Chữ và nghĩa: Chuyện chửi, xưa và nay

28/04/2021 06:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Chửi”, từ xưa đến nay vẫn là... chửi. Đó là hiện tượng "thốt ra những lời thô tục, cay độc để xúc phạm, làm nhục người khác" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Chữ và nghĩa: 'Be bé' và 'tre trẻ'

Chữ và nghĩa: 'Be bé' và 'tre trẻ'

Hẳn là nhiều người chúng ta còn nhớ mấy câu thơ này trong bài thơ “Đi học” của Hoàng Minh Chính (đã in trong tập Hương cốm, NXB Kim Đồng, 1975 và đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt, lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002)...

Rõ ràng, chửi là một hành động ngôn từ không bình thường. Mọi nhà ngôn ngữ đều xếp chửi vào nhóm những ngôn từ "phản chuẩn", "kém văn hóa".

Nhưng thử hỏi, có ai trên đời này lại không bao giờ thốt ra lời chửi rủa? Nguyễn Thị Tuyết Ngân, trong bài Đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa trong các lối chửi của người Việt"(Việt Nam: Những vấn đề Ngôn ngữ và Văn hóa, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, 1993) có nói: "Chửi là hiện tượng mà, có lẽ, dân tộc nào cũng có và có từ rất lâu đời. Trong một số loại hình văn hóa dân gian (truyện cổ tích, thành ngữ) đã thấy có những yếu tố của hiện tượng này".

Trần Thị Hoàng Yến (trong luận án tiến sĩ với đề tài “Đặc điểm cấu trúc, ngữ nghĩa của hành động chửi qua lời thoại nhân vật trong truyện ngắn Việt Nam”, bảo vệ tại Trường Đại học Vinh, 2014) cũng cho rằng: "Trên thực tế, hành động chửi vẫn tồn tại và phát triển trong lời nói ở những giai tầng xã hội khác nhau, cả những người có trình độ văn hóa thấp đến những người có trình độ văn hóa cao, cả nam lẫn nữ, cả người cao tuổi lẫn người ít tuổi".

Chú thích ảnh

Theo Nguyễn Thị Tuyết Ngân (1993) "Chửi là một hiện tượng văn hóa ngôn từ phản chuẩn, bày tỏ một cách chủ động phản ứng bất bình nhằm làm giảm căng thẳng tinh thần của người chửi và hạ uy tín người bị chửi".

Như vậy, chửi xuất phát từ một nhu cầu tự thân của người chửi. Ai đó cảm thấy bất bình trước hiện thực, nhất là khi quá bức xúc khi chính mình bị xúc phạm hay bị tổn thương mất mát về vật chất (mất gà, mất chó, mất của... chẳng hạn) thì sẽ tìm cách "xả cơn giận" bằng việc chửi. Tất nhiên, không phải cứ "quá bức xúc, quá bực bội" đều thốt ra câu chửi. Và cũng không phải mọi lời chửi đều giống nhau.

Tiếng Việt có khá nhiều từ ngữ phản ánh sự đa dạng, phong phú và sinh động của hành động chửi: Chửi bới, chửi bới móc, chửi dọa, chửi đổng, chửi mắng, chửi rủa, chửi thề, chửi trách. Nhưng chửi gì thì chửi, mục đích của người chửi là dùng lời lẽ thô tục để làm nhục, làm mất thể diện người khác. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột vì người bị chửi có thể phản ứng lại. Cũng có thể họ chửi lại. Cũng có thể sẽ xảy ra bạo lực (đánh nhau, thậm chí dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, như gây thương tích, chết người).

Người chửi thường dùng những lời lẽ xấu xa, cay độc nhất để miệt thị làm mất mặt đối tượng. Ngôn từ đưa ra, theo Nguyễn Thị Tuyết Ngân, chia thành 4 nhóm lớn:

1) Những từ thuần Việt chỉ các bộ phận sinh dục nam và nữ (riêng những từ Hán Việt tương ứng không có chức năng này);

2) Những từ chỉ tên những súc vật có đặc tính xấu: chó, lợn, bò, khỉ (khỉ đột, tiều/tườu, nỡm, bú dù), dê (dê cụ), rắn, rết, giòi bọ...;

3) Những từ chỉ một thứ "giả người", chưa đủ tiêu chuẩn người: Bất nhân, giả nhân giả nghĩa, ngợm, mãnh, ranh, ma, quái, quỷ, yêu tinh...;

4) Những từ chỉ người với sắc thái đánh giá âm tính, vi phạm chuẩn mực xã hội (a. về nghề nghiệp: Mỏ, cu li, ba gác, xích lô...; b. về sinh lý: Chột, què, gù, tuyệt tự,...; c. về trí tuệ: Ngu, ngốc, dốt, điên, khùng, hâm...; d. về tín ngưỡng: Vô đạo, phản chúa...; e. về đạo lí: Đểu cáng, độc ác, ác ôn...; g. về pháp luật: Phản động, lừa đảo, ăn cắp...).

Ngoài ra, "trong tiếng Việt còn có nhóm từ chửi đặc biệt, đó là lớp các tên riêng liên quan đến tục chửi "tên cái": Tên bố mẹ, ông bà, v.v… (cho đến các từ thay thế như tam đại, tứ đại)". Tức là tất cả những gì có thể làm ảnh hưởng tới tư cách và nhân cách với người bị chửi, với mục đích hạ uy tín "ngay và luôn", tới mức cao nhất với người bị chửi.

Như vậy, qua từ ngữ chửi, cách chửi, lối chửi, người ta đã cố tình vi phạm các quy cách chuẩn mực trong giao tiếp thường gặp, bỏ qua mọi yếu tố nghi thức lịch sự tối thiểu. Bình thường là "xưng khiêm hô tôn" (xưng khiêm nhường, gọi tôn kính) nhưng khi "xắn quần, tốc váy" lên để chửi thì sẽ là "xưng tôn hô khiêm" (xưng thì tự đề cao mình, nhưng gọi lại hạ thấp người khác). Họ sẵn sàng xưng là tao, bố mày, ông nội mày... và gọi đối tượng bằng những cái tên thấp hèn như mày, đồ chó, thằng ngu, thằng mặt mẹt, thằng mặt l. (và sau đó, có thể sẽ cho "cái quân khốn nạn" đó ăn đủ mọi thứ cặn bã trên đời này).

Đó là lối chửi đời thường. Trong văn học, người ta cũng đưa hành vi chửi vào các văn bản mang tính nghệ thuật (Nguyễn Khuyến từng viết: Khốn nạn thân ông/ Đéo mẹ cha nó; Tố Hữu cũng viết: Mả bố nhà nó/ Nịnh Tây hết thời...). Tuy nhiên, trong thơ văn nói chung, người ta sử dụng một cách hạn chế và mức độ cũng nhẹ hơn nhiều.

PGS - TS Phạm Văn Tình

(Viết nhân cuộc tranh luận quanh bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm