Ý thức trách nhiệm và sự tỉnh táo chính là 'vaccine' đối phó với 'virus tin giả'

31/07/2021 16:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì nạn đưa tin giả, thông tin sai sự thật cũng gia tăng, gây hoang mang dư luận, suy giảm niềm tin của người dân vào công tác chống dịch.

Cảnh báo việc lừa tiền cứu trợ Covid-19 trên trang thông tin giả mạo Bộ Y tế

Cảnh báo việc lừa tiền cứu trợ Covid-19 trên trang thông tin giả mạo Bộ Y tế

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 29/7, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông tin cảnh báo thủ đoạn giả mạo trang thông tin điện tử (website) của Bộ Y tế để lừa đảo trợ cấp COVID-19.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất rõ trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Tùy mức độ vi phạm, mức nghiêm trọng về hậu quả do hành vi đó gây ra, người vi phạm có thể chịu xử lý vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.

Không để "virus tin giả" ảnh hưởng xấu đến xã hội         

Trong khi cả nước nỗ lực chống dịch COVID-19, người dân lại phải chống chọi với thứ dịch bệnh nguy hiểm không kém, đó là tin giả. Tin giả, tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch và niềm tin của quần chúng nhân dân.         

Điển hình như, ngày 19/7/2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ và cảnh báo thông tin thất thiệt về hình ảnh được cho là “xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh”. Trung tâm này khẳng định, đó là hình ảnh chụp tại một bệnh viện của Myanmar, chứ không phải tại TP Hồ Chí Minh như một số tài khoản Facebook tung tin trên mạng xã hội.         

Trước đó, mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore cho rằng COVID-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...  Bộ Y tế đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.  

Chú thích ảnh
2 Fanpage đã đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật về tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TTXVN phát

Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành quyết định xử phạt bà V.H.P (nghệ danh Trác Thúy Miêu) về việc cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có nội dung gây hoang mang trong nhân dân về công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh. Việc xử phạt được áp dụng theo điểm d, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt là 7,5 triệu đồng.         

Video chia sẻ "Phương pháp chữa trị COVID-19 tại nhà do bác sĩ Thùy Trang hướng dẫn, nếu làm theo hướng dẫn thì 99% sẽ khỏi bệnh trong 5 ngày" thu hút gần 3,5 triệu lượt xem, hơn 240.000 lượt chia sẻ. Sở Y tế Lâm Đồng bác thông tin bịa đặt này, còn chủ tài khoản Facebook bị xử phạt 7.5 triệu đồng.         

Ngày 28/7, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cũng đã xử phạt vi phạm hành chính cá nhân đăng thông tin sai sự thật trên facebook: “Sáng mai Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà tag và chia sẻ cho nhau biết nhé".

Nội dung thông tin này là giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.         

Đây không phải là lần đầu tiên tin giả về dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch COVID-19 ở nước ta.           

Trong những tháng đầu năm 2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, đã công bố dán nhãn 37 tin giả; cập nhật 38 tin xử phạt các cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật từ cơ quan báo chí; tổng đài 18008108 hướng dẫn người dân về báo tin giả tiếp nhận 2.395 cuộc gọi đến... Trong đó, các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây.

Tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật   

Tung tin giả một phần do người dùng mạng xã hội thiếu kiến thức pháp luật, thiếu cẩn trọng khi tạo và đưa tin trên các phương tiện truyền thông, vô tình chia sẻ thông tin không kiểm chứng nguồn gốc và tính chính xác của thông tin. Một mặt do người dùng mạng xã hội phần nào thiếu trách nhiệm, muốn nổi tiếng hay “câu like” (thích)… Song cũng không thể loại trừ khả năng: tung tin giả là chiêu bài có kịch bản của các thế lực thù địch, với âm mưu thâm hiểm là tạo bất ổn trật tự xã hội, gây khó khăn và phá hoại các nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước và nhân dân ta.   

Hệ lụy từ tin giả là vô cùng nghiêm trọng, có thể gây khủng hoảng niềm tin, bất ổn xã hội và làm ảnh hưởng lớn đến nỗ lực chống dịch ngày đêm của biết bao con người. Chính vì thế, việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.   

Chú thích ảnh
Tung tin giả một phần do người dùng mạng xã hội thiếu kiến thức pháp luật. Nguồn: Internet

Để hạn chế tình trạng tin giả gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.   

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thống tin cho báo chí… đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc.   

Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Thông tin và Truyền thông để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.   

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an các địa phương tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook, Zalo… đồng thời chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.

Vaccine với mỗi chúng ta chính là ý thức trách nhiệm và cái đầu tỉnh táo    

Với loại "virus tin giả" không kém phần nguy hiểm này, "vaccine" với mỗi chúng ta chính là ý thức trách nhiệm và cái đầu tỉnh táo. Người đọc cũng cần "5K" để phòng tránh sự lây lan, đó là: Không tin ngay, Không nút thích, Không thêm thắt, Không kích động và Không chia sẻ.   

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về dịch COVID-19 cho nhân dân. Khi nhận thức đúng, có đủ kiến thức cần thiết người dân sẽ bình tĩnh, không nhẹ dạ, cả tin, hoang mang trước những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.         

Bộ Công an khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, mỗi người dân nên kiểm chứng nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, thận trọng. Khi phát hiện tin giả, người dân cần thông báo về Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thông qua website: http://tingia.gov.vn; email: online.abei@mic.gov.vn; số điện thoại 18008108.      

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 chắc chắn còn rất nhiều thử thách, khó khăn. Giờ chính là thời điểm mỗi người chúng ta thể hiện ý thức trách nhiệm công dân, đoàn kết sẻ chia vì mục tiêu chung là khống chế thành công đại dịch, mà cũng là vì sức khỏe và sự bình yên của gia đình, người thân mỗi chúng ta. Trong đó, một hành động giản đơn và thiết thực lúc này là nói “Không” với tin giả và cùng chung tay ngăn chặn “virus tin giả”.   

Minh Duyên/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm