Duyên nợ bóng đá Thái Lan - Việt Nam

21/05/2014 16:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi bị Singapore, Việt Nam, rồi Malaysia qua mặt ở các kỳ SEA Games, cũng như AFF Cup, chừng 10 năm đổ về trước, bóng đá nam Thái Lan thống trị bóng đá vùng trũng Đông Nam Á suốt một thời gian dài. Nhưng với bóng đá nữ thì không, dù Thái Lan đã và đang có hẳn một giải vô địch bóng đá nữ quốc gia thuộc loại hàng đầu và có khả năng xuất khẩu cầu thủ (qua Nhật).

Với tiềm năng và sự đầu tư có chiều sâu dành cho bóng đá nữ, Thái Lan đủ sức để thách thức phần còn lại, bao gồm cả Việt Nam, nhà vô địch tuyệt đối cấp khu vực Đông Nam Á. Và thực tế là, Thái Lan đã vừa hạ bệ chúng ta ở SEA Games 27, qua đó, giành lại HCV sau chừng nửa thập niên thất lạc.

Mới chỉ khôn nhà

Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á (AFF Cup) bắt đầu được tổ chức từ năm 2004, với Việt Nam là nước đầu tiên đứng ra đăng cai (bằng 2 ĐT A và B). Nhưng phải đợi đến 2 năm sau, ở lần thứ 2 liên tiếp trong vai trò chủ nhà, các cô gái vàng Việt Nam mới hạ bệ được ĐT nữ Myanmar (nhà vô địch lần đầu tiên), để chứng tỏ được sự thống trị tuyệt đối ở sân chơi khu vực Đông Nam Á, khi trước đó, ĐT nữ Việt Nam đã 3 lần liên tiếp giành HCV SEA Games (2001, 2003, 2005).

Năm 2008, AFF Cup đánh dấu sự xuất hiện của một ĐT rất mạnh là Australia, khi LĐBĐ nước này vừa chính thức gia nhập AFC 2 năm trước đó. Tất nhiên, ĐT Australia không gặp bất cứ trở ngại nào trên hành trình đăng quang tại giải đấu lần thứ 3 được tổ chức ở Việt Nam, sau khi nhẹ nhàng hạ đội chủ nhà với cách biệt tối thiểu ở chung kết. Australia bảo vệ thành công chức vô địch một năm sau đó, trước khi nói lời tạm biệt.

Tổng cộng cho đến thời điểm này, ĐT nữ Việt Nam đã giành 2/7 chức vô địch AFF Cup (bằng với Myanmar) và cả 2 lần đó, giải đấu đều được tổ chức trên sân nhà. Không kể 2 năm thống trị của ĐT Australia, các cô gái vàng Việt Nam đã từng hơn một lần thất bại trong các cuộc đụng độ với Myanmar và Thái Lan. Năm 2011, khi giải đấu được tổ chức trên đất Lào, lần thứ 2 trong lịch sử, chúng ta phải nhường lại trận chung kết cho 2 đối thủ chính vừa nhắc.

Dài dòng như thế để thấy rằng, bóng đá nữ Việt Nam chỉ thực sự nắm lợi thế một cách tương đối rõ ràng, ít nhất là so với Thái Lan hay Myanmar, khi các trận đấu hay giải đấu diễn ra trên sân nhà. Thật đúng lúc, khi thầy trò HLV Trần Vân Phát sẽ lại có lợi thế này, cho trận “play-off” với Thái Lan, giành vé đến World Cup 2015 vào chiều nay.

Chuyện riêng của “2 bà chị”

Bóng đá Miến Điện (cũ) nói chung và bóng đá nữ Myanmar nói riêng có một truyền thống đáng tự hào. Nhưng ở giai đoạn từ sau năm 1995 đến nay, họ đã không còn được xem như một thế lực nữa, trước sự trỗi dậy của Việt Nam và Thái Lan (ở bộ môn bóng đá nữ), thêm Singapore, Malaysia (bóng đá nam). Sau các thất bại ở chung kết AFF Cup 2011, 2012 và SEA Games 2013 trên sân nhà, bóng đá nữ Myanmar chính thức bị bỏ lại phía sau Thái Lan và Việt Nam.

Mới đây, ĐT nữ Myanmar đã không thể giành chiến thắng trong trận đấu giành vé dự “play-off” với đối thủ trực tiếp Thái Lan trong khuôn khổ vòng bảng giải bóng đá nữ vô địch châu Á 2014. Nói bóng bẩy, thì câu chuyện lúc này là cuộc chiến sòng phẳng của “2 bà chị” Việt Nam và Thái Lan. Và như đã nhắc ở trên, dù bóng đá nữ Thái Lan đang trở lại và thách thức tất cả, thì Thái Lan vẫn không thể nắm bất cứ lợi thế nào so với chủ nhà Việt Nam, trừ phi họ gặp may.

Câu chuyện với bóng đá nữ Thái Lan và Việt Nam có vẻ ngược đời, khi đối chiếu qua bóng đá nam. Năm 2008, ít nhất một lần chúng ta đã đánh bại được Thái Lan. Thái Lan đã không còn là anh cả của bóng đá khu vực nữa, sau những thất bại như thế và giấc mộng bơi ra đấu trường châu lục thực sự phá sản, dù họ đã đầu tư nhiều dự án ở tầm vĩ mô, hao tiền, tốn của.

Nhưng vẫn phải nhắc lại, rằng bóng đá nữ Thái Lan đang rất sẵn sàng cho một cuộc lật đổ trước Việt Nam. Sau lần bị Australia hạ nhục với tỷ số 0-8 trong trận chung kết AFF Cup 2009, Thái Lan đã quyết định đầu tư nghiêm túc và kể từ đó cho đến nay, mới chỉ một lần họ để thua chúng ta (chung kết SEA Games 2009). Đây là chi tiết rất đáng lưu tâm. 

AFC “toát mồ hôi hột” với sân Bình Dương

2 trận đấu cuối cùng của 2 bảng A và B theo kế hoạch diễn ra ở SVĐ Bình Dương. Về điều kiện sân bãi, SVĐ Bình Dương đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhưng trước khi các trận đấu diễn ra, vấn đề an ninh nhạy cảm khiến BTC rất lo ngại. Thậm chí để đề phòng, BTC sân Bình Dương đã hủy trận đấu giữa B.Bình Dương với SLNA ở vòng 1/8 Cúp QG để đề phòng bất trắc. Trận đấu đó, B.Bình Dương chấp nhận đến sân Vinh thi đấu. Còn ở VCK Asian Cup nữ 2014, AFC cũng không thể tìm SVĐ khác thay thế. Do đó, 2 trận đấu cuối cùng cũng phải diễn ra. May mắn với BTC là khâu an ninh đã được làm kỹ lưỡng và cuối cùng, 2 trận đấu cũng kết thúc an toàn. Sau khi vòng bảng khép lại tối 19/5, đại diện BTC AFC là Moya Dodd đã trực tiếp gửi lời cảm ơn và trao kỷ niệm chương cho CTCP thể thao-bóng đá Bình Dương.

Phe vé “ế”

Trước thời cơ lịch sử của bóng đá Việt Nam, dân phe vé đã chuẩn bị không ít vé để phục vụ nhu cầu của các CĐV. Nhưng chiều qua, cảnh tượng người đến SVĐ Thống Nhất mua vé rất đìu hiu, khi lác đác chỉ có vài người hỏi thăm, dù giá vé vào cổng chỉ 50.000 đồng. Dân phe vé ế ẩm đến nỗi nhiều người phải dựng chân chống xe và nằm lên để… đỡ mỏi.


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm