Djokovic VĐ Australian Open 2012: Một “nhà vua” đặc biệt…

30/01/2012 11:41 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Online) - 5-7, 6-4, 6-2, 6-7(5), 7-5. Đồng hồ ở Melbourne chỉ 5 giờ 53 phút. Sau cú thuận tay quyết định, Nole bỏ vợt nằm ra sân. Mắt ngược nhìn trời xanh. Thế rồi anh bật dậy, cởi phăng chiếc áo đấu, hướng về phía đám đông khán giả nêm chật cứng bốn phía sân đấu của Melbourne, nở nụ cười bất tuyệt. Điều gì làm cho tennis trở nên tuyệt vời đến thế? Vâng, chính là những khoảnh khắc này đây. Những hình ảnh sẽ in dấu dài lâu trong ký ức người hâm mộ. Một sự pha trộn tuyệt đẹp của cảm giác mãn nhãn sau gần 6h đắm chìm trong cơn mê dõi theo từng pha bóng của trận chung kết đỉnh cao với nỗi xúc động dâng trào đến nghẹn ngào. Melbourne đã từng chứng kiến biết bao khoảnh khắc không thể nào quên. Nhưng chưa bao giờ nó trải qua những phút giây lịch sử thế này. 

Khoảnh khắc này sẽ còn lưu giữ mãi - Ảnh Getty

Djokovic đặc biệt vì…khác biệt

Bạn đừng bao giờ so sánh 5 chiếc cúp VĐ Grand Slam của Nole với 10 chiếc của Rafa và 16 chiếc của Federer. Bạn đừng bao giờ tự hỏi đâu là đỉnh cao của những đỉnh cao. Nole phiên bản 2011-2012, Nadal phiên bản 2008-2010 hay Federer phiên bản 2004-2007. Đơn giản, họ không phải là bản sao của nhau và cho dù cùng nhau chia sẻ những phẩm chất và kỹ năng nhất định của một nhà vô địch thì tất cả đều đồng ý rằng dù số cúp VĐ của Roger, Nadal và Nole không bằng nhau nhưng cảm xúc mà họ mang lại cho người hâm mộ là không thể nào đong đếm được và những tuyệt kỹ của họ cũng không thể nào so sánh được. Đỉnh cao là đỉnh cao, thế thôi.

Họ đã mang người hâm mộ chúng ta đến với tennis gần hơn trong suốt bao năm qua, đã tận hiến những pha bóng trứ danh và khơi gợi trong trái tim những người yên banh nỉ niềm hân hoan khó tả cùng sự ngưỡng mộ sâu sắc. Với Federer, chúng ta đã có một huyền thoại bất tử. Với Nadal, chúng ta có một huyền thoại đương đại khác. Còn với Nole, danh xưng nào cho anh? Hãy cũng gọi anh là huyền thoại. Nhưng là một huyền thoại đặc biệt vì chính sự khác biệt mà anh đã tạo ra. Sự nghiệp của Nadal và đặc biệt là Federer, cất cánh trên một đường băng thẳng tắp của vinh quang. Họ nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình bằng những chiếc cúp VĐ từ khá sớm. Cho tới trước khi Djokovic thực hiện được mùa giải 2011 phi thường của anh thì cả Nadal lẫn Federer đã thay nhau bá chủ tennis thế giới bằng một serie các chiếc cúp lớn nhỏ và dĩ nhiên, họ cũng thay nhau đánh bại Nole trên đường tới vinh quang. 


Điều mà tôi muốn nói ở đây chính là cách Djokovic đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” sau biết bao nỗi thất vọng của quá khứ mà chiến thắng của anh trước Nadal ở Melbourne chiều tối qua lại là một đỉnh cao mới của thành công. Vấn đề không chỉ là chuyện một lần nữa Nole lại thắng Nadal và lại thể hiện được bản lĩnh nhà vô địch vào thời khắc quyết định. Bạn cũng đừng bao giờ nói rằng Nole đã may mắn. Sự thật đúng là vận may đã song hành với anh. Cũng đúng là anh đã thể hiện được bản lĩnh của tay vợt số 1 thế giới vào phút giây lịch sử. Nhưng điều lớn lao, vinh quang, khó khăn và đáng tự hào nhất là anh đã biết cách đứng dậy từ những thất bại quá khứ để vươn lên đỉnh cao và trụ lại trên đỉnh cao ấy. Hãy nhớ rằng cho tới trước khi thắng Nadal 6 trận CK năm trước, Djokovic đã thua Rafa tới 16/23 trận họ gặp nhau. Hãy nhớ rằng trước khi thắng Federer tới 4 lần trong năm 2011 lịch sử, Nole đã thất bại tới 13 lần trước Roger.

Nhưng anh đã vượt qua tất cả những nỗi ám quá khứ đó trước hai tay vợt cự phách của thế giới banh nỉ. Đấy là điều đầu tiên làm cho anh trở nên vĩ đại. Bởi một nhà vô địch đích thực không phải là người không bao giờ chiến bại. Mà là người biết đứng lên từ những nỗi đau. Federer ngay những năm tháng đỉnh cao vẫn phải ôm mối hận sâu với Nadal mà đến giờ anh không tài nào trả được. Đến lượt mình Rafa để thua Nole một serie 6 trận CK trong năm 2011, mất luôn ngôi số 1 thế giới cho tay vợt Serbia và anh cũng chưa tài nào “bẻ khóa” được Nole. Tôi nói điều đó để bạn thấy rằng tầm vóc của một tay vợt không chỉ được đo đếm bằng số chiếc cúp vô địch anh ta mang về nhà. Bằng những tuyệt kỹ anh ta thể hiện trên sân đấu. Bằng cảm xúc anh ta mang lại cho người hâm mộ. Mà phải là sự tổng hòa của tài năng, cá tính, tinh thần và nghị lực anh ta thể hiện trong nghịch cảnh. Không phải chỉ trong một trận đấu lớn cụ thể mà là cách anh ta “nâng tầm” cho chính mình như Nole đã làm được và làm một cách xuất sắc từ năm 2011 đến nay.

Nadal và Federer chưa từng “đau” như Nole đã “đau” cho tới trước năm 2011 huyền thoại ấy. Sự nghiệp của họ phủ bóng bằng hào quang chiến thắng và lấp lánh ánh bạc của vinh quang. Còn Nole, anh bước lên đỉnh Olimpia từ gian khó và sức ép tâm lý khủng khiếp mà những thất bại quá khứ gây ra. Nhưng anh đã chiến thắng tất cả để trở thành nhà vô địch. Con đường thẳng tắp tới vinh quang của Nadal và Federer là sự phản chiếu hoàn hảo làm cho Nole trở nên vĩ đại vì cách mà anh ôm mọi giấc mơ vào lòng. Nếu cần một so sánh khác để thấy Nole vĩ đại đến nhường nào, hãy nhìn vào Murray. Họ cùng gặp vô vàn thất bại trong quá khứ trước Nadal và Federer nhưng đến giờ chỉ có Nole bước ra ánh sáng còn Andy vẫn lạc lối ở mê cung. Vậy thì ở tuổi 24 và dù mới có 5 cúp VĐ Grand Slam, Nole có xứng đáng được vinh danh là huyền thoại hay không?

Chiến thuật của kỳ nhân

Có điều đặc biệt là trong nhiều trận quyết đấu với Nadal cũng như Federer ở các giải Grand Slam từ năm 2011 đến nay thì không trận nào người ta thấy một Nole hoàn hảo nhưng cuối cùng anh vẫn thắng. Sở dĩ nói không hoàn hảo vì trong các trận đấu ấy, thường thì chúng ta đều thấy Nole có những thời điểm rất hay mắc sai lầm hoặc có dấu hiệu xuống sức. Điều đó có thể diễn ra trong vài game đấu hay thậm chí cả set đấu hoặc đến 2 set đấu.

Như khi anh để thua Federer đến 2 set ở BK US Open 2011. Như khi anh để thua Nadal 1 set ở CK Wimbledon 2011 và CK US Open 2011. Và như khi anh một lần nữa thua Rafa ở các set 1 và 4 của CK Australian Open 2012 hay thua Murray 2 set ở bán kết Australia Open năm nay. Tại sao lại như vậy? Quá dễ để nói rằng Nadal và Federer đã vùng lên dữ dội và chơi thật xuất sắc đến mức Djokovic phải đầu hàng. Sẽ khó hơn nhiều để bạn nhận ra rằng những thất bại đó một phần nằm trong chiến thuật của Nole. Anh biết chắc rằng dù có muốn thắng nhanh để “giải quyết” Nadal hay Federer trong vòng 3 (hay đôi khi là 4) set là điều cực khó thực hiện. Nên anh chấp nhận đánh trùng xuống để giữ sức và dồn tất cả năng lượng còn lại cho set đấu quyết định. Khi Nole ít chạy hơn và không nỗ lực nhiều, việc anh đánh bóng bị lỗi là điều dễ hiểu. Ngay trong trận CK chiều tối ngày 29/1/2012, chúng ta cũng thấy Nole ở set 2 và 3 khác rất nhiều so với anh ở set 1.

Tất nhiên, thành công của anh cũng có dấu ấn của may mắn nhưng rõ ràng là so với trước đây, Nole bây giờ biết cách phân phối sức cho từng set đấu tốt hơn nhiều. Đấu với Nadal, Federer hay thậm chí cả Murray mà tính thắng nhanh tất cả các set là điều hết sức mạo hiểm vì đẳng cấp và bản lĩnh của họ không dễ gì bị đánh bại dễ dàng như vậy. Thế nên, Nole đã chọn cách thua…để thắng. Những trận đấu không hoàn hảo nhưng mang lại kết quả cuối cùng hoàn hảo nhờ những toan tính đường đi nước bước hợp lý.

Sức mạnh “quái vật”, tinh thần chiến binh

Ai thắng được Nole? - Ảnh Getty

Người ta đã nói nhiều về một Nadal với thể lực của “quái vật” và tinh thần vượt khó đến phút cuối cùng. Tại sao không nhắc đến Nole? Nếu không có sức khỏe phi thường thì làm sao tay vợt Serbia có thể trụ được hết 5 set đấu và gần 6h đồng hồ trước Nadal dù nghỉ hơn ít Rafa 1 ngày sau khi trải qua một trận đấu hành xác dài gần 5h đồng hồ đổ mồ hôi với Murray ở bán kết?

Rõ ràng, Djokovic không chỉ có chiến thuật phân phối sức vô cùng hợp lý mà nền tảng thể lực của anh cũng là vô song. Người ta ngả mũ trước ý chí quật cường trong mọi tình huống hiểm nghèo của Nadal ở các trận đấu lớn từ trước đến nay. Sao không nghiêng mình trước cách Djokovic đứng lên từ những thất bại quá khứ nhiều vô kể để thiết lập một đế chế của anh riêng anh những ngày này? Nadal được tụng ca (anh xứng đáng) vì cách anh vượt khó trong từng trận đấu cụ thể. Vậy cách Nole thể hiện niềm tin, ý chí và nghị lực sắt son để vượt qua cả Nadal (7) lẫn Federer (4) trong 11 trận đấu từ năm 2011 đến nay để nâng tầm chính anh lên hàng vĩ nhân của tennis thế giới phải tụng ca thế nào?

Bất kỳ chuyên gia gạo cội nào cũng cảm thấy bối rối vì bước nhảy khổng lồ của Nole trong khoảng thời gian siêu ngắn. Bước lên đỉnh cao đã khó, trụ lại được trên đỉnh cao ấy còn khó khăn hơn nhiều. Nole đã thành công mỹ mãn trong sứ mệnh đặc biệt đầu tiên của mùa giải Grand Slam 2012. Phía trước anh còn 3 đỉnh Olimpia nữa và rất nhiều cạm bẫy khác được giăng ra. Hai trận bán kết và CK Australian Open đều kéo dài tới 5 set với Murray và Rafa đều là những trận đấu đầu tiên với họ trong lịch sử đối đầu từ trước tới nay mà Nole phải đánh tới 5 set. Những trải nghiệm ấy nói rằng Murray và Nadal hiện tại đã tiến gần Nole thêm bước nữa. Và Federer vẫn ở đó.

Tất cả đang “thập diện mai phục” tay vợt số 1 thế giới không thể tranh cãi lúc này để tung ra đòn quyết định hất anh văng khỏi võ đài. Nhưng Nole đã sẵn sàng thách đấu với tất cả bằng tài năng, sự khiêm nhường, khát vọng và trí thông minh của mình. Nếu bạn nghi ngờ điều đó, hãy nhớ lại những hình ảnh tuyệt đẹp của anh sau trận CK Australian Open chiều tối qua. Một đôi mắt xanh màu xanh hy vọng và những bó cơ cuồn cuộn trên thân hình vạm vỡ của một chiến binh. Ai có thể mạnh hơn anh?

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm