Diễn viên Hứa Vĩ Văn: "Không vai diễn nào mà tôi không hy sinh!"

02/02/2025 07:50 GMT+7 | Giải trí

Hứa Vĩ Văn mỗi lần xuất hiện đều gây sự chú ý, không chỉ bởi anh là nghệ sĩ đa tài mà còn chỉn chu và cẩn trọng khi làm nghệ thuật.

Hứa Vĩ Văn được biết đến là một người mẫu, ca sĩ, diễn viên nam tài năng của V-biz. Anh từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh và truyền hình ở trong nước. Năm 2024, anh tham gia Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội với một vai trò mới: Giám khảo hạng mục Phim dài dự thi.

Năm 2025 với nam diễn viên sẽ là khoảng thời gian bận rộn cùng loạt dự án phim: Bình minh đỏ, Đồi hành xác… Trong đó, lần đầu anh đóng vai nam chính trong một dự án phim kinh dị hành động.

Anh có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hoá (TTXVN):

* Không chỉ dừng lại ở vai trò diễn viên, Hứa Vĩ Văn còn lấn sân sang sản xuất phim. Tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII - năm 2024, anh đóng vai trò giám khảo Việt Nam duy nhất ở hạng mục Phim dài dự thi. Với trải nghiệm thực tế của bản thân cùng việc ngồi "ghế nóng" một kỳ LHP quốc tế, anh có thể chia sẻ góc nhìn của mình về vị thế của điện ảnh Việt Nam hiện tại?

- Điện ảnh Việt có nhiều tiềm năng, có nguồn sản xuất liên tục phục vụ thị hiếu khán giả. Các nhà sản xuất phim hiện hoạt động mạnh mẽ. Có thể nói, sự năng động của điện ảnh Việt đang ở trong một giai đoạn rất tốt. Nhưng theo cảm nhận của tôi, nói tốt ở đây là nhìn ở góc độ tích cực. Thực tế, chúng ta có số lượng đông nhưng chất lượng còn vội vàng. Nhân lực và nguồn lực sản xuất phim ở Việt Nam đến nay chỉ vậy, nếu không nói là chưa cao.

Báo Xuân - Diễn viên Hứa Vĩ Văn: "Không vai diễn nào mà tôi không hy sinh!" - Ảnh 1.

Diễn viên Hứa Vĩ Văn

Tôi nhận thấy, sản xuất phim ở Việt Nam hiện còn mang tính tự phát. Các nhà sản xuất cũng như các thành phần sáng tạo của bộ phim chưa cùng ngồi lại, cùng hợp lực để làm ra những bộ phim vừa "ăn khách", vừa có thể đại diện cho Việt Nam mang dự thi liên hoan phim quốc tế hoặc "xuất khẩu" điện ảnh Việt Nam ra thế giới.

Chính vì thế, có thể nói, sự bấp bênh của thị hiếu và thị trường điện ảnh Việt Nam là một sự thật, dù khá phũ phàng.

Tuy vậy, cái nhìn từ quốc tế về điện ảnh Việt cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Họ nhìn Việt Nam là một thị trường điện ảnh lớn với lượng khán giả đông đảo - và đó chính là cơ hội lớn, mảnh đất màu mỡ để công nghiệp điện ảnh phát triển.

* Theo như anh nói, điện ảnh Việt cần một nguồn lực tổng hợp để có thể cùng tạo nên một tác phẩm tốt. Là nghệ sĩ điện ảnh hoạt động lâu năm, anh có "hiến kế" gì hay cho phim Việt Nam?

- Hơn 20 năm gắn bó với nghề diễn và công việc điện ảnh, tôi nhận thấy điểm yếu của phim Việt Nam hiện nay chính là ở kịch bản. Đóng vai trò diễn viên thôi nhưng tôi đã nhìn ra cái lỗ hổng ở đó.

Tôi biết việc tìm được một nhà biên kịch giỏi hay việc cùng nắm tay nhau ngồi lại là một điều không hề dễ dàng. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau - điều đó hoàn toàn đúng với phim Việt Nam hiện tại. Chúng ta sản xuất nhiều dự án phim trong năm nhưng lại không có nhiều dự án tốt. Chúng ta không thiếu nhân tài, không thiếu nhà đầu tư, không thiếu đạo diễn, diễn viên nhưng phải nói rằng, chúng ta quá thiếu thốn kịch bản tốt. Có kịch bản tốt mới có bộ phim hay được!

Hiện nay, theo tôi thấy, ngoài Cục Điện ảnh (thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hay hội nghề nghiệp là Hội Điện ảnh Việt Nam, chúng ta cần có một Hiệp hội nhà sản xuất phim Việt Nam để nắm bắt chung thị trường, xem vì sao mỗi năm chúng ta sản xuất từng đó phim nhưng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những phim thắng doanh thu hoặc tham gia LHP quốc tế.

Báo Xuân - Diễn viên Hứa Vĩ Văn: "Không vai diễn nào mà tôi không hy sinh!" - Ảnh 2.

* Là người làm công tác đào tạo, anh có nhìn thấy những gương mặt biên kịch trẻ tiềm năng, có đam mê...?

- Thật ra tôi phải cám ơn Ban tổ chức LHP Quốc tế Hà Nội 2024 đã cho tôi góc nhìn thực tế hơn sau khi mời tôi tham gia chấm chọn Hạng mục Phim dài dự thi. Khi xem các phim dự thi, tôi nhận thấy, các phim châu Âu có kịch bản rất chặt chẽ, sâu sát, thực tế, thực tế đến từng hơi thở, con người, cuộc sống.

Nhìn lại đội ngũ biên kịch, ngoài thiếu về lượng thì còn chưa đủ về chất. Một chuyên gia quốc tế hỏi rằng: khán giả thường xuyên xem phim ở Việt Nam là bao nhiêu? Tôi nói, điện ảnh Việt có khoảng 10 triệu khán giả thường xuyên tới rạp. Chuyên gia này tỏ ra kinh ngạc vì đó là con số trong mơ đối với họ, thậm chí bằng số dân cả nước họ.

Tôi lo ngại rằng, khi chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất dòng phim thị trường chất lượng trung bình thấp thì không thể giữ chân khán giả, chứ chưa nói chuyện có doanh thu hay có thể gửi dự thi quốc tế.

Nhà sản xuất phim William Pfeiffer - người phát hành Ngoạ hổ tàng long - nói với tôi rằng, ông ấy luôn sẵn lòng hỗ trợ điện ảnh Việt Nam phát hành quốc tế chỉ là liệu ta có tác phẩm đủ tốt hay không thôi.

Về đội ngũ biên kịch, nếu cần có thể đưa ra nước ngoài để đào tạo. Chúng ta hiện giờ không thiếu diễn viên, quay phim đâu... mà chỉ thiếu biên kịch giỏi có cái nhìn sâu sắc. Với nghề này, theo tôi, không phân biệt độ tuổi, trẻ tuổi thì có hơi thở tươi mới, lớn tuổi thì có sự trải nghiệm...

* Thực tế, điện ảnh Việt mỗi năm "ra lò" 40 bộ phim "nội", có những "bom tấn" doanh thu 500 tỉ đồng, đó phải là những tín hiệu đáng mừng chứ, thưa anh?

- Con số 40 dự án chúng ta nhìn thấy, rõ ràng là tăng trưởng so với thời kỳ trước. Nhưng thực sự, chỉ có vài dự án thắng lớn chứ còn lại là thất bại. Thực sự thì chúng ta mới chỉ nhìn được bề nổi chiến thắng chứ không thấy những thất bại. Tôi vẫn bảo lưu quan niệm rằng, thay vì sản xuất 40 phim với sự bảo chứng thành công bấp bênh chúng ta dồn lực cho 10 bộ phim tốt thôi.

Báo Xuân - Diễn viên Hứa Vĩ Văn: "Không vai diễn nào mà tôi không hy sinh!" - Ảnh 3.

* Năm 2025, anh có dự định trở lại màn ảnh sau khi tham gia đóng "Đất rừng phương Nam"?

- Năm 2025, tôi góp sức vào dự án phim đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được diễn xuất trong bộ phim này. Năm 2025 với đất nước nói chung và với nghệ thuật điện ảnh nói riêng là dấu mốc ý nghĩa và điện ảnh Việt Nam cần phải một cái gì đó đóng góp cho đất nước, gắn liền thời khắc lịch sử này.

Bên cạnh đó, tôi cũng vừa nhận lời diễn xuất trong một dự án phim kinh dị. Tôi sẽ đảm nhận vai nam chính trong phim Đồi hành xác - The Torture Hill do Tứ Vân Pictures sản xuất. Tôi cảm thấy yêu thích nhân vật của mình trong kịch bản Đồi hành xác, bởi tôi sẽ xuất hiện với một hình ảnh mới mẻ chưa từng có so với những bộ phim đã tham gia.

* Là một nghệ sĩ đa tài, ngoài phim ảnh anh còn đam mê hội hoạ. Liệu anh có bày triển lãm cá nhân trong tương lai?

- Không riêng hội hoạ, 2 năm qua tôi dành thời gian cho công việc kinh doanh. Tôi có thời gian nghỉ ngơi để lựa chọn dự án nghệ thuật phù hợp. Nếu 2 năm qua, tôi không kinh doanh thì tôi không thể có thời gian tĩnh lại để nhìn về con đường mình đã qua, cũng như quãng tương lai sắp tới.

Hội họa với tôi không phải là đam mê. Quay lại hội hoạ cũng là việc đương nhiên vì đó là ngành học của tôi. Nếu tôi không làm diễn viên chắc chắn giờ sẽ trở thành hoạ sĩ.

Sau hơn 20 năm làm diễn viên, sau mỗi dự án, tôi mất nhiều năng lượng. Không dự án nào mà tôi không hy sinh. Như Đất rừng phương Nam chẳng hạn, tôi bị chưng hửng và bất ngờ bởi sự ứng xử với bộ phim. Sự nhạy cảm khiến tôi bị tổn thương với nỗi đau như còn mãi. Mỗi lần nghĩ đến vẫn khiến tôi rơm rớm nước mắt. Một lần đọc status trên trang cá nhân của nghệ sĩ Công Ninh, tôi thấy anh dẫn lại ảnh phim Đất rừng phương Nam và gắn nội dung: "Kiếp con tằm nhả tơ" khiến tôi xúc động lắm, vừa thương, vừa tự hào về nghề diễn mà mình theo đuổi.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

"Một chuyên gia quốc tế hỏi rằng: khán giả thường xuyên xem phim ở Việt Nam là bao nhiêu? Tôi nói, điện ảnh Việt có khoảng 10 triệu khán giả thường xuyên tới rạp. Chuyên gia này tỏ ra kinh ngạc vì đó là con số trong mơ đối với họ" - Hứa Vĩ Văn.

Hoàng Lê (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm