Chào tuần mới: Dịch Covid-19 và tấm 'hộ chiếu' của tương lai

05/04/2021 07:41 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta sắp có hộ chiếu vaccine chưa? Đấy có lẽ sẽ là 1 trong những câu hỏi mà người ta đặt ra nhiều nhất trong những tháng tới, thậm chí những năm tới, khi ai đó chuẩn bị bay ra nước ngoài.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3: Triển khai 'hộ chiếu vaccine' cần làm từng bước

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3: Triển khai 'hộ chiếu vaccine' cần làm từng bước

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021 diễn ra chiều 31/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ vẫn đang nghiên cứu và lên kịch bản sử dụng "hộ chiếu vaccine" trong tương lai.

Câu trả lời không dễ có, và cả việc đến bao giờ đại trà dân số thế giới mới được tiêm vaccine phòng Covid-19 và sử dụng hộ chiếu vaccine như thế nào cũng là những điều chưa ai biết được.

Tại Việt Nam, theo thông tin mới nhất, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ đang chuẩn bị kế hoạch, kịch bản cho việc sử dụng hộ chiếu vaccine trong thời gian tới. Các kịch bản này sẽ phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ…

Trên bình diện thế giới, câu chuyện về tấm hộ chiếu vaccine - một xác nhận điện tử khẳng định người cầm hộ chiếu ấy đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng chống Covid-19 - đang trở nên ngày càng nóng trong những tháng qua. Đấy là sự khắc khoải đợi chờ một ngày nào đó lại xách valy bay ra với thế giới. Đấy là sự chờ đợi chính đất nước mình mở cửa trở lại với các đường bay thương mại đưa du khách đến với mình.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Trên thực tế, hộ chiếu vaccine, dù ở các dạng hoặc tên gọi khác nhau, đang được coi là một trong những công cụ phù hợp nhất lúc này để phá băng các rào cản mà vì dịch giã, các quốc gia đã hạn chế tự do đi lại, hạn chế các đường bay thương mại và thực hiện cách ly bắt buộc đối với người nước ngoài nhập cảnh và công dân nước họ từ nước ngoài trở về.

Có một cuộc chạy đua với thời gian từ các quốc gia giàu và các tổ chức quốc tế để tạo ra các chuẩn đáng tin cậy có thể chấp nhận được để mở lại thị trường du lịch và cho phép đi lại tự do ngay vào mùa Hè này, 1 năm sau khi đại dịch Covid-19 khiến thế giới phải chịu thiệt hại khổng lồ.

Cho đến nay, vẫn chưa có chuẩn nào được đưa ra và công nhận, nhưng rất nhiều quốc gia, nhất là những nước mà du lịch chiếm tỷ trọng cao trong GDP, đang nỗ lực thực hiện điều này.

Nhưng cũng có không ít những cuộc tranh cãi đã nổ ra liên quan đến hộ chiếu vaccine. Hội đồng đạo đức Đức, một tổ chức độc lập có uy tín của Đức, cho rằng hộ chiếu vaccine tạo ra sự phân biệt đối xử giữa những người đã được tiêm vaccine, nhất là ở các nước giàu, và những người chưa được tiêm, ở những nước nghèo hơn. Chính Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng tỏ ra hoài nghi hiệu quả của vaccine đối với việc làm giảm lây lan của virus.

Một số ý kiến cho rằng, ngay cả khi đã được tiêm vaccine, người ta vẫn có thể lây lan virus và do đó, hộ chiếu vaccine chỉ cung cấp một cảm giác an toàn giả tạo. Cho đến đầu tháng 4, mới chỉ chừng 300 triệu người trong tổng số gần 8 tỷ người trên thế giới được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Nhưng bất chấp những ý kiến trái chiều ấy, hộ chiếu vaccine vẫn được coi là cần thiết trong thời gian trước mắt để khởi động lại các nền kinh tế và tự do đi lại.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cũng đang nghiên cứu và lên kịch bản để sử dụng hộ chiếu vaccine trong tương lai. Và mục tiêu của những kịch bản ấy không gì khác chính là để mở cửa chúng ta với thế giới bằng các đường bay thương mại, cho phép du khách trở lại và dần dần phục hồi ngành du lịch. Đương nhiên, việc này cần thận trọng và học tập các quốc gia áp dụng trước, nhưng cũng là để Việt Nam không chậm chân với thế giới một khi hộ chiếu vaccine được đưa vào cuộc sống.

Đương nhiên, tôi cũng rất khắc khoải và chờ đợi một ngày nào đó chính mình cũng sẽ sở hữu công cụ thần thánh ấy để đi ra thế giới mà không lo lắng gì nữa.

Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm