Khoan thai 'thụ lộc'

07/06/2016 12:14 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa có hậu quả đáng tiếc, nhưng cảnh giành giật, tranh cướp những mảnh “chiếu lộc” tại Phù Đổng lại một lần nữa khiến dư luận băn khoăn. Bởi, trong vài năm qua, người ta đã nói quá nhiều tới những cảnh tượng không đẹp mắt, không an toàn tại các lễ hội có yếu tố “cướp lộc”.

“Cướp lộc” được lý giải từ một tập tục truyền thống: các hiện vật sử dụng trong nghi thức diễn xướng tại lễ hội sẽ trở thành “vật linh”. Đó có thể là những giò hoa tre, những mảnh chiếu, mảnh cờ, mảnh bát sứ hay quả phết.

Có duyên sở hữu “vật linh” ấy sau lễ hội, người ta sẽ có thêm tiềm tin về việc tài lộc, may mắn, sức khỏe… sớm đến với mình. Và khi “lộc thánh” là hữu hạn - còn lượng người cầu lộc lại quá đông, nhiều lễ hội truyền thống cho phép người ta cũng tham gia tranh cướp để tự tìm may mắn.

Tục tranh cướp ấy vẫn giữ nguyên theo thời gian, cho dù bối cảnh đã thay đổi khá nhiều. Như chia sẻ của một số chuyên gia văn hóa, trong hàng trăm nay, các lễ hội truyền thống ấy thường chỉ duy trì với sự tham gia của cộng đồng cư dân bản địa.


Các thanh niên lao vào tranh giành manh chiếu của ông Hiệu Cờ. Ảnh: An ninh Thủ đô

Và khi xưa, lề luật của các làng xóm thường rất nghiêm. Dù tham gia tranh cướp lộc, thanh niên trai tráng tại địa phương cũng vẫn có ý thức rõ ràng về ranh giới của một diễn xướng cầu may, nên chuyện “lỡ tay” gây thương tích cho người khác chỉ là hãn hữu.

Còn ở thời điểm hiện tại, khi lượng khách thập phương kéo về các lễ hội truyền thống qua đông, trong khi việc giáo dục thanh niên địa phương phần nào cũng phức tạp hơn so với trước, đó lại là một câu chuyện phức tạp và khó xử lý hơn nhiều.

Bởi, không chỉ còn là một diễn xướng mang tính “cầu may”, chuyện cướp lộc trong rất nhiều trường hợp đã trở thành những màn “hỗn chiến” thật sự, với sự lên ngôi của bạo lực.

Sẽ có rất nhiều cách giải thích cho câu hỏi: vì sao ở cuộc sống bây giờ, người ta lại dễ dàng… đánh nhau đến thế? Vì xã hội đang có vô vàn áp lực, nên con người ta dễ mất đi sự khoan thứ và bao dung? Vì sự xuống cấp của đạo đức, của văn hóa ứng xử và kỹ năng sống?

Vì sự thiếu thực tế của luật lệ và quy ước xã hội, để rồi nhiều người dễ phát triển tâm lý tự “chiến đấu” để đi tìm quyền lợi và sự may mắn cho mình?

Chuyện “cướp lộc”

Chuyện “cướp lộc”

Năm nay, từ sáng ngày Rằm đến hết tháng Giêng, Đền Trần sẽ phát ấn rộng rãi cho du khách thập phương, quan khách. Không còn cảnh cướp ấn như mọi năm, song trớ trêu, lại diễn ra một cảnh tượng khác: cướp… đồ thờ cúng tại đền.


Những câu hỏi ấy không dễ để trả lời trong một sớm một chiều. Nhưng kết quả nhỡn tiền trước mắt: đã có những ý kiến tỏ ra lo ngại và băn khoăn về việc tiếp tục duy trì các lễ hội có yếu tố “cướp lộc”.

Đơn cử, với câu chuyện tại Hội Gióng Phù Đổng. Một vài năm trước, phía tổ chức hội Gióng Phù Đổng đã có sáng kiến bỏ không phát gậy cho những phù giá (người bảo vệ phần diễn xướng) và dùng các gậy bằng nhựa để tránh manh động.

Thay đổi này đã có tác dụng tốt, tuy nhiên tại lễ hội năm nay, việc một tốp du khách “nóng ruột” sớm tràn vào đợi giành giật các tấm chiếu đã khiến cảnh lộn xộn xảy ra – cho dù lực lượng bảo vệ đã kịp đẩy lùi những người quá khích.

Có nghĩa, lễ hội không hoàn toàn còn là của dân làng, của cộng đồng hẹp, nơi người ta tham gia với tâm thế hướng thượng. Các hình thức diễn xướng hội hè bị bóp méo bởi những du khách hiếu kỳ, thiếu kiến thức và sự thành kính.

Nên, du khách thập phương đừng nhân danh “các cụ phù hộ” để làm những điều manh động. Lễ hội ngày nay là của tất cả mọi người, nhưng tôn trọng tín ngưỡng địa phương và điềm tĩnh “thụ lộc” là những hành trang cần thiết khi tham gia lễ hội.  

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm