Chuyện nước Mỹ: Scandal Edward Snowden

02/07/2013 09:19 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa anh chị,

Tôi thường viết thư kể về những thứ rất tốt đẹp ở Mỹ. Nhiều khi tự hỏi là có phải mình quá khen? Thật ra, đó là hầu hết những thứ tự tôi trải nghiệm được.

Cũng có một nước Mỹ với những mặt trái, như ở Washington D.C này hiếm khi thấy người da trắng sống ở khu của người da màu, và việc trai gái khác màu da yêu nhau hiếm hơn cả việc nhìn thấy hươu nai bước lạc vào phố (thường xuyên).

Những chuyện ấy tôi sẽ kể vào một dịp khác. Còn thư này, tôi kể những sự trải nghiệm liên quan tới scandal mang tên Edward Snowden, người đã tiết lộ bí mật chết người là Mỹ lâu nay vẫn tiến hành nghe lén người nước ngoài ở Mỹ và thực hiện các cuộc tấn công mạng ra nước ngoài để đánh cắp dữ liệu thông tin, để cùng hình dung xem ở Mỹ có tự do thực sự hay không?

Những tiết lộ của Snowden là cơ hội hiếm hoi và cực kỳ quý báu để những ai đó tin người Mỹ chỉ là những kẻ đạo đức giả, đã lu loa mấy năm nay rằng họ là nạn nhân của nạn ăn cắp bản quyền và tội phạm tin học của các hacker độc lập và cả Nhà nước Trung Quốc.

Và đó là bằng chứng không thể chối cãi rằng luật pháp và khái niệm quyền tự do ở Mỹ cũng chỉ là tương đối, khi quyền riêng tư cá nhân được quy định hẳn bằng Tu chính án thứ Tư, nhưng việc nghe lén này do Chính phủ thực hiện và đã được cả Thượng viện lẫn Hạ viện thông qua lại nằm trong Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) ra đời sau vụ 11/9 và được gia hạn thêm bốn năm nữa kể từ 2011.

Đòn này là sự tiếp nối với việc người Mỹ mới đây nhận ra rằng chẳng có gì họ làm đằng sau bức tường rào hay tận bên trong ngôi nhà của mình là kín đáo tuyệt đối cả, bởi Chính phủ đã và sẽ còn sử dụng nhiều máy bay không người lái ngay trên lãnh thổ nước Mỹ để phục vụ cho công tác an ninh.

Hay như vụ thủ phạm đánh bom ở Boston bị nhận dạng qua camera gắn ở bên đường cho thấy ở nước Mỹ, camera ghi hình (của tư nhân và Chính phủ) treo ở khắp nơi.

Nhưng, người Mỹ cho tới hôm nay không phải ai cũng ủng hộ Snowden, dù anh là một người Mỹ chính cống (chứ không như Julian Assange của vụ Wikileaks).

Người Mỹ chấp nhận sự phiền hà và quyền riêng tư của họ bị xâm phạm để đổi lấy an ninh cho nước Mỹ và cho chính tính mạng của họ. 13 năm sau vụ khủng bố 11/9, người Mỹ vẫn vui vẻ cởi cả giày lẫn thắt lưng mỗi khi làm thủ tục ở sân bay.

Theo cuộc điều tra của tờ Nước Mỹ hôm nay (USA Today), trong khi 2/3 (khoảng 63%) người Mỹ cho rằng việc nghe lén là sự xâm phạm quyền riêng tư, thì 54% cho rằng Snowden cần bị truy tố và 53% cho rằng nghe lén có ý nghĩa đối với chiến dịch phòng chống khủng bố, đảm bảo an ninh.

Đó là còn chưa nói tới việc Snowden bị chỉ trích bán rẻ nước Mỹ, đã tung thông tin nhạy cảm ấy ngay trước thềm cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khiến cho ông Obama khó ăn nói về chuyện an ninh mạng.

Vụ Snowden cuối cùng lại là cơ hội để nước Mỹ kiểm chứng “lòng yêu nước” của người dân Mỹ. Và câu trả lời ở đây có vẻ không tệ.

Chúc anh chị sức khỏe, hẹn gặp thư sau!

Phạm Tấn (WASHINGTON D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm