Góc nhìn 365: 'Nối dài' tà áo dài

03/03/2020 07:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin đang được dư luận quan tâm: Bộ VH,TT&DL đang lên kế hoạch phối hợp cùng Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Từ áo dài nam truyền thống đến 'Quốc phục'

Từ áo dài nam truyền thống đến 'Quốc phục'

Là hội viên thứ 3000 của nhóm Đình Làng Việt, tôi cũng được anh “Trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình động viên may bộ áo dài nam để vận (mặc) vào ngày Tết Việt, cuối năm Đinh Dậu (2017), được tổ chức tài đình làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, để nghênh đón xuân mới. Tôi hoan hỉ nhận lời.

Song song với câu chuyện ấy, chúng ta cũng đang ở trong thời điểm của “Tuần lễ áo dài” do Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Theo đó, từ ngày hôm qua, 2/3, cho tới dịp 8/3, chị em thuộc các cơ quan trực thuộc Hội trên cả nước – cũng như các cơ quan, đơn vị khác – được vận động và khuyến khích cùng mặc trang phục này.

Thực tế, những gì đang diễn ra không mới. Ít nhất, vào năm 2014, khi bảo tàng đầu tiên về áo dài Việt Nam (do nhà thiết kế Sĩ Hoàng xây dựng) được khánh thành ở TP.HCM, các chuyên gia tại địa phương này từng rất nhiệt tình trong việc vận động, đề xuất để xây dựng hồ sơ đề nghị đưa áo dài vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Một năm sau, ngành du lịch TP.HCM tiếp tục đề xuất lấy ngày 8/3 hàng năm làm “ngày áo dài” của thành phố, để phụ nữ cùng mặc áo dài. Và, dù chưa thành hiện thực, ý tưởng này tiếp tục được nhắc đến tại một số địa phương khác.

Để rồi, trong quãng thời gian từ đó tới nay, ở mỗi sự kiện (và cả sự cố) liên quan tới áo dài, cộng đồng lại nhắc tới một nhu cầu khẩn thiết: Tà áo vốn được coi là đặc trưng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam cần sớm được vinh danh.

Chú thích ảnh
Áo dài nam

Gần nhất, vào cuối năm 2019, đó là những phản ứng gay gắt của dư luận, trước bức ảnh Kacey Musgraves - một nữ ca sĩ người Mỹ - sử dụng trang phục này, nhưng không mặc quần ống rộng (như thường thấy) mà thay bằng phần... nội y rất ngắn.

Đó là chưa kể khá nhiều những ý tưởng “cải tiến” hay những “biến thể” áo dài xuất hiện, thậm chí trở thành trào lưu như “áo dài với váy đụp”, gây tranh cãi trong công chúng.

Như phân tích của một chuyên gia, thực tiễn đời sống cho thấy: Đã đến lúc, tà áo dài cần được chính danh là một biểu trưng của Việt Nam bằng các văn bản pháp quy về văn hóa. Bởi, ngoài ý nghĩa tôn vinh, đó còn là cơ sở để chúng ta giải quyết những câu chuyện về mặt thương hiệu, đồng thời hạn chế những sự cố do thiếu hiểu biết khi dùng loại trang phục này - như trường hợp của Kacey.

***

Có nhiều lý do liên quan tới việc áo dài hiện vẫn chưa được tôn vinh chính thức, dưới góc độ một di sản văn hóa của người Việt. Trong đó, phải kể tới những vấn đề của khâu nghiên cứu, phân tích và định vị được hệ giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ... đi kèm với nó. Bởi, ai cũng biết, tự thân một chiếc áo dài không thể mang đủ ý nghĩa nếu chỉ nhìn đơn thuần như một bộ trang phục nữ và tách rời những nội hàm này.

Đó cũng là lý do để như lời các chuyên gia, nếu triển khai xây dựng, hồ sơ gửi lên UNESCO sẽ phải được thực hiện rất công phu để có được sức thuyết phục về những giá trị - cũng như sự sáng tạo - gắn với cộng đồng người Việt trong lịch sử.

Nhưng, đó là câu chuyện của tương lai. Còn trước mắt, áo dài rõ ràng cần được “nối dài” hệ giá trị của nó trong đời sống hàng ngày. Bởi, chắc chắn, một di sản văn hóa chỉ có thể được bảo tồn, tiếp nối và phát huy giá trị của nó trong đời sống thật. Nói cách khác, áo dài nên “xuất hiện” nhiều hơn trong đời sống.

Trở lại câu chuyện đề xuất “ngày áo dài” tại TP.HCM vài năm trước. Ở thời điểm ấy, bên cạnh sự đồng thuận về ý tưởng này, cũng có những băn khoăn rất thực tế quanh tính khả thi của nó. Bởi, dù là loại trang phục truyền thống và thường xuất hiện trong những sự kiện trang trọng nhất của một đời người, tà áo dài nữ lại có chút bất tiện - so với những bộ trang phục khác - trong nhịp sống hàng ngày, đặc biệt là ở một số ngành nghề nhất định. Thậm chí, đã có những đề xuất rằng “ngày áo dài” là cần thiết, nhưng nên được đặt vào một ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, để người dùng có thể thoải mái, tự tin hơn.

Như thế, câu chuyện rõ ràng nằm ở lựa chọn của cộng đồng: Muốn giữ một di sản văn hóa như áo dài, bạn phải chịu khó mặc. Và, mặc không chỉ để đẹp, mà còn bởi trách nhiệm của chính mình để bảo tồn loại trang phục này.

Trong khi chờ áo dài được ghi danh ở cấp quốc gia hay quốc tế, chúng ta hãy tự gìn giữ và bảo tồn nó theo cách ấy.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm