Đến Hà Nội vì… đây là Hà Nội

27/02/2019 07:20 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Khi hai nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn gặp nhau ở Hà Nội, và bàn về một vấn đề có tác động đến hoà bình thế giới, thì đương nhiên cái tên Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng ở mọi ngóc ngách trên địa cầu.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Hà Nội trong mắt phóng viên nước ngoài

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Hà Nội trong mắt phóng viên nước ngoài

Gần 3.000 phóng viên quốc tế đến Hà Nội để tác nghiệp về cuộc gặp Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên. Rất nhiều trong số họ đây là lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam.

Cũng đương nhiên, báo chí thế giới đã đến đây để phản ánh về nội dung của cuộc gặp thượng đỉnh, mô tả những gì sẽ diễn ra hoặc không diễn ra quanh bàn tròn, cũng như tác động của chúng với thế giới ra sao.

Và có một điều không thể bỏ qua: trong những ngày này, Hà Nội sẽ là tâm điểm của một câu chuyện hệ trọng trên thế giới.

Liệu có cách nào để đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá “Thành phố vì hoà bình”, nơi đang diễn ra một cuộc gặp có thể thay đổi lịch sử thế giới?

Chú thích ảnh
Du khách vãn cảnh trong không gian thoáng đãng, thanh bình của thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Đấy là điều mà Hà Nội rất muốn được thế giới nhớ đến. Chúng ta đang nỗ lực hết sức để nâng cao hình ảnh và uy tín của một nơi vừa an toàn, vừa chuyên nghiệp trong tổ chức các hội nghị cấp toàn cầu. Đồng thời, qua sự kiện này, cái đích mà nhiều người nhắc tới là việc để lại ấn tượng về một thành phố hòa bình, thân thiện và xứng đáng là điểm đến của đông đảo khách du lịch.

Thẳng thắn, không dễ để các nhà báo nước ngoài - vốn rất bận rộn với lịch trình làm việc căng thẳng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên KimJong-un có thể thực hiện những chuyến du ngoạn miễn phí trên xe bus hai tầng ở Hà Nội, lang thang phố cổ Hà Nội hoặc thăm thú các địa điểm du lịch nổi tiếng ở xung quanh như vịnh Hạ Long, danh thắng Tràng An…, rồi sau đó viết những bài ca ngợi về sự hiếu khách, dễ mến của Việt Nam chúng ta. Nhưng chính những ấn tượng của họ sau chuyến đi này, cùng với những cảm nhận từ các phóng viên và du khách đã tới trước đó, sẽ làm nền tảng cho một loạt các thông tin và bài viết sắp tới về Hà Nội, về Việt Nam.

Rất nhiều du khách đã chọn dịp này đến Hà Nội để được tham gia vào không khí nhộn nhịp, hồ hởi quanh Hội nghị thượng đỉnh. Khi Lee Parry, 36 tuổi, một sinh viên người Anh tại Trung Quốc, nghe nói nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Hà Nội, anh đã biết rằng anh muốn là một phần của sự kiện này và sớm đặt vé cho chuyến đi. Anh cho biết: "Sẽ hay hơn nhiều so với theo dõi sự kiện này trên Twitter hay Facebook" và không thể bỏ qua cơ hội để "chứng kiến tận mắt mọi chuyện" như thế này.

Có điều, để Hà Nội trở thành một điểm đến mới mẻ và hấp dẫn trong mắt các du khách thì một chiến dịch quảng bá thông qua Hội nghị thượng đỉnh này là chưa đủ.Sau này, du khách đến đây không phải chỉ vì Hà Nội đã từng là nơi hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đối thoại về vũ khí hạt nhân - và có thể sẽ trở thành một địa danh gắn liền với một cái mốc lớn đã tác động lên tiến trình lịch sử của một vài quốc gia, thậm chí là của nhân loại….Người ta sẽ đến Hà Nội vì đây là Hà Nội. Người ta đến Hà Nội vì văn hoá, vì ẩm thực, vì lịch sử, vì môi trường trong sạch và thân thân thiện. Và điều đó cần một chiến lược lâu dài và kiên định nhằm xây dựng hình ảnh của thành phố.

Hà Nội sẽ luôn là điểm đến tốt đẹp và gây hứng thú với thế giới, nếu sau giai đoạn cao trào Hội nghị thượng đỉnh này, rất nhiều điều quan trọng sẽ được duy trì. Chẳng hạn khu trung tâm phải ngày càng phong quang, sạch sẽ, tình trạng bắt chẹt khách bị trừng trị thẳng tay, các dịch vụ du lịch được nâng cấp và quản lý một cách bài bản. Sự kiện hôm nay là sự tiếp nối của một hành trình xây dựng Hà Nội thành một thương hiệu xanh, sạch, thân thiện và bền vững. Và chiến lược ấy phải có được sự đồng thuận, ủng hộ và hợp tác một cách thân thiện, tự giác từ chính những người dân và doanh nghiệp.

Khách du lịch đến Hà Nội trong những năm nay đã đông hơn. Cái tên Hà Nội và nhiều nơi khác trên cả nước được nhắc đến nhiều hơn trên báo chí thế giới, trên các tạp chí du lịch uy tín, các trang web lữ hành. Nhưng như thế là chưa đủ, bởi dòng du khách đổ sang Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm qua là hệ quả một cách logic của việc người ta khao khát tìm kiếm những môi trường du lịch mới, còn nguyên sơ và giá rẻ, chứ không hoàn toàn nhờ vào sức hút của chính sách phát triển du lịch.

Mong lắm, sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, người ta sẽ đổ đến đây nhiều hơn, vì những lý do rất du lịch!

Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm