Đĩa nhạc ngoại “xịn” sẽ tràn vào VN? (Bài 2)

30/08/2008 11:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhân việc Phương Nam Phim đồng loạt phát hành ở tất cả các chi nhánh và các đại lý trên toàn quốc của công ty 30 chương trình âm nhạc được nhập đĩa gốc từ Singapore chúng ta hãy nhìn lại việc cung ứng đĩa ngoại "xịn" cho thị trường Việt Nam.

Một trong những nét mới của Dự thảo sửa đổi Quy chế “Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu hành, kinh doanh bản âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình ca nhạc, sân khấu” vừa được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) trình lãnh đạo Bộ VH-TT&DL phê duyệt là cho phép các đơn vị nước ngoài được thành lập theo Luật Đầu tư được phân phối sản phẩm băng, đĩa (tiếng) trên lãnh thổ VN”. Đồng thời “chặt chẽ” thêm quy định cho phép các đơn vị sản xuất băng, đĩa trong nước được phân phối các sản phẩm băng, đĩa của nước ngoài và công việc kiểm duyệt được phân cấp cho các địa phương có cửa khẩu. Tuy là mới… nhưng xem ra không mấy người mặn mà với quy định này.
 
Đĩa nhạc nhập từ Singapore của Phương Nam Phim

Có những ai mặn mà?

Nếu chỉ là ý tưởng, thì cách đây hàng chục năm đã có một vài đơn vị sản xuất, kinh doanh băng đĩa nhạc có ý định làm trung gian phân phối sản phẩm băng, đĩa nhạc của nước ngoài tại VN. Cũng có một vài đơn vị dự kiến làm “giầu” bằng việc mua bản quyền các tác phẩm nhạc nước ngoài để làm đĩa. Nhưng rồi các ý tưởng đều như quả pháo xịt ngòi khi đối diện với “cơn bão” đĩa lậu.

Ông Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long nói: “Nhu cầu của công chúng VN đối với các sản phẩm âm nhạc thế giới là rất lớn nhưng không phải ai cũng có điều kiện sở hữu những đĩa nhạc gốc với giá hàng chục USD/ đĩa, nhất là với những đĩa nhạc “hot” trong tuần đầu phát hành. Vì thế, cách đây hàng chục năm, chúng tôi đã có ý định mua bản quyền các tác phẩm của nước ngoài để làm đĩa với mong muốn “thoả cơn khát” của công chúng bằng một giá thật mềm. Vào cuộc mới thấy “đầu ra” kẹt. Cho dù là sản xuất trong nước nhưng với giá bản quyền cao thì số tiền đầu tư cho một album nhạc ngoại cũng ngốn cả tỉ đồng ( trong khi 1 album nhạc trong nước chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, thậm chí ít hơn). Đầu tư lớn, lại không có giải pháp để đấu với đĩa lậu, không được khuyến khích… nên chúng tôi đã bỏ cuộc"

Theo ông Sơn, bây giờ, nếu được “xới lại”, thì giải pháp có thể làm được là trao đổi sản phẩm với các đối tác nước ngoài, hoặc làm trung gian phân phối sản phẩm mà không phải chịu áp lực về lỗ lãi, thua thiệt. Bởi lẽ, nút của vấn đề vẫn là vẫn đề quản lý thị trường băng đĩa và có biện pháp mạnh đối với nạn băng, đĩa lậu. Không giải quyết được vấn đề này, tôi e có “mở cửa” cũng chẳng ai dám bước vô”.

Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Trịnh Sinh Nha, Giám đốc Hồ Gươm Audio cho biết: “Việc mở cửa cho phép băng đĩa nhạc vào VN theo đường chính ngạch là phù hợp với thông lệ quốc tế. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch trao đổi, bàn bạc với một số đối tác nước ngoài về việc này. Kẹt ở chỗ, giá thành loại sản phẩm này rất đắt và đôi khi chúng ta muốn nhưng chưa chắc các đối tác nước ngoài đã dám. Với hiện trạng băng đĩa lậu hiện nay thì đưa đĩa gốc vào là mất bản quyền ngay”.

Nhu cầu là có

Thông cảm với nỗi lo của của các nhà kinh doanh, nhưng nhạc sĩ Lương Nguyên với kinh nghiệm của một người từng gắn bó với 2 chương trình giới thiệu nhạc ngoại trên Đài tiếng nói VN, lại cho rằng việc kinh doanh các sản phẩm băng, đĩa nhạc (đĩa tiếng) chính gốc ở VN không phải là chuyện “trên trời”.
 
 Đĩa nhạc rao bán trên mạng
Ông nói: “Nhiều năm trước, khi tôi làm chương trình Top France ( tuyển chọn ca khúc Pháp) và Ryth Francophone (Nhịp điệu Pháp ngữ) trên sóng của VOV, Đại sứ quán Pháp tại VN đã hỏi chúng tôi có thể đứng ra làm đại lý phát hành các sản phẩm băng, đĩa nhạc Pháp tại VN không? Thời điểm đó ( năm 1994), ngoài thị trường đang “hot” loại nhạc của Mỹ, Anh… Mặt khác, lúc đó Quy chế chưa cho phép các đơn vị trong nước được phân phối đĩa nhạc nước ngoài tại VN; việc quản lý thị trường còn lỏng lẻo, băng đĩa lậu tấn công vào từng nhà… nên chúng tôi đã “lắc”. Bây giờ “cửa đã mở”, nếu đơn vị nào đó chịu đầu tư và chấp nhận lỗ trong một thời gian đầu thì việc kinh doanh băng đĩa nhạc nước ngoài ở VN cũng rất có triển vọng".

Vì sao ư? Theo lý giải của nhạc sỹ Lương Nguyên, thì kỹ thuật ngày càng phát triển, đầu đọc đĩa nâng cấp lên đến 6.0,7.0… trong lúc đĩa nhạc lậu chỉ là 1.0, 2.0 với những người có khả năng về kinh tế thì đây là điều không thể chấp nhận. Nói cách khác, nếu một "con cá" dở được đặt trong một "cái đĩa" cực xịn thì thực khách dù dễ tính cũng chẳng thể… ngon miệng. Vì thế, cho dù bị đĩa lậu cạnh tranh nhưng với khuynh hướng được dùng đồ chính hiệu hiện nay ở VN thì đĩa ngoại chính ngạch vẫn có chỗ trên thị trường với thị trường hẹp hơn…”.

Xôn xao mua bán trên mạng

Thực chất, việc “mở cửa” cho phép băng đĩa ngoại vào VN theo đường chính ngạch đã được quy định ở Quy chế cũ nhưng do những văn bản pháp quy liên quan đến vấn đề này còn “vênh” nhau nên việc thực hiện rất khó triển khai.

Tuy nhiên, trong khi các đơn vị có phép kinh doanh còn đang lưỡng lự, hoặc ít ngó ngàng đến vấn đề này thì việc mua bán băng, đĩa ngoại nhập vẫn diễn ra rôm rả trên mạng mà không đếm xỉa đến việc “thẩm định”, cấp phép. Trên “chợ mạng”, các sản phẩm đĩa ngoại (cả hình và tiếng) khá phong phú về thể loại. Cổ điển có. Thể loại Rock có album các ban nhạc Rock thời kỳ đầu như Led, Van Hallen… Thể loại nhạc Pop có đầy đủ album các ca sĩ và ban nhạc nổi tiếng như: ABBA, Boney, Modern Talking, The Beatles.v.v. Danh mục album liên tục được cập nhật.

Giá bán một đĩa nhạc xuất xứ USA , EU, tình trạng mới 100% (quảng cáo là chưa bóc Nylon) từ 150.000đ- 300.000đ/ 1 CD. Việc mua bán được thanh toán qua thẻ ATM-VCB và người mua sẽ phải thanh toán thêm ngoài tiền CD là 20.000đ tiền chuyển phát nhanh đĩa CD đến tận địa chỉ.

Nghe có vẻ hấp dẫn với những ai thích hàng chính hiệu nhưng việc mua bán qua mạng trong lúc phía bán lại không phải là đơn vị “có phép” thì liệu có gì làm bằng về sản phẩm mà họ bán là đồ xịn nguồn gốc USA và EU mà không phải là hàng nhái hoặc sao chép lậu ngay tại VN?

Cho dù Quy chế có được ban hành kèm theo, nếu không có chế tài xử phạt nghiêm minh, không kiểm tra rốt ráo và triệt hạ ngay những địa chỉ kinh doanh băng đĩa nhập ngoại không phép thì rất có thể… lại tạo ra kẽ hở để những kẻ kinh doanh phi pháp hợp pháp hoá sản phẩm rởm của mình. Nếu vậy, liệu những doanh nghiệp hiếm hoi tiên phong trong lĩnh vực này như Phương Nam phim liệu còn hào hứng với việc nhập và phân phối sản phẩm đĩa “xịn”; liệu có tái diễn một trận chiến mới giữa đĩa ngoại chính ngạch và đĩa “ngoài luồng” tại thị trường VN?
 
Dương Quỳnh

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm