08/08/2011 07:02 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Ngày hôm nay (8/8), tại TP.HCM, giải thưởng Quỹ Hoàng thân Claus của Vương quốc Hà Lan lần đầu tiên trao cho một người Việt. Người nhận vinh dự này là Lê Quang Đỉnh, quen biết trong giới mỹ thuật thế giới với cái tên Dinh Q.Lê. Giải thưởng này làm dày thêm sự nghiệp thành công hiếm có của một nghệ sĩ Việt trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Tác phẩm của anh có mặt ở nhiều triển lãm nghệ thuật lớn trên thế giới, nằm trong bộ sưu tập của một số bảo tàng, và mới nhất, năm 2010, nó có mặt trong bộ sưu tập vĩnh viễn của bảo tàng nghệ thuật hiện đại danh tiếng hàng đầu nước Mỹ, Bảo tàng MOMA (New York). Nhưng nơi duy nhất Lê Quang Đỉnh vẫn chờ đợi một ngày được chính thức giới thiệu những tác phẩm của mình tới công chúng, lại là quê hương anh, Việt Nam.
Tôi gặp Lê Quang Đỉnh lần đầu tiên cách đây gần 10 năm, khi workshop nghệ thuật đương đại đầu tiên, Cửa sổ châu Á, được tổ chức tại Hà Nội. Năm đó, anh gây cú sốc lớn cho các nghệ sĩ VN đang mon men tới với nghệ thuật đương đại, khi trình bày một không gian nghệ thuật riêng biệt, độc đáo và đầy cảm xúc đã ghi tên Dinh Q.Le vào những gallery, bảo tàng nghệ thuật của nước Mỹ và những Biennale quốc tế.
Lần thứ hai tôi gặp Lê Quang Đỉnh khi anh cùng một vài người bạn nghệ sĩ của mình quyết định “đưa nghệ thuật lên sàn”, năm 2007, nhưng không phải sàn chứng khoán, mà là… Sàn Art, một trong những không gian nghệ thuật phi lợi nhuận đầu tiên ở TP.HCM.
Và bây giờ, Lê Quang Đỉnh ngồi trước mặt tôi, bộ quần áo ướt lem nhem vì cơn mưa giông bất ngờ của Sài Gòn - anh vẫn giữ thói quen đi xe máy; và gọi một ly nước trái cây ép thay vì cà phê - anh hầu như không biết đến “la cà cà phê” như hầu hết các đồng nghiệp ở đây.
* Đầu tiên, xin được chúc mừng anh. Nhưng hình như giải Quỹ Hoàng thân Claus này đã xướng tên anh từ cuối năm 2010 rồi, sao tới ngày 8/8 này mới có lễ trao giải chính thức?
- Đúng là giải thưởng này đã được công bố tại Amsterdam vào tháng 12 năm ngoái và trong dịp đó tôi đã được mời trưng bày tác phẩm của mình tại Trung tâm Amsterdam. Nhưng ban tổ chức muốn giải thưởng phải được trao tại quê hương của nghệ sĩ, họ muốn để công chúng được biết những gì nghệ sĩ đã làm cho quê hương của họ. Tôi thấy điều đó thật xúc động. Đây là giải thưởng của nước ngoài nhưng tôi được nhận với tư cách một người VN. Quỹ Hoàng thân Claus coi tôi là người Việt, chứ không phải Việt kiều.
Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh (ngoài cùng bên trái), cùng giám tuyển Bảo tàng MOMA và anh Trần Quốc Hải, một trong hai nông dân trong tác phẩm video art: The Farmers And The Helicopters, tại Bảo tàng MOMA (New York) |
* Khi thông báo giải thưởng cho anh, họ có cho anh biết lý do chọn anh không?
- Họ nói có 2 lý do nghệ sĩ được chọn. Thứ nhất, là những hoạt động của cá nhân tôi với tư cách một nghệ sĩ. Nhưng lý do thứ hai quan trọng hơn, là những đóng góp để xây dựng và phát triển mỹ thuật đương đại ở VN. Họ biết về Sàn Art rất nhiều và họ đánh giá cao sự đóng góp của Sàn Art cho sự phát triển của mỹ thuật đương đại VN cũng như sự trao đổi văn hóa của VN với quốc tế.
* 25 ngàn euro kèm theo giải thưởng, một giá trị không nhỏ. Anh dự định làm gì với khoản tiền thưởng này?
- Một nửa để góp cho việc duy trì Sàn Art. Một nửa tôi giữ lại, để mai mốt cũng là cho… Sàn Art.
* Tôi nhớ năm 2007, khi khai trương Sàn Art,cũng là lúc phong trào chơi chứng khoán đang bừng bừng khí thế, anh đã ra “tuyên ngôn cho Sàn Art”: Đưa nghệ thuật lên “sàn”. Bây giờ sàn chứng khoán đang lịm dần sau nhiều tháng lao đao, Sàn Art thì sao?
- (Cười thích thú). Sàn Art đi con đường ngược lại. Lúc mới khai trương, nhóm nghệ sĩ sáng lập Sàn Art phải thay phiên nhau làm curator (giám tuyển các tác phẩm, nghệ sĩ). Nay Sàn Art đã thuê được một curator chuyên nghiệp từ Úc qua làm việc. Nhờ thế Sàn Art trở thành một không gian nghệ thuật phi lợi nhuận chuyên nghiệp và quốc tế.
Giải thưởng Quỹ Hoàng thân Claus trao cho Lê Quang Đỉnh “vì sự nghiệp sáng tạo đầy đam mê khai phá nghệ thuật, vì đã truyền cảm hứng và dành những cơ hội thực tiễn cho nghệ sĩ trẻ, vì sự cống hiến dành cho nghệ thuật đương đại thật độc đáo”.
Như bạn đã biết, mấy năm trước, nghệ thuật đương đại Trung Quốc tập trung sự chú ý của giới mỹ thuật và dân sưu tầm mỹ thuật thế giới, nhưng vài năm trở lại đây, giới này bắt đầu đặt câu hỏi: Sau Trung Quốc là gì nữa? Câu trả lời khá thú vị: Đông Nam Á, trong đó đặc biệt VN đang là địa chỉ quan tâm mới hàng đầu của họ. Mỹ thuật đương đại VN đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà sưu tầm quốc tế. Và Sàn Art hiện nay là một trong những địa chỉ mà các nhà nghiên cứu nghệ thuật quốc tế khi tới VN đều tìm đến. Curator của Sàn Art đang tham dự một hội thảo quốc tế về Không gian nghệ thuật phi lợi nhuận tổ chức tại Los Angeles. Tháng 8 này, Sàn Art là một trong 7 không gian nghệ thuật phi lợi nhuận trên thế giới được mời tham dự một chương trình của Bảo tàng MOMA tại San Francisco. Bảo tàng New Museum tại New York đang chuẩn bị cho in một cuốn sách giới thiệu các không gian nghệ thuật phi lợi nhuận trên thế giới, họ cũng đã tìm tới Sàn Art. Curator của Documenta (một triển lãm nghệ thuật đương đại nổi tiếng hàng đầu thế giới, tổ chức hàng năm tại Đức) cũng vừa tìm đến Sàn Art để tìm kiếm, lựa chọn nghệ sĩ và tác phẩm cho triển lãm này vào năm 2012.
* Kiếm tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật luôn là chuyện “trần ai” đối với những ai hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Mà các anh, những người điều hành Sàn Art, lại đều là nghệ sĩ. Tôi đang thắc mắc không hiểu các anh có “nghệ thuật” gì để Sàn Art có thể sống vững vàng, liên tục phát triển, thuê được cả curator chuyên nghiệp nước ngoài, điều mà chưa một không gian nghệ thuật nào ở VN có được…
- Các nguồn tài trợ cho Sàn Art trước nay đều nhờ vào mạng lưới quan hệ cá nhân của nghệ sĩ. Cái này gọi là gì nhỉ? Cứ coi như “lợi dụng” các mối quan hệ cá nhân của mình để kiếm tiền cho Sàn Art hoạt động đi (cười). Như bản thân tôi, cũng có chút tiếng tăm trong trong giới mỹ thuật ở nước ngoài, được một số nhà sưu tập nghệ thuật nước ngoài biết tới, nên có chuyện là những người này giới thiệu tôi với một chủ nhà hàng rất nổi tiếng ở San Francisco khi anh này qua VN. Gặp tôi và biết Sàn Art, anh thấy hay và muốn giúp. Anh bảo, “mày kiếm một chỗ tổ chức, tao sẽ tới nấu món ăn, tiền thu về để giúp Sàn Art”. Tháng 9 này chúng tôi sẽ thực hiện ý định ấy. Bà chủ gallery của tôi ở Oregon sẽ đứng ra tổ chức một buổi tiệc, bạn của bà giúp cho địa điểm, người khác giúp cho đồ để nấu, còn anh chủ tiệm kia sẽ tới đứng bếp… Tôi gọi những việc như thế là “sử dụng những mối quan hệ một cách sáng tạo”!
Ngoài ra, các triển lãm của Sàn Art thì cũng có sự hỗ trợ của các quỹ nước ngoài. Hiện nay chúng tôi đang cố tìm quan hệ với các doanh nghiệp VN cũng như doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới sự phát triển của văn hóa, để có nguồn hỗ trợ cho những hoạt động lớn hơn. Có một thực tế là nhiều họa sĩ mới ra trường hơi… bơ vơ. Tay nghề của họ còn hơi yếu, lại không có không gian để làm việc. Chúng tôi muốn giúp họ bằng chương trình Nghệ sĩ cư trú dành cho một nhóm nghệ sĩ trẻ trong vòng 6 tháng, được cung cấp không gian cùng những điều kiện cơ bản để họ có thể làm việc. Mục tiêu của chương trình là giúp các nghệ sĩ trẻ bước tới một bước trên con đường mới bắt đầu đầy khó khăn của họ, bước có thể nhỏ thôi, nhưng là bước tới. Sàn Art đang cố gắng tìm nguồn hỗ trợ đủ đề triển khai chương trình này vào năm sau, 2012.
* Đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của những không gian mỹ thuật đương đại ở TP.HCM, anh nhìn thấy sự phát triển của mỹ thuật đương đại ở VN những năm gần đây như thế nào?
- Sàn Art hoạt động chủ yếu ở TP.HCM, nên cho phép tôi chỉ nói về mỹ thuật đương đại ở TP.HCM thôi nhé (vì Hà Nội thì có khác). Trước đây ước mơ của nhiều họa sĩ trẻ là vẽ những bức tranh theo lối cũ, được các gallery ở Đồng Khởi chấp nhận, thế là có thể sống khỏe. Bây giờ nhiều người trong số họ đã thay đổi hướng nhìn. Nhiều người quan tâm tới Sàn Art, họ thấy có thể sống với mỹ thuật đương đại. Nhiều nghệ sĩ trẻ từ Sàn Art đã được biết đến mạnh mẽ hơn trên sân chơi quốc tế như Nguyễn Thái Tuấn, Bùi Công Khánh… Mấy năm trở lại đây, nếu nói về các nghệ sĩ “tiên phong” của mỹ thuật đương đại VN thì số lượng nghệ sĩ ở Hà Nội nhiều hơn TP.HCM, nhưng về hoạt động mỹ thuật đương đại thì TP.HCM đang mạnh hơn Hà Nội. Có điều, theo ý kiến cá nhân tôi, một điểm TP.HCM yếu hơn Hà Nội, cần thay đổi, đó là trường đại học. ĐH Mỹ thuật TP.HCM hiện vẫn chỉ dạy mỹ thuật truyền thống, trong khi ĐH Mỹ thuật Hà Nội “cách mạng” hơn, đã mời những giảng viên nước ngoài dạy về mỹ thuật đương đại, đã tạo nên những cuộc trao đổi mạnh mẽ về mỹ thuật đương đại ngay trong nhà trường…
* Còn công chúng của mỹ thuật đương đại ở VN, họ có gì thay đổi chưa, theo góc nhìn của anh?
- Tôi thấy phần đông công chúng tới với mỹ thuật đương đại ở VN vẫn chỉ có sự hiếu kỳ. Ngay cả giới nghệ sĩ nhiều người còn chưa hiểu sâu sắc về mỹ thuật đương đại thì làm sao cộng đồng hiểu sâu sắc được. Tôi nghĩ rằng con đường thay đổi tốt nhất là từ chính các nghệ sĩ trẻ. Nếu chúng ta tạo ra một lớp nghệ sĩ trẻ đương đại tốt, họ sẽ tạo được sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng, để từ hiếu kỳ, công chúng sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về mỹ thuật đương đại.
* Tôi thấy không khí bình luận nghệ thuật đương đại trong cộng đồng đang khá sôi động. Anh có xem trang Soi.vn không?
- Có, và tôi thấy thật thú vị với nhiều cuộc tranh luận trên đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Soi cần người cầm trịch mạnh mẽ hơn để dẫn lái cuộc tranh luận hiệu quả hơn, tập trung hơn vào chủ đề. Vì đôi khi có những câu chuyện hơi…nhảm nhí. Có điều, tôi thấy đa số dân thích tranh luận, như tôi thấy, là nhà văn, chưa phải họa sĩ. Hình như giới họa sĩ VN không được mạnh mẽ lắm về khả năng viết, khả năng diễn đạt sự suy nghĩ của mình qua ngôn ngữ. Các trường đào tạo ở Mỹ rất chú ý tới điều này: một khi bạn chọn học mỹ thuật đương đại, bạn vẫn buộc phải học xã hội học, văn chương, chính trị…, để có một cái nhìn xã hội trọn vẹn hơn.
* Hình như anh chưa tham gia diễn đàn này?
- Tại vì tiếng Việt (viết) của tôi kém quá. Xem như Sàn Art là một cách tham gia của tôi.
Một tác phẩm sắp đặt của Lê Quang Đỉnh được trưng bày tại Sydney (Úc)
* Sàn Art, Sàn Art, bây giờ lúc nào trong câu chuyện của anh cũng là Sàn Art. Vậy còn chỗ nào cho những sáng tạo của riêng anh? Sau sắp đặt những đứa trẻ, sau tranh đan, sau tranh thêu không màu đã từng triển lãm và có mặt trong các bảo tàng, bây giờ là gì?
- 5 năm nay tôi chủ yếu làm nhiều video art. Tác phẩm về hai anh nông dân ở Tây Ninh chế tạo máy bay trực thăng (The Farmers And The Helicopters) năm ngoái đã chiếu ở Bảo tàng MOMA ở New York. Bảo tàng này không những mua tác phẩm mà còn mua luôn chiếc trực thăng mà hai anh Hải và Danh chế tạo. The Farmers And The Helicopters cũng đã được bán cho Bảo tàng quốc gia Singapore, Queensland Gallery của Úc. Mới đây tôi cũng mới làm một video về phim hoạt hình cho một bảo tàng ở Nhật. Và hiện nay đang hợp tác với các cựu chiến binh để làm một tác phẩm cho một cuộc triển lãm lớn ở Đức vào 2012.
Làm video khác nhiều với khi làm tranh. Trước đây chỉ một mình làm việc trong studio, độc lập, cá nhân. Còn bây giờ làm việc với cả một “phái đoàn”, phải hợp tác với nhiều người. Tôi đang cố gắng làm quen với điều này. Và đây là một thay đổi rất lớn trong tôi. Hồi tham gia workshop Cửa sổ châu Á là lần đầu tiên tôi “ra mặt” sau 6 năm ở Việt Nam đấy. Khi làm Sàn Art, tôi bắt đầu hợp tác với nhiều người. Trước chỉ “ẩn dật” ở quận 8 (TP.HCM), nay tôi thấy mình gia nhập cộng đồng mạnh mẽ hơn.
* Nhưng Lê Quang Đỉnh, hay Dinh Q.Le vẫn chưa có một triển lãm cá nhân chính thức ở VN. Làm sao để người VN được xem những tác phẩm của anh, như The Farmers And The Helicopters, thay vì nó chỉ nằm trong những bảo tàng, tuy nổi tiếng, nhưng rất xa xôi? Trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ TP.HCM, anh nói sẽ chờ cho tới khi được triển lãm tại VN, bây giờ thì sao?
- Những tác phẩm của tôi đều dính dáng đến các vấn đề chiến tranh, chính trị…, nên thường được yêu cầu chỉnh sửa, thay đổi nếu triển lãm ở đây. Tôi rất muốn triển lãm ở Việt Nam nhưng nếu phải thay đổi cách làm việc để có triển lãm tại VN thì tôi không thể. Tôi sẽ vẫn chờ chừng nào cách nhìn về chiến tranh của nhiều người ở đây thay đổi để tác phẩm của mình được chấp nhận triển lãm. Mà thực ra cách nhìn ấy đang bắt đầu thay đổi rồi. Lâu nay trực thăng ở VN là một hình ảnh gắn với chiến tranh, gắn với sự chết chóc, nhưng khi hai người nông dân VN biến trực thăng thành máy móc phục vụ nông nghiệp thì cái nhìn đã di chuyển một chiếc trực thăng từ thời chiến sang thời bình rồi.
* Chuyển từ tranh sang video art nhưng câu chuyện nghệ thuật của anh vẫn liên quan tới chiến tranh. Tại sao chiến tranh gần như là sự quan tâm duy nhất trong nghệ thuật của anh?
- Có thể vì thế hệ của tôi bị ám ảnh bởi chiến tranh (Lê Quang Đỉnh sinh năm 1968 - PV). Tôi chỉ muốn tìm hiểu về những gì đã xảy ra, mà khi ấy mình không thể ngừng nó lại được. Tôi muốn hiểu về xung đột, về nguồn gốc của xung đột, để hy vọng có thể kiểm soát được nó phần nào. Mà xung đột và chiến tranh chưa lúc nào ngừng trên thế giới nên tôi không thể ngừng lại câu chuyện của mình.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh.
P.T.T.T (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất