Vì sao nghệ thuật cần phải ra chợ?

06/02/2018 07:06 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tết Art Market (chợ nghệ thuật Tết) vừa khai cuộc tại The Factory, TP.HCM, với 30 gian hàng, thu hút khoảng 900 lượt khách tham dự, mà phần đông là các gia đình trẻ và giới trẻ người Việt, còn lại là khách nước ngoài. Phần lớn khách tham dự đều tìm mua được những tác phẩm, vật phẩm theo ý riêng, có tính ứng dụng cao. Tết Art Market được The Factory và Inpages phối hợp tổ chức, mà mục đích chính là đưa nghệ thuật và nghệ thuật ứng dụng đến gần hơn đời sống người dân.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao nghệ thuật cần phải ra chợ?

Bởi lâu nay nghệ thuật/mỹ thuật thường mặc định như là sản phẩm có tính tinh hoa, được xếp cao hơn đời sống, cao hơn chợ búa. Những tranh nặng tính trang trí, lưu niệm… thì bị gọi là “tranh bờ hồ”. Nhưng trong quan niệm mới - dù không phải đa số đều theo quan niệm này - thì nghệ thuật không nhất thiết và cũng không thể xếp cao hơn đời sống, vì nó là thuộc tính của đời sống. Vì vậy, các chợ nghệ thuật như là một mô hình giải thiêng tính cao sang, “tính bàn thờ” của nghệ thuật. Ra chợ, nghệ thuật bình đẳng như những hàng hóa khác, nên dễ dàng trả giá, giảm giá, tăng giá, áp phe và trúng mánh.

Chú thích ảnh
Không gian chợ nghệ thuật Tết. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Một khía cạnh khác, theo nhiều nghiên cứu xã hội học, đây là thời đại tiêu dùng sòng phẳng, nên tính “vô ơn” sẽ rất phổ biến. Mua bán có đóng thuế được xem là hết trách nhiệm, nên sự ghi nhớ hoặc biết ơn không còn phổ biến trong tâm trí mọi người. Giới khoa học cho rằng về mặt phát minh, việc sáng tạo ra điện thoại thông minh không thua kém gì sáng tạo ra máy in, nhưng ông tổ của máy in hiện đại thì nhiều người còn nhớ đến là Johannes Gutenberg (khoảng 1389 - 1468), còn ông tổ điện thoại thông minh là ai, mấy người biết. Chính điều này cũng là động lực lôi cuốn và lôi kéo nghệ thuật ra chợ. Không phải ngẫu nhiên mà các chợ nghệ thuật - dù đã có từ lâu - nhưng lại nở rộ vào thế kỷ 21, mà cụ thể là 10 năm gần đây, gần như nước cũng có. Nghệ thuật ở bảo tàng, ở phòng tranh, ở xưởng sáng tác… thì có vẻ cao sang, ngăn cách, “khó nói chuyện”, ra chợ thì sòng phẳng hơn, thuận mua vừa bán. Giới trẻ ngày nay thích sưu tập nghệ thuật ở các chợ và siêu thị nghệ thuật, thông qua các dịch vụ trung gian, hơn là sưu tập trực tiếp từ chính tác giả.

Trong cấu trúc thị trường nghệ thuật, chợ nghệ thuật giữ một vai trò rất quan trọng: tạo môi trường mua bán công khai, nên người mua sẽ có nhiều cái lợi, trong đó có sự đối chiếu nguồn hàng, giá bán, bảo hiểm... Hơn nữa, chính chợ cũng giúp tác giả, nhà sưu tập, các nhà đầu tư… nhận biết được xu hướng, được nhu cầu của thị trường nghệ thuật hiện thời. Đây chính là cơ sở để kích thích cung cầu, kích thích sáng tạo, phân loại tác giả, bởi không phải tác giả nào cũng chạy theo thị trường, chiều theo thị hiếu đại chúng.

Đừng tưởng chợ nghệ thuật chỉ bán hàng chợ. Nếu đến các siêu thị, các chợ nghệ thuật quốc tế (ví dụ các Art Basel) thì sẽ thấy ở đó có nhiều tác phẩm tiền phong, thể nghiệm, đỉnh cao… mà nhiều khi các bảo tàng chuyên nghiệp cũng chưa có được. Tất nhiên ở đây đang nói đến các chợ nghệ thuật hoàn chỉnh, còn những mô hình như Tết Art Market, hay Tết Art, Domino Art, Art For You… thì còn cần phải kiện toàn rất nhiều để trở nên hoàn chỉnh. Thế nhưng việc xuất hiện những chợ nghệ thuật này ở Việt Nam đã manh cha cho thấy thị trường nghê thuật nội địa Việt Nam đang chuyển hướng lành mạnh, rất đáng trông chờ.

Hội chợ nghệ thuật - nhìn từ một khách hàng

Hội chợ nghệ thuật - nhìn từ một khách hàng

Hội chợ nghệ thuật đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thật sự gặp nhiều hiểu lầm do tên gọi bị đổi thành triển lãm, như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã đề cập chi tiết.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm