Chuyện “cướp lộc”

07/02/2012 13:46 GMT+7


(TT&VH) - 1. Năm nay, từ sáng ngày Rằm đến hết tháng Giêng, Đền Trần sẽ phát ấn rộng rãi cho du khách thập phương, quan khách. Không còn cảnh cướp ấn như mọi năm, song trớ trêu, lại diễn ra một cảnh tượng khác: cướp… đồ thờ cúng tại đền.

Ngay sau thời điểm Lễ khai ấn lúc 23h, người ta đã hỗn loạn xô đẩy ngay bên trong đền để giành giật, cướp các đồ thờ cúng, hoa quả, chân hương tại các bàn thờ. Các ông từ giữ đền cũng chỉ biết lắc đầu bất lực trước sự hỗn tạp, chợ búa của đám người dự lễ.

Người ta lấy làm hoan hỷ, sung sướng với những thứ cướp được bởi họ coi cái cướp được ấy là lộc thánh ban. Họ bất chấp đấy là đồ thờ cúng, bất chấp sự tôn nghiêm chốn cửa đền và sự trang trọng trong một lễ nghi lớn của đất nước.

Cảnh cướp hoa quả, đồ thờ tự diễn ra tại Đền Trần ngay sau
thời điểm diễn ra Lễ khai ấn. Nguồn: Tiền Phong

Xưa nay, người đến lễ hội đều mang theo những điều mong nguyện, người cầu an, người cầu phúc, người cầu may, cầu duyên, nhưng điều chính là để tâm an lành, khấn nguyện nhẹ nhàng để tĩnh lại lòng người. Nhưng có lẽ bây giờ, người ta đến lễ hội thường cầu cúng xin xỏ, đòi hỏi cho bản thân chứ không phải để chiêm tưởng. Bởi thế mà xưa nay, không chỉ lễ phát ấn Đền Trần, mà ngay những lễ hội phố hoa Hà Nội, lễ hội hoa anh đào được tổ chức, dù có hàng rào, lực lượng bảo vệ dày đặc nhưng hoa lá vẫn tả tơi. Nhiều người sau khi ngắm hoa đều tìm cách tranh bằng được một cành hoa đẹp mang về cho riêng mình như một thứ lộc riêng.

2. Lễ hội không chỉ là lễ hội, nói như GS Lê Đức Thịnh, lễ hội phản chiếu nhân tâm của xã hội. Ở nơi linh thiêng đó người ta còn cướp được, vậy tự hỏi ở đời, nếu có cơ hội, bao nhiêu người sẽ ngoảnh mặt làm ngơ mà không cướp “lộc đời”.

Từ chuyện cướp lộc thánh, ngẫm ra chuyện cướp lộc đời. Những năm trước, tại lễ phát ấn, nhiều người sẵn sàng đạp lên đầu nhau chỉ vì muốn có bằng được lá ấn trong tay. Người ta quan niệm có lá ấn Đền Trần là sẽ may mắn trong đường quan lộ. Tâm lý “một người làm quan cả họ được nhờ” dường như vẫn hiện hữu trong nhiều người.

Bao nhiêu kẻ đã mong làm quan để “cướp” được của thiên hạ. Bao nhiêu tên quan tham nhũng, hối lộ bị vạch mặt. Những vụ án tham nhũng nhiều tỷ đồng, những vụ quan tham ô “nuốt trôi” nhiều héc ta đất, những vụ quan kiểm lâm ăn rừng… Bổng lộc từ Nhà nước trả cho, họ chưa thấy vừa nên lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình để ăn cướp của dân, như một thứ lộc có được từ chiếc ghế quan. Thứ “lộc đời” được tạo nên từ mồ hôi, nước mắt của dân chúng.

Và cũng bởi người ta có thể cướp lộc thánh, nên dù lễ hội nhiều, người dân đi chùa lễ Phật nhiều nhưng cái ác trong xã hội vẫn tăng. Bởi ngay cả nơi cửa đền, cửa chùa linh thiêng, người ta còn tranh nhau chen cướp, thử hỏi ngoài đời?

Từ chuyện cướp lộc thánh, ngẫm ra cuộc đời thật thấy xót xa.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm