Vì sao Bia Quốc học Huế bị 'bỏ quên'?

12/01/2017 06:42 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Bia Quốc học, hay còn gọi là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong đang là chủ đề nóng dư luận trong mấy ngày qua. Việc trùng tu Bia Quốc học tại Huế chưa có kết luận cuối cùng. Nhưng, thông tin về việc kiến trúc này chưa bao giờ được xếp hạng di tích lại là một câu chuyện khiến dư luận quan tâm.

Cụ thể, việc trùng tu kiến trúc này nằm trong chương trình chỉnh trang công viên dọc bờ Nam sông Hương do UBND thành phố Huế làm chủ đầu tư và được thực hiện bởi Trung tâm Công viên cây xanh Huế, thay vì Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế (đơn vị có chuyên môn hàng đầu tại thành phố này trong lĩnh vực di sản).

Đồng thời, các thông tin được đưa ra, Bia Quốc học cũng chưa bao giờ xuất hiện trong các danh mục xếp hạng di tích.

"Không có trong danh mục di tích, việc kiến trúc này vẫn được Huế tổ chức trùng tu là điều tích cực và đáng mừng" - nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét. "Nhưng tôi rất tiếc về việc nó không được xếp hạng, và không được thực hiện bởi các đơn vị có chuyên môn hàng đầu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô. Nếu làm như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ yên tâm hơn về chất lượng, về mức đầu tư, cũng như bớt đi những thắc mắc trái chiều".


Bia Quốc học hay còn gọi là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong nằm đối diện cổng trường THPT chuyên Quốc học Huế đang được trùng tu và toàn bộ công trình được sơn lại màu vàng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Ảnh: VOV

Thẳng thắn, đại biểu Quốc hội cho rằng việc kiến trúc đặc biệt này bị "bỏ quên" phần nào bắt nguồn từ cách nhìn nhận theo tư duy cũ. "Theo thời gian, chúng ta cũng đã có sự điều chỉnh nhận thức về vấn đề này, và công nhận một số công trình đặc biệt của người Pháp, mà Nhà hát Lớn tại Hà Nội và Hải Phòng là điển hình. Thế nhưng, ở nhiều nơi khác, vẫn có những trường hợp bị bỏ sót, hoặc được nhìn với tâm lý e ngại".

Được người Pháp xây dựng năm 1920, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong có kiến trúc khá đẹp theo phong cách Phương Đông, với mục đích tưởng niệm một số quân nhân người Việt và người Pháp đã chết khi tham gia Thế chiến I. Đài nằm bên bờ sông Hương, trước mặt trường Phổ thông trung học Quốc học. Tuy nhiên, theo lời ông Quốc, bên cạnh yếu tố về mỹ thuật và kiến trúc, nội hàm lịch sử của công trình này cũng đặc biệt có giá trị.

"Chưa nói tới việc tác giả công trình là một người Việt (ông Tôn Thất Sa, một giáo viên trường Bá công Huế - TT&VH), việc những người lính Việt có mặt trong Thế chiến I cũng là một thông tin cần được tôn trọng" - ông Quốc nói. "Dù họ bị cưỡng ép tham gia với mục đích gì, chúng ta vẫn cần được biết sự thật lịch sử về cha ông mình".

"Sang Italy, tôi từng thấy những công trình tượng đài, kiến trúc từ thời Mussolini vẫn được bảo tồn như một địa chỉ văn hóa du lịch, cho dù cả nhân loại đều căm thù chủ nghĩa phát xít" - nhà sử học Dương Trung Quốc nói thêm. "Từ câu chuyện của Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, chúng ta nên sớm có sự rà soát những kiến trúc Pháp đang bị bỏ quên như vậy. Đừng để tới khi dư luận lên tiếng, chúng ta mới bừng tỉnh và tiếc rẻ những giá trị đã bị bỏ mất".

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm