Sống chậm cuối tuần: Đồ chơi mỗi thời

25/05/2019 07:12 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cái Tết của thiếu nhi (1/6) đã đến gần, cũng là lúc mà đám trẻ đã bắt đầu được nghỉ Hè. Một mùa Hè “rực lửa”, đầy vui tươi với đám trẻ, nhưng lại đầy lo toan với các bậc phụ huynh: Cho chúng đi đâu, chơi gì, giải trí ra sao, bằng cách nào có thể tách chúng ra khỏi các “đồ chơi” công nghệ? Câu hỏi phải quản lý con em mình như thế nào trong dịp Hè chưa bao giờ là cũ...

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Sống chậm cuối tuần: Rau, củ, quả một thời

Sống chậm cuối tuần: Rau, củ, quả một thời

Tôi không phải là người sành về các món chay, nhưng do lớn lên trong giai đoạn đói kém, tôi lại có rất nhiều kinh nghiệm chế biến rau, củ, quả.Tất nhiên có gia giảm thêm một chút chất đạm động vật để thành các món ăn ngon và đủ dinh dưỡng.

1. Những năm đầu thập kỷ 1960, lũ trẻ Hà Nội chẳng hơn gì đám trẻ nông thôn về trò chơi. Đại khái nông thôn có trò gì thì Hà Nội cũng có trò tương tự. Mươi viên bi đất nung trong túi quần trẻ trai. Bộ que chuyền trong cặp sách trẻ gái.

Trẻ gái Hà Nội “văn minh” hơn một chút là chơi chuyền bằng quả bóng cao su nhỏ hoặc bóng bàn thay vì quả cà pháo như trẻ nông thôn. Trẻ trai ở phố tự mày mò làm lấy những viên bi đá xoáy tròn bằng vỏ lọ penicillin hoặc vỏ con ốc nhồi mài thủng. Thay vì đánh đáo bằng tiền xu như ở nông thôn, lũ trẻ Hà Nội đánh xèng. Đồng xèng là nắp chai bia được đập dẹt hoặc mang ra đường tàu điện cho bánh sắt cán phẳng.

Chú thích ảnh
Trò chơi ô ăn quan

Những trò chơi đánh khăng, đá cầu chinh, đánh quay hoàn toàn giống với nông thôn. Chỉ khác ở chỗ trẻ thành phố chơi con quay gỗ tiện mua trên phố Tô Tịch. Thế nhưng điều khác biệt nhất của trẻ thành phố là có hẳn 3 tháng Hè mỗi năm dành hoàn toàn cho việc chơi mà đám trẻ nông thôn không bao giờ có.

Chơi chán những trò chơi có tính cạnh tranh nho nhỏ ấy cũng không thể nào hết nổi 3 tháng Hè. Chúng tìm những trò khác thú vị hơn. Một trong những trò chơi thú vị nhất là nuôi cá cảnh.

Ở Hà Nội lúc ấy, bất cứ ngôi chợ nào trong phố cũng có hàng bán cá cảnh. Trẻ con chỉ cần có chiếc lọ thủy tinh rộng miệng là đã có thể nuôi một con cá chọi sặc sỡ giương vây. Gia đình khá giả hơn, người lớn có thể sắm cho chúng những chiếc bể kính. Cũng là bể chế tạo thủ công trên phố Hàng Thiếc mà thôi. Đứa nào nhà gần chợ thường xuyên qua lại dãy hàng bán cá cảnh mua về những con cá vàng, cá kiếm, cá ngựa vằn, khổng tước, hắc mô-ni (molly), cá mún…

Cá nuôi bể kính lớn thường là những con đẹp đẽ đắt tiền hơn. Thần tiên, mã giáp, tứ vân, hồng tử kỳ tương đối khó mua ở chợ. Chúng rủ nhau đi tàu điện lên Yên Phụ vào tận nhà những người nuôi cá tìm mua. Ngôi làng nằm bên Hồ Tây lộng gió có chiếc cổng làng xây gạch cũ kĩ nắng mưa là địa chỉ rất tin cậy của chúng. Thôi thì đủ các loại cá và kích cỡ cho chúng chọn. Người ta bán cá kèm theo cả cây rong trang trí tùy theo sở thích.

Cá cảnh ngày ấy không có thức ăn công nghiệp như bây giờ. Vài hôm lại phải ra chợ mua giun đỏ cho ăn. Vài đứa rủ nhau làm mấy chiếc vợt bằng vải màn xuống hồ Bảy Mẫu vớt thủy trần và bọ gậy. Cá ăn toàn thức ăn tươi sống rất khỏe mạnh và sống lâu. Có đứa khéo tay hơn còn làm cả những chiếc cào giun như người chuyên nghiệp xuống đấy bắt giun. Đứa lười đi có thể tìm những hố ga cống có nhiều bọ gậy mà vớt. Vớt bọ gậy trong ấy nhiều hôm vớt được cả những con cà cuống đen nhánh.

Không chỉ chơi cá cảnh vì nó đẹp, nhiều đứa trẻ ở phố hiếu động hơn thường nuôi cá chọi. Chúng mang lọ ra vỉa hè thách đấu nhau. Xúm đen xúm đỏ mồ hôi mồ kê nhễ nhại hò reo khản cổ. Thắng thua chỉ là vài cái búng tai mà thôi. Thế nhưng cũng có đứa sau vài hồi chọi cá hai tai đã đỏ rực. Người lớn không khuyến khích trò này nhưng trẻ con đi chọi cá rất khó giấu cha mẹ vì đôi tai đỏ bầm của mình. Sau đó cũng có đứa bị đòn quắn mông. Hôm sau mang mông lằn ra khoe với các bạn.

Chơi chán cá cảnh lại đến dán diều giấy mang ra vỉa hè chạy thi. Vài đứa lớn làm những con diều cánh cung mang ra bờ đê sông Hồng thả. Bờ đê mọc đầy cỏ may vi vút gió là một sân chơi khiến đứa nào cũng mê mẩn. Thả diều cắm cọc xong nếu trời nắng có thể xuống sông Hồng vẫy vùng thỏa thích. Hết Hè, đứa nào cũng cháy nắng đen thui mà chẳng cần phải đi tắm biển.

Chú thích ảnh
Trẻ em thả diều. Ảnh: ST

2. Nửa thế kỷ sau nhìn đồ chơi của đám trẻ bây giờ mà phát ngốt. Nhà nào cũng hàng rổ lớn đồ chơi chưa kể những thứ được bày ra trên tủ của chúng. Có vẻ như chúng cũng không mặn mà lắm với những món đồ chơi mua được. Chỉ vài hôm chán là bỏ xó. Dù rằng đồ chơi của chúng bây giờ là những thứ rất hiện đại, thông minh. Ô tô, tàu hỏa, máy bay đều có thể hoạt động được. Robot biến hình có thể đang là võ sĩ vung tay biến thành ô tô chạy được.

Thứ đồ chơi tất cả các bậc phụ huynh đều phàn nàn là iPad và điện thoại thông minh. Phàn nàn thế thôi nhưng vẫn sắm về. Đó là đồ vật duy nhất trong nhà mua về để hạn chế dùng. Vài đứa mắc nghiện iPad không ngần ngại tha cả vào toilet để “nghiên cứu”.

Những trò chơi đánh xèng, đánh khăng, đánh bi đã biến mất từ lâu. Đơn giản vì không còn một mảnh đất vỉa hè nào trong phố cho chúng chơi những trò ấy nữa. Bờ đê cỏ dại đã được xây tường bao chẳng thể ngồi chơi thả diều. Sông Hồng cạn nước và ô nhiễm đến mức muốn tắm phải đi ra doi cát ngoài bãi giữa.

Thêm nữa, lũ trẻ ở phố bây giờ đi học bán trú và học thêm tất cả các ngày trong tuần kể cả mùa Hè.

Hóa ra hơn nửa thế kỷ trước trẻ con ở phố hạnh phúc hơn bây giờ rất nhiều. Nghĩ cũng mủi lòng.

Nhà văn Đỗ Phấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm