Điệp khúc buồn mùa lễ hội

02/05/2018 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đành rằng tình trạng quá tải du khách dịp lễ hội là điều thường thấy trên khắp thế giới, nhưng sự khác nhau là ở cung cách ứng xử của từng người, từng vùng miền, từng nước.

Với nhiều nước phát triển, dịp lễ lớn các khu du lịch thường giảm giá hoặc miễn phí, trong khi Việt Nam thì thường tăng giá vài lần, nhiều chỗ còn chặt chém không thương tiếc. Như báo chí đưa tin mấy ngày qua, tình trạng tăng giá từ 3 đến 5 lần đã diễn ra ở một số nơi, các địa điểm chuyên du lịch càng tăng giá mạnh hơn.

Việc tăng giá, chặt chém dịp lễ hội cho thấy nhiều địa điểm du lịch được cho là chuyên nghiệp thì vẫn hoạt động với lòng tham, với thái độ muốn “trúng mánh” là chính.

Đáng lý, trong các dịp bình thường, vốn ít khách hơn, họ vẫn sống ổn, thì đến dịp lễ hội đông đúc, họ phải có chính sách giảm giá nhằm tri ân khách hàng. Ít lắm là không nên tăng giá, vì thu nhập dịp lễ luôn luôn tốt hơn, tại sao phải tăng giá?

Chú thích ảnh
Dịp lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày lại vào cuối tuần nên nhu cầu đi chơi tăng mạnh. Ảnh: Internet

Rồi người đi du lịch nữa, nhiều người sợ chặt chém nên tay xách nách mang nhiều đồ ăn thức uống, dùng xong là xả rác khắp nơi. Nhiều người còn có tâm lý, mình bỏ tiền ra, lại bị chặt chém, nên phải… phá phách, “trả thù” cho hả hê. Nhìn sự xơ xác, hư hại và tình trạng ô nhiễm của các khu du lịch sau mỗi mùa lễ hội mà cảm thấy xót xa. Giá như mỗi người gìn giữ và ý thức hơn một chút, thì lượng rác thải và sự xâm hại sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Mới đây, một nhóm đi phượt, vì muốn tiết kiệm, còn trải bạt ngủ ngay khúc cua nguy hiểm của cung đèo Tà Pao (tỉnh Quảng Bình). Họ không chỉ coi thường tính mạng của mình, mà còn tạo tình huống nguy hiểm cho những người đi đường. Rất may tai nạn đáng tiếc chưa xảy đến, nếu không thì tiết kiệm đâu chưa thấy, mà nỗi đau và sự mất mát thật không đáng có.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 28 đến 30/4), cả nước có 76 vụ tai nạn giao thông, làm chết 52 người, bị thương 46 người. Nhiều trường hợp trong số này là do phóng nhanh vượt ẩu, say xỉn, gây gổ.

Sáng ngày 1/5, tại vực sông Đá Giăng (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), do mải mê chụp hình, một thanh niên đi phượt bị rơi xuống sông. Người bạn đứng gần lao xuống cứu, nhưng cả hai đều chết đuối. Điều đáng nói là khúc sông này khá hẹp, nhiều chỗ nước cạn, trong khi hai thanh niên đi phượt chung đoàn khoảng 20 người, để xảy ra sự cố như vậy quả là bất cẩn và quá đáng tiếc.

Trong mấy ngày qua, dù Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng cường để bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch. Đặc biệt là kiểm soát về việc chấp hành các quy định về giá cả, niêm yết và bán đúng giá niêm yết, nhưng do quá tải, việc nâng giá, ép giá, lừa gạt… vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Vũng Tàu khá gần TP.HCM, nên lượng khách đổ về dịp lễ luôn rất đông đúc, nhiều người không thể kiếm được nhà nghỉ, khách sạn nên đành sáng đi chiều về, mang theo thức ăn cho buổi trưa, làm tình trạng kẹt xe thêm phức tạp, mà nghỉ lễ cũng chẳng trọn vẹn.

Làm sao để hạn chế tối đa các điệp khúc xấu mùa lễ hội, có lẽ tự mỗi người cũng cần có quan niệm khác và ý thức mới về việc đi du lịch, đi phượt. Rõ ràng có nhiều công việc đâu nhất thiết phải đi du lịch, đi phượt vào dịp lễ, bởi trong năm còn vô số dịp khác.

Có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận lại quan niệm “đông là vui”, để đôi khi biết né chỗ đông, biết tránh đi lại các dịp lễ. “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chỗ lao xao” - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm nay, nhiều gia đình đã chọn tụ tập ăn uống, vui chơi tại nhà, cũng là một gợi ý hay.

Tết đến Xuân về lại lo chuyện 'lễ hội và lòng tham'

Tết đến Xuân về lại lo chuyện 'lễ hội và lòng tham'

“Trong mùa lễ hội 2018, ngành văn hóa phải kiên quyết không để xảy ra những hành vi khơi dậy lòng tham vật chất của người dân tham gia lễ hội, bởi đó là những việc làm sai với bản chất của lễ hội truyền thống” – đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vào mấy ngày trước, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2018 của ngành văn hóa.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm