Điểm nhấn U22 Việt Nam 2-1 U22 Malaysia: Điểm sáng Văn Tùng, nỗi lo phòng ngự

08/05/2023 20:56 GMT+7 | SEA Games 32

U22 Việt Nam đã chính thức giành quyền vào bán kết bóng đá nam SEA Games 32 sau chiến thắng trước Malaysia trong ngày Văn Tùng toả sáng nhưng đội bóng vẫn bộc lộ vấn đề.

Văn Tùng săn bàn như Tiến Linh

Sau khi phá lưới U22 Lào và U22 Singapore, Văn Tùng tiếp tục toả sáng với cú đúp bàn thắng giúp U22 Việt Nam hạ U22 Malaysia 2-1, qua đó giành vé vào bán kết môn bóng đá nam SEA Games 32.

Chiều cao tốt (1,80m), những bước chạy mạnh mẽ, chạm bóng nhạy cảm và chọn vị trí hợp lí là những điểm mạnh đặc trưng của chân sút sinh năm 2001 đang khoác áo CLB Hà Nội này.

Chỉ sau 3 trận vòng bảng bóng đá nam SEA Games năm nay, Văn Tùng đã có 4 bàn thắng bằng cách bóng chết lẫn bóng sống, cả bằng đánh đầu (2 bàn) lẫn bằng chân (2 bàn).

Trung phong săn bàn số 1 của U22 Việt Nam từng tiết lộ mình thần tượng đàn anh Tiến Linh, người có khả năng dứt điểm khá toàn diện và vẫn là tay săn bàn số 1 của bóng đá Việt Nam thời điểm này.

Văn Tùng lập cú đúp giúp U22 Việt Nam hạ U22 Malaysia 2-1. Ảnh: Hoàng Linh

Văn Tùng lập cú đúp giúp U22 Việt Nam hạ U22 Malaysia 2-1. Ảnh: Hoàng Linh

Cú đúp vào lưới U22 Malaysia giúp Văn Tùng tiếp tục khẳng định tài săn bàn của mình. Thành tích của tiền đạo thuộc biên chế CLB Hà Nội càng đáng khen ngợi nếu biết rằng Văn Tùng không có nhiều thời gian tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 32.

Anh dính chấn thương và chưa đá được trận nào ở V-League mùa này. Và khác với SEA Games 31 khi U22 Việt Nam vẫn còn Tiến Linh lĩnh xướng hàng công, tại SEA Games này, chúng ta không còn được phép sử dụng cầu thủ quá tuổi. Văn Tùng phải gánh vác trọng trách nặng nề là "đầu tàu" trên hàng công U22 Việt Nam và anh đã hoàn thành xuất sắc vai trò ấy cho tới thời điểm này.

Nếu tiếp tục giữ vững phong độ hiện tại, Văn Tùng hứa hẹn còn tiến bộ hơn nữa và chúng ta còn nhiều cơ hội chứng kiến những bàn thắng của U22 Việt Nam "kí tên" Văn Tùng.

U22 Việt Nam chơi kiểu… Park Hang Seo nhưng vẫn bất ổn

Hãy quên lối chơi kiểm soát bóng mà ông Troussier nhiều lần nhấn mạnh như là chiến thuật ông muốn định hình cho U22 Việt Nam đi vì thực sự với chất lượng của lứa cầu thủ này thì cái gọi là chơi kiểu kiểm soát bóng chỉ là nói cho "sang mồm".

Thực tế, trong cuộc đối đầu với U22 Malaysia, U22 Việt Nam không có phút giây nào chơi được theo kiểu kiểm soát bóng như ông Troussier nhắc đến mà chính xác là chúng ta chơi kiểu… Park Hang Seo.

Ông Troussier cũng sử dụng sơ đồ 3-4-3 như sơ đồ lí tưởng mà ông Park từng định hình cho cả đội U23 lẫn ĐTQG Việt Nam. Trong phần lớn thời gian của trận đấu với Malaysia, U22 Việt Nam đá phòng ngự phản công. Nhưng chất lượng kỹ thuật hạn chế của các cầu thủ (nguyên nhân chủ yếu) và thời tiết xấu (trời mưa) khiến chúng ta phản công không nổi mà phòng ngự nhiều khi cũng sơ hở, lỏng lẻo.

Có thể bàn thua trước Malaysia gây tranh cãi vì có vẻ như cầu thủ Malaysia đưa bóng vào lưới U22 Việt Nam khi bóng đang trong tầm kiểm soát của Văn Chuẩn nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phòng ngự tốt.

Khung thành U22 Việt Nam nhiều lần đối mặt với nguy hiểm và nếu U22 Malaysia dứt điểm chính xác hơn hoặc may mắn hơn một chút thì chắc chắn họ đã ghi bàn khi cầu thủ chúng ta sơ hở, để lộ nhiều khoảng trống.

Không phải trận này U22 Việt Nam mới bộc lộ bất ổn trong phòng ngự. Ở các trận thắng Lào và Singapore, chúng ta cũng nhiều lần để đối thủ có cơ hội ghi bàn ngon ăn và may mắn không bị trừng phạt.

Điều đáng lo là ngay cả khi ông Troussier cho U22 Việt Nam chơi theo kiểu… Park Hang Seo (phòng ngự phản công) và trước một U22 Malaysia không có những cầu thủ thực sự đẳng cấp, chúng ta vẫn phòng ngự không thực sự an toàn.

Nếu xu hướng này không được cải thiện, U22 Việt Nam có thể phải trả giá khi gặp những đối thủ mạnh thực sự như U22 Indonesia hay U22 Thái Lan khi tiến sâu vào giải.

HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm