Đỗ Thành Long - chơi violin theo phong cách dancing

08/06/2023 19:00 GMT+7 | Giải trí

"Nổi lên" từ các cuộc thi tài năng của trường Amsterdam và hiện là sinh viên năm nhất của Học viện Ngoại giao, Longviolon (Đỗ Thành Long) đang bước vào con đường biểu diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp. Với phong cách mới mẻ và sôi động, anh được coi như một người tiên phong cho hình thức biểu diễn violin-dance tại Việt Nam thời điểm này.

Sản phẩm mới nhất của Long, MV Cầu vồng thép vừa ra mắt gần đây - hiện đang thực sự thu hút giới trẻ. Đó là một tác phẩm violin đầu tay hoàn chỉnh, do chính anh sáng tác, biên tập và biểu diễn.

Học nhạc lúc 11 giờ đêm

Sinh năm 2004, Long là con trai của giảng viên violin Ths Đỗ Xuân Thắng (Học viện Âm nhạc Quốc gia) và nghệ sĩ violin Lê Hoàng Lan (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam). Chưa hết, cậu ruột anh là nhạc sĩ Lê Minh Sơn, còn chị gái là tài năng violon Đỗ Phương Nhi.

Với nền tảng gia đình như vậy, Long sớm tiếp xúc với âm nhạc một cách rất tự nhiên. Lớn lên, anh được nghe bố mẹ và chị tập đàn hàng ngày, thường xuyên được đi nghe hoà nhạc và sớm có "vốn" kha khá khi thuộc hầu hết các bản nhạc cổ điển - bên cạnh sở thích về nhạc pop, rock, nhạc phim anime…

Đỗ Thành Long - chơi violin theo phong cách dancing - Ảnh 1.

Longviolon trình diễn trên sân khấu biểu diễn

Từ bé, mẹ cũng đã phát hiện Long có năng khiếu âm nhạc với đôi tai nghe chuẩn và giàu nhạc cảm. Chỉ có điều, như chính Long tâm sự: "Có lẽ kỳ vọng thành công theo đuổi cây đàn và âm nhạc cổ điển của bố mẹ đã dành hết cho chị Phương Nhi rồi, nên việc học của em không có nhiều áp lực lắm".

Hồi nhỏ, Long còn học vẽ. "Học vẽ cũng là để cân bằng với môi trường toàn âm nhạc trong nhà" - anh lý giải.

Sau khi bộc lộ sự thích thú với hội hoạ, anh tiếp tục theo học các họa sĩ Văn Dương Thành và Bùi Văn Tuất. Thiên hướng này khiến gia đình nghĩ hội họa mới là mảnh đất tương lai mà Long sẽ gắn bó.

Dù vậy, ở tuổi lên 6, Long bắt đầu làm quen với violin. Với Long, ở tuổi đấy, vác một cây đàn to nặng trên vai là đủ vẹo hết cổ. Anh học với tâm thế không thật sự hứng thú. Bù lại, mẹ Long là người khá kiên trì và nhẫn nại với con. Bận đến đâu, chị vẫn luôn thu xếp dành thời gian dạy Long. Vì thế, những buổi học được bắt đầu lúc 23h là bình thường.

Đỗ Thành Long - chơi violin theo phong cách dancing - Ảnh 2.

Cứ  thế, việc học đàn của Long diễn ra trong nhiều năm. Sự miễn cưỡng, không mặn mà với cây đàn violin của Long còn kéo dài cho đến những năm cấp 3. Nhưng cũng từ đây, môi trường của nhiều câu lạc bộ và các cuộc thi năng khiếu nghệ thuật tại trường đã khiến Long "quay xe", trở nên thân thiết với violon.

So với thời mỗi ngày chỉ dành 30 phút tập luyện, Long đã tăng lên từ 4 đến 6 tiếng/ngày. Lúc đầu, Long tập luyện cho các cuộc thi như Got talent, Đại sứ Ams hay tham gia các CLB nghệ thuật, rồi sau lại gắn bó với cây đàn một cách tự nguyện. Thêm sự tìm tòi, khám phá của tuổi trẻ, Long dần từng bước tìm cho mình lối đi cùng violin.

"Trong nhiều nền văn hóa, cầu vồng gắn liền với sự đa dạng, thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc. Tuy nhiên, cầu vồng cũng thường biến mất nhanh chóng, để lại cho ta ấn tượng tiếc nuối về vẻ đẹp của này. Vì thế, Cầu vồng thép ra đời với sự trân trọng những giá trị tích cực, khiến những giá trị ấy trở nên bền vững, rõ nét hơn" - violinist Đỗ Thành Long.

Con đường sáng tạo riêng

Hơi bất ngờ khi Long bảo, từ bé anh  đã đam mê những gì thuộc về nghiên cứu. Đó là lý do Long chọn học chuyên sử, là thành viên của đội tuyển sử trường Ams đúng thời điểm môn Sử trở nên "hot" ở kì thi đầu vào cấp 3.

Nhưng khi Long thể hiện "chất" nhạc của mình với thang âm ngũ cung của Á đông trên cây đàn violon "đặc" phương Tây - và còn vận dụng một cách khéo léo âm giai này vào các sáng tác của mình để tạo ra một không gian âm nhạc vừa lạ vừa quen - tôi có thể hiểu Long là một người thích khai phá văn hóa như thế nào.

Đỗ Thành Long - chơi violin theo phong cách dancing - Ảnh 4.

Một cảnh trong MV “Cầu vồng thép”

Để tìm lối đi riêng, Long còn học hỏi rất kỹ từ các bậc tiền bối từ trong nước đến quốc tế, như violinist Trịnh Minh Hiền, Anh Tú, Hoàng Rob hay André Rieu, Mairead Nesbitt… và đặc biệt là nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ Lindsey Stirling. Từ khả năng của bản thân, anh quyết định đầu tư học nhảy, múa để trở nên hoàn thiện hơn khi theo đuổi phong cách trình diễn violin kết hợp dance.

"Như mọi người thấy, bình thường chơi violin đã khó rồi. Vừa nhảy vừa chơi nữa thì không hề dễ dàng tí nào. Vì thế, tôi đã phải tập luyện rất nhiều. Rất may, người dạy múa rất hiểu tôi, biết cơ thể tôi phù hợp với những động tác chuyển động nào trong tác phẩm biểu diễn" - Long chia sẻ.

Đỗ Thành Long - chơi violin theo phong cách dancing - Ảnh 5.

Cũng thay vì chơi các tác phẩm cover để nhanh được chú ý, có nhiều người xem, Long vẫn thể hiện sự chuyên nghiệp trong âm nhạc của mình khi lựa chọn chơi những tác phẩm do chính mình sáng tác.

Sản phẩm hoàn chỉnh đầu tay của Long, MV Cầu vồng thép, được viết theo phong cách electronic dance đầy hứng khởi, sôi động, giai điệu có hơi hướng vừa quen vừa lạ với âm hưởng ngũ cung. MV đã thu hút được 2 triệu view trên tất cả các nền tảng sau 1 tuần ra mắt -  con số chưa quá nổi trội trong thế giới công nghệ số hiện nay nhưng lại là khởi đầu rất phấn khởi với một người mới chập chững vào nghề. Tại đó, có khán giả nhận xét: "Tiếng đàn chạm đến trái tim, giai điệu chạm đến hồi ức, dồn dập mãnh liệt lại trong sáng".

Đỗ Thành Long - chơi violin theo phong cách dancing - Ảnh 6.

Như lời Long, để thực hiện tốt MV này, bên cạnh việc sở hữu nền tảng violin tốt và nắm được kiến thức cơ bản trong chuyển động (học ballet) thì điều khó nhất chính là sự kiên nhẫn.

"Thuộc tác phẩm không khó, nhưng để thuộc đến độ bản nhạc thành trí nhớ cơ bắp thì là chuyện khác. Quá trình này không quyết định bởi tài năng, trình độ mà phải được kiên nhẫn nhắc lại nhiều lần qua nhiều ngày, đến khi vũ đạo và đàn thành một thể thống nhất" - Long chia sẻ - "Có như vậy, khi biểu diễn mình sẽ cảm thấy thoải mái, tự nhiên hơn. Lúc đó, thay vì phải tập trung quá nhiều vào bài diễn thì mình có cơ hội tương tác với khán giả nhiều hơn".

MV "Cầu vồng thép"

Tương lai, Long bảo rằng mình sẽ tiếp tục mở rộng khai thác nhiều thể loại trong âm nhạc để tiếp cận khán giả - mà trước mắt là pop, electronic pop để có thể đại chúng hóa phong cách mà mình đang theo đuổi. Ngoài ra, sự lựa chọn theo học khoa truyền thông ở bậc đại học cũng là để Long có thể thật sự làm chủ giấc mơ nghệ thuật của mình.

"Cậu Sơn (nhạc sĩ Lê Minh Sơn ) bận nên không có nhiều thời gian để ý đến âm nhạc của tôi. Nhưng sau khi nghe tôi chơi đàn thì cậu bảo: "khi nào Trung tâm Âm nhạc và Đời sống của cậu có chương trình, thì đến biểu diễn" - violinist Đỗ Thành Long.

Lam Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm