Góc nhìn 365: Kỳ nghỉ không trọn vẹn

04/05/2021 06:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta vừa đi hết chuỗi 4 ngày nghỉ của dịp 30/4, 1/5. Nhiều năm qua, kỳ nghỉ thường niên ấy vẫn được trông đợi như thời điểm để mỗi người “xả hơi” sau 1/3 quãng thời gian của năm, đồng thời chuẩn bị cho những kế hoạch mới cho thời gian còn lại.

Góc nhìn 365: 3 tuần sống chậm

Góc nhìn 365: 3 tuần sống chậm

Chúng ta vừa đi hết một chuỗi ngày đặc biệt của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Chuỗi ngày ấy kéo dài đúng 3 tuần, kể từ khi việc cách ly xã hội được thực thi, cho tới thời điểm cả nước cơ bản nới lỏng cách ly xã hội vào cuối ngày hôm qua 22/4.

Nhưng, kỳ nghỉ lễ năm nay là một câu chuyện khác. Nó diễn ra gần như trùng khớp với thời điểm dịch Covid -19 lây nhiễm trở lại trong cộng đồng. Cụ thể, sau hơn một tháng yên lành, trong 4 ngày nghỉ, chúng ta lại phát hiện hàng chục ca nhiễm mới trong cộng đồng ở những địa phương khác nhau.

Có lẽ, phải đến chiều qua 3/5, khi một số địa phương yêu cầu tạm dừng các sự kiện vui chơi giải trí, các dịch vụ không thiết yếu và cho học sinh tạm dừng tới trường, nhiều người mới ý thức rõ về sự “chuyển trạng thái” đã bùng lên trong kỳ nghỉ lễ.

Sự thực thì từ nhiều ngày trước, chúng ta đã nhìn thấy nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở đợt nghỉ dài ngày này - khi mà làn sóng dịch bệnh đang dâng cao tại các nước láng giếng của Việt Nam. Và, trước xu thế của những dòng người đổ tới những điểm vui chơi giải trí hay rời các đô thị lớn để về thăm quê, nhiều biện pháp cảnh báo, cũng như phòng ngừa cũng đã được tiến hành.

Chú thích ảnh
Người dân quay trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Nguồn: TTXVN

Để rồi, rất đáng buồn, nỗi lo ấy phần nào đã thành sự thật - khi mà sau một thời gian “hòa bình” với đại dịch, chúng ta lại phải quay về với một cuộc chiến dai dẳng và đầy phức tạp.

Thẳng thắn, hãy phần nào thông cảm với nhu cầu được vui chơi và nghỉ ngơi của những gia đình đã lên kế hoạch từ lâu cho dịp lễ này, cũng như tâm lý được trở về thăm nhà của những người xa quê. Nhưng, cũng nói thẳng, bên cạnh sự phức tạp của những dòng người di chuyển trong 4 ngày qua, thực tế cho thấy việc phòng, chống dịch ở một số địa phương đang thật sự “có vấn đề”.

Không phải ngẫu nhiên, mà lãnh đạo của 2 trung tâm y tế tại thành phố Yên Bái và huyện Lý Nhân (Hà Nam) - những địa phương là “tâm dịch” lần này - đang bị đình chỉ công tác để báo cáo, giải trình về quá trình thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Và cũng không phải ngẫu nhiên, trong cuộc họp về chống dịch vào ngày 2/5 vừa qua , Thủ tướng Chính phủ đã nhắc tới việc một số địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định về 5K, nhất là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, và yêu cầu các địa phương này chấn chỉnh, đồng thời xử lý trách nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ.

Bên cạnh sự lơi lỏng, thiếu trách nhiệm hay hội chứng “trên nóng dưới lạnh” đã nhiều lần được nhắc tới, chắc chắn những gì diễn ra cũng gắn liền với sự chủ quan và tâm lý “xả hơi” của không ít người sau những chuỗi ngày dài căng mình chống dịch.

Bây giờ, sau 1 kỳ nghỉ không trọn vẹn, muốn hay không, chúng ta lại phải học cách thích ứng với 1 trật tự mới được xác lập khi có dịch. Những yêu cầu về sự trung thực, chính xác và tận tình trong việc khai báo y tế đối với những dòng người đổ về thành phố mấy ngày qua chỉ là bước khởi đầu. Xa hơn thế, đó phải là những nỗ lực tự thân của chính chúng ta, trong việc thực hiện các biện pháp phòng dịch, cũng như làm quen với 1 vòng quay mới của cuộc chiến chống Covid-19.

Cuộc chiến ấy sẽ vô cùng dai dẳng - khi mà thực tế đã chứng minh: Covid-19 không phải trận bão ập tới tàn phá rồi lại ào qua, mà là sự giấu mặt âm ỉ và dai dẳng, để rồi có thể bùng lên và tạo ra thảm họa bất cứ khi nào.

Lan Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm