26/11/2020 06:44 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Ý tưởng xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh lần thứ hai cho Hoàng thành Thăng Long đang thu hút dư luận ở thời điểm quần thể này vừa kỉ niệm 10 năm ngày trở thành Di sản Thế giới.
Cụ thể, theo đề xuất gợi mở (của PGS Đặng Văn Bài – Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia), Hoàng thành Thăng Long là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của kinh thành Thăng Long. Thực tế, ngoài di sản nổi bật này, nhiều di tích của Thăng Long (rải rác qua nhiều thời kỳ) vẫn đang còn được giữ lại và bảo tồn như khu phố cổ, dấu tích các con sông cổ, hệ thống La Thành, hay cả Hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm...
... Từ đó, nếu tất cả được kết nối lại trong hồ sơ ( với hạt nhân trung tâm là Hoàng thành), phía Việt Nam có thể trình UNESCO xét công nhận một chuỗi di sản gắn với kinh đô Thăng Long cũ qua nhiều triều đại.
Và thực tế, việc đề nghị UNESCO “tái vinh danh” đối với một Di sản Thế giới là điều đã có tiền lệ - khi mà theo thời gian, những tiêu chí bổ sung cho di sản này được hoàn thiện và xác lập rõ ràng.
Điển hình, tại Việt Nam, sau lần vinh danh đầu tiên năm 2003, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng từng được lần thứ 2 công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2015, với 2 tiêu chí bổ sung về hệ sinh thái trên cạn và tính đa dạng sinh học. Đồng thời, phần diện tích của không gian di sản được mở rộng lần thứ 2 của di sản này cũng tăng lên khoảng 150% so với lần đầu tiên.
Xa hơn, sau lần công nhận là Di sản Thế giới năm 1994, vịnh Hạ Long cũng từng được UNESCO công nhân lần thứ 2 vào năm 2000, với tiêu chí bổ sung về giá trị địa chất, địa mạo của di sản.
Như thế, việc một di sản được UNESCO tái vinh danh không chỉ là sự khẳng định và làm phong phú thêm hệ giá trị đi kèm nó. Ở một góc độ khác, nếu thành công, việc “bổ sung” thêm phần diện tích được công nhận cho danh hiệu này cũng là điều hấp dẫn với bất cứ đô thị nào.
Đáng nói, theo một số chuyên gia, từ năm 2008, ý tưởng “kết nối” các điểm di sản của Thăng Long cũ để lập hồ sơ trình lên UNESCO từng được đặt ra. Khi đó, bên cạnh Hoàng thành, một số di tích khác như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ô Quan Chưởng, Thăng Long tứ trấn ( 4 ngôi đền Voi Phục, Kim Liên, Quan Thánh, Bạch Mã…) cũng được nhắc đến trong kế hoạch này. Tuy nhiên, với sự tư vấn của các chuyên gia Nhật Bản, hồ sơ cuối cùng đã chỉ chọn Hoàng thành làm chủ thể chính để xây dựng và thành công vào năm 2010.
Rồi, cũng trong một thập niên qua, khi khai quật một số di tích có liên quan mật thiết tới hệ kiến trúc của thành Thăng Long xưa như Đàn Xã Tắc hay hệ thống La Thành dọc đường Hoàng Hoa Thám, nhiều ý kiến cũng nhắc tới việc chúng sẽ là sự bổ sung và kết nối lý tưởng cho Hoàng thành trong tương lai ở nhiều khía cạnh.
Dù vậy, cũng cần nói thêm, bản thân các di tích này cũng đang còn trong tình trạng chưa được nghiên cứu hoặc khai quật tổng thể, do những hạn chế còn đang tồn tại. Tương tự, nhiều di tích khác, mà điển hình là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cũng đang trong giai đoạn lập đề án bảo tồn để có thể phát huy giá trị của mình. Nói cách khác, để có thể lựa chọn và “nâng tầm” các di tích có liên quan với Hoàng thành Thăng Long, đó sẽ là lộ trình đòi hỏi rất nhiều công sức để nghiên cứu và lựa chọn theo các tiêu chí của UNESCO
“Ý kiến của PGS Đặng Văn Bài là khá thú vị. Tuy nhiên, để triển khai, chúng ta vẫn rất cần sự trọng để nghiên cứu, lựa chọn và lấy ý kiến tham gia” - PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ Việt Nam, chia sẻ.
Như thế, chúng ta hãy cứ hi vọng về một tương lai tích cực với câu chuyện “tái vinh danh” của Hoàng thành. Nhưng cũng đừng quên, ở thời điểm hiện tại, Di sản này cũng còn khá nhiều điểm cần hoàn thiện để có thể trở thành một điểm đến đích thực của văn hóa Hà Nội. Đó không chỉ là câu chuyện của du lịch hay kinh tế, mà còn là điều vốn có trong Luật Di sản và các công ước quốc tế về di sản mà Việt Nam tham gia, về việc phát huy và quảng bá giá trị của một Di sản Thế giới tới cộng đồng.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất