US Open 2011: Tiền thưởng cao nhất, sức hút lớn nhất

03/09/2011 09:00 GMT+7 | Tennis

(TT&VH Cuối tuần) - Cơn bão Irene ập vào miền Đông Hoa Kỳ hôm Chủ nhật vừa qua tưởng như đã khiến US Open phải dời lịch thi đấu, nhưng cuối cùng thì trời cũng chiều lòng người để giải Grand Slam rất được chờ đợi này diễn ra đúng hẹn với người hâm mộ, dù có vài điều chỉnh nhỏ.

Arthur Ashe, sân đấu chính của US Open - Ảnh Getty

Trung tâm quần vợt quốc gia Billie Jean King vẫn mở cửa vào lúc 10 giờ sáng ngày thứ Hai và các trận đấu bắt đầu từ 11 trên chín trong số 13 sân, bao gồm Louis Armstrong. Chỉ có ở sân Arthur Ashe, sân đấu chính, là các trận đấu được dời lại vào 1 giờ chiều, thay vì 11 giờ sáng. Những điều chỉnh đó sẽ không thể làm ảnh hưởng tới sự háo hức và quyết tâm của các tay vợt, không chỉ bởi 2.000 điểm thưởng cho tay vợt vô địch và 1.200 cho người đoạt danh hiệu á quân (để biết điểm số đó có ý nghĩa thế nào, hiện tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đang có 13.920 điểm, còn người thứ 2 Rafael Nadal là 11.420), mà còn bởi khoản tiền thưởng kỷ lục ở giải lần này.

Ngay từ tháng 5, Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) đã công bố tăng thêm một triệu USD cho ngân quỹ tiền thưởng giải năm nay, lên mức 23,7 triệu USD. Ngoài ra, ba tay vợt hàng đầu ở cả hai nội dung nam và nữ trong giải Olympuc US Open Series còn có thể kiếm thêm 2,6 triệu USD tiền thưởng từ tại US Open, nâng tổng mức tiền thưởng lên 26,3 triệu USD, một gia tài lớn trong thời buổi khó khăn này. Năm nay phần thưởng cho cả chức vô địch nam và nữ đều xác lập kỷ lục mới, 1,8 triệu USD mỗi người. Cộng thêm khoản thưởng 1 triệu USD từ Olympus US Open Series, một tay vợt ở giải lần này có thể bỏ túi tối đa 2,8 triệu USD, phá kỷ lục về tiền thưởng một lần nhiều nhất trong lịch sử cả ở nội dung nam (2,4 triệu USD cho Roger Federer vào năm 2007) và nữ (2,2 triệu USD cho Kim Clijsters năm 2005). Với mức tăng tiền thưởng 6,4% ở hai nội dung đơn nam và đơn nữ, đây là năm thứ 39 liên tiếp USTA duy trì mức thưởng bằng nhau ở hai phần giải được quan tâm nhất này.

Tiền thưởng lớn dẫn đến nỗ lực tương xứng của các tay vợt và sức hút mãnh liệt của giải đấu. Năm 2010, US Open đã thu hút được 712.000 khán giả đến sân, biến giải thành sự kiện thể thao hàng năm có số người tham dự cao nhất trên thế giới, dù giá vé không hề rẻ, giao động từ xấp xỉ 100 USD cho các trận ở vòng ngoài đến 500 USD cho trận chung kết. Đó là chưa kể 80 triệu người xem qua truyền hình ở Mỹ qua các đài CBS Sports, ESPN và Tennis Channel. Đồng thời, cũng qua truyền hình, US Open cũng có mặt ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Theo đúng truyền thống người Mỹ, US Open cũng là giải tiên phong về công nghệ, là Grand Slam đầu tiên sử dụng công nghệ Mắt diều hâu (Hawk-Eye) để xác định các pha bóng gây tranh cãi và giảm bớt sai lầm của trọng tài. Rất nhiều khi, vài mm ở vị trí quả bóng rơi, chạm vạch hay không chạm vạch, có thể quyết định một chiến thắng ở Grand Slam, và người Mỹ không bao giờ thích sự mập mờ hay những lý luận như kiểu “sai lầm của trọng tài là một phần tất yếu của trò chơi”. Bất cứ chỗ nào có thể tăng hiệu quả và sự chính xác nhờ công nghệ, người Mỹ luôn đi tiên phong.

Hệ thống Mắt diều hâu bắt đầu được Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) áp dụng thử nghiệm từ năm 2005 và chính thức ra mắt năm 2006 với thành công vang dội ở khu phức hợp Flushing Meadows. Không lâu sau đó, cả thế giới áp dụng công nghệ này. Theo các thử nghiệm của ITF, Mắt diều hâu giúp xác định chính xác 100% tất cả các pha bóng tranh cãi với mức sai số biên trung bình là 3,6 mm. Những thử nghiệm liên tục đã giúp hệ thống này ngày càng hoàn thiện và hiện nó đưa ra kết quả không chỉ dựa trên các cú đánh, mà cả tốc độ và hướng gió, ánh sáng mặt trời và bóng mà mặt trời tạo ra cùng ánh sáng nhân tạo trên sân. Hơn thế nữa, Mắt diều hâu có thể đưa ra kết quả chỉ 2-3 giây sau pha bóng, nhanh và chính xác hơn nhiều so với việc kiểm tra vệt bóng bằng mắt thường trên sân.

Mỗi tay vợt được phép yêu cầu sử dụng công nghệ này ba lần mỗi set, cộng thêm một lần ở một loạt tie-break. Nếu khiếu nại của tay vợt là đúng thì số lần khiếu nại được phép vẫn giữ nguyên. Chỉ khi khiếu nại sai thì mới bị trừ bớt. Toàn bộ hình ảnh về pha bóng gây tranh cãi sẽ được chiếu cho các tay vợt, trọng tài và khán giả ngay trên sân, cũng như qua màn hình vô tuyến. Tại giải năm 2006, lần đầu tiên hệ thống được đưa vào sử dụng, 30,5% các khiếu nại của những tay vợt nam và 35,85% của các tay vợt nữ đã buộc trọng tài phải đảo ngược quyết định.

Những khoảnh khắc đó càng quan trọng bởi mặt sân US Open thường khiến bóng đi với tốc độ cao hơn so với các mặt sân khác. Cũng là sân cứng, nhưng chất liệu DecoTurf ở Flushing Meadows khiến mặt sân ít ma sát và độ nảy kém hơn hẳn so với các các sân cứng khác (như sân với chất liệu Rebound Ace từng được sử dụng ở Australia Open trước kia). Vì lý do này, rất nhiều tay vợt có lối chơi giao bóng - lên lưới - bắt vô-lê đã thành công tại US Open.

Sân chính của US Open là Arthur Ashe, có sức chứa 22.547 chỗ, mở cửa vào năm 1997, được đặt theo tên Arthur Ashe, tay vợt Mỹ gốc Phi đã vô địch giải lần đầu vào năm 1968. Sân lớn thứ hai là Louis Armstrong, mở cửa năm 1978, đượng mở rộng từ sân gốc Singer Bowl. Đó là sân chính ở Flushing Meadows trong giai đoạn 1978-1996 với sức chứa tối đa gần 18.000 chỗ, nhưng giảm xuống còn 10.200 sau khi Arthur Ashe được khai trương. Sân lớn thứ ba là Grandstand, 6.000 chỗ.

Những kỷ lục của US Open

Số lần vô địch kỷ lục ở nội dung đơn nam hiện là năm lần, do ba tay vợt nắm giữ, Jimmy Connors (1974, 1976, 1978, 1982, 1983), Pete Sampras (1990, 1993, 1995, 1996, 2002) và Roger Federer (2004, 2005, 2006, 2007, 2008). Federer cũng giữ kỷ lục vô địch liên tiếp nhiều lần nhất. Nhưng tay vợt nam giành được nhiều danh hiệu nhất ở US Open là John McEnroe với tám chức vô địch, bốn đơn nam và bốn đôi nam giai đoạn 1979-1989. Cho tới giờ, Sampras là tay vợt nam trẻ nhất từng vô địch giải, khi 19 tuổi và một tháng.

Ở nội dung nữ, người vô địch đơn nữ nhiều nhất là Chris Evert, với sáu danh hiệu (1975, 1976, 1977, 1978, 1980, 1982). Bà cũng giữ kỷ lục về số lần vô địch liên tiếp. Tính theo số danh hiệu ở nội dung nữ, Martina Navratilova đang giữ kỷ lục với 16 chức vô địch trong gần 30 năm (1977-2006), bao gồm bốn chức vô địch đơn nữ, chín lần đăng quang ở nội dung đôi nữ và ba lần nữa ở nội dung đôi nam nữ. Tay vợt nữ trẻ nhất từng vô địch là Tracy Austin, 16 tuổi và tám tháng, vào năm 1979.


Loan Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm