7/2008, về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô đên năm 2020. Trong quyết định này ngoài 5 tuyến trên, còn nêu rõ hơn về một tuyến đường sắt nội đô nữa, là tuyến Hà Nội - Hà Đông đã rục rịch từ 5-6 năm nay. Đây không phải là tuyến thứ 6 mà là tuyến mang tính kết nối giữa tuyến số 2 và số 3. Cụ thể, tuyến này bắt đầu tại khu vực Cát Linh (giao với tuyến số 3), đi theo hành trình Cát Linh - Hào Nam - La Thành - Thái Hà - đường Láng - Ngã Tư Sở - quốc lộ 6 - Thượng Đình (nối với tuyến số 2) - Hà Đông - Ba La. Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông có chiều dài khoảng 14 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến này tới Xuân Mai. Hy vọng rằng tiếp theo tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được chính thức khởi công, các tuyến còn lại sẽ được đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư và triển khai đúng tiến độ.

Mạnh Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm