Câu chuyện Olympic: Khi nhà VĐTG không được dự VCK

01/08/2012 13:07 GMT+7 | Olympic 2012

(TT&VH) - Ý nghĩ sẽ có 24 VĐV đi đến vòng chung kết nội dung cá nhân tại Olympic nhưng trong số đó không có nhà vô địch thế giới quả thật là một vấn đề không hề đơn giản.

Đó là điều sẽ xảy ra trong tuần này tại bộ môn thể dục dụng cụ nữ với trường hợp của Jordyn Wieber, nhà vô địch thế giới, là VĐV đứng thứ 4 ở vòng loại nhưng chỉ đứng thứ 3 đoàn Mỹ. Bởi vì kể từ khi Ủy ban thể dục dụng cụ quốc tế đưa ra quy định chỉ cho phép 1 quốc gia có 2 VĐV dự thi vòng chung kết, Wieber sẽ không thể tham gia thi đấu.



VĐV thể dục dụng cụ Jordyn Wieber

Quy định này đã bị chỉ trích liên tục trong suốt thời gian qua, đặc biệt là HLV của Wieber ông John Geddert với nhận xét: "Thật quá ngu ngốc". Tất nhiên rằng, sự thay đổi nào cũng có thể được nhận định là một quá trình phát triển hay nâng cấp và nó luôn nhận được những lời khen chê từ người trong cuộc. Tuy nhiên, trước khi chì chiết đó là một quyết định ngu ngốc, thì người ta cũng cần có cái nhìn tổng thể và khách quan về Olympic.

Thứ nhất, Olympic là sân chơi để thúc đẩy các môn thể thao khác nhau trên toàn thế giới lên một chất lượng tốt hơn. Sẽ chỉ có 2 VĐV bơi lội và 3 VĐV điền kinh xuất sắc nhất từ mỗi một quốc gia được tham dự vòng loại của một kỳ Olympic. Những VĐV kém hơn sẽ không thể đại diện cho quốc gia mình. Olympic là Thế vận hội, là nơi quy tụ những VĐV xuất sắc nhất từ các quốc gia nhưng đến những vòng đấu cuối cùng, cũng sẽ chỉ còn lại 3 hay 4 đoàn thể thao cùng cạnh tranh cho các tấm huy chương.

Thể dục dụng cụ vẫn luôn được đánh giá là nhiều sức ép và tính cạnh tranh nhất tại Olympic. Nó là sự kết hợp của các VĐV có tài năng thiên bẩm, sự cống hiến, tận tâm với nghề, và những quyết tâm vượt qua khó khăn chứ không đơn giản là một bộ môn thể thao mang tính chất truyền thống.

Nó là một sự cạnh tranh, một cuộc thi phụ thuộc vào quyết định mang tính chủ quan của từng cá nhân chứ không được đo đếm bằng các biện pháp làm cách nào hay làm như thế nào. Một kình ngư phải chạm đến bức tường phía trước để chứng minh rằng mình đã về đích. Một vận động viên bắn cung cần phải điều chỉnh mũi tên của mình sao cho thật chính xác với điểm hồng tâm. Một vận động viên điền kinh thì lại phải cố chạy nhanh hơn tất cả phần còn lại. Bởi thế trong những môn thi đấu ấy người ta cần có chiếc đồng hồ, không phải để trở thành một vị trọng tài, mà là cán cân để đo đếm.

Nhưng thể dục dụng cụ (hay cả lặn và trượt băng nghệ thuật) thì lại hoàn toàn khác. Nó được đánh giá bởi con người và được chấm bằng điểm số. Những vị trọng tài luôn phải căng mắt để xác định chất lượng tốt nhất có thể và phải có một sự tinh tường đặc biệt là chọn ra người chiến thắng.

Những bộ môn ấy cho phép VĐV nữ có thể trang điểm cùng những bộ trang phục thi đấu lấp lánh hết sức đẹp mắt để gây ấn tượng với trọng tài. Bởi vậy có rất ít trường hợp những nhà vô địch thể dục dụng cụ mà có ngoại hình… kém.

Trở về trường hợp của Wieber, ai cũng đều nhận ra cô đang phát tướng so với các đồng nghiệp. Bản thân HLV của cô, John Geddert đã phàn nàn rằng: “Thật vô lý khi Wieber chẳng có được gì cả. Cô ấy thậm chí không đạt được số điểm trung bình thường thực hiện”. Có thể Geddert đã nói đúng, nhưng đó là thể dục dụng cụ. Và trọng tài thì cũng chỉ là những người đưa ra những quyết định đôi khi rất “con người” nhất là khi chất lượng thi đấu ngày một tốt hơn trước đây, các đánh giá đều phải chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn.

Trong nội bộ đội tuyển Mỹ, khi mà Wieber chỉ đứng thứ 3 thì Aly Raisman đã bất ngờ trở thành người dẫn đầu. Điều này cũng khiến không ít người bất ngờ nhưng cần phải hiểu rằng, một đội tuyển tốt luôn có những cá nhân xuất sắc. Họ thay phiên nhau trình diễn những màn thi đấu tuyệt vời. Thực tế phũ phàng này xem ra khó mà chấp nhận được bởi Wieber, người đang giữ một tham vọng rất lớn bảo vệ ngôi vô địch. Tuy nhiên, cô vẫn có thể tham dự trong nội dung đồng đội để mang về vinh quang cho đoàn Mỹ.

Và một lần nữa, bởi vì đó là thể dục dụng cụ. Chẳng ai có thể đoán trước màn trình diễn của VĐV nào sẽ tốt nhất. Do vậy chúng ta nên học cách thưởng thức và chấp nhận mọi kết quả, hơn là ngồi chỉ trích vì những điều cuối cùng cũng đã xảy ra.

Yến Nhi



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm