10/09/2014 08:13 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Một cuộc thi thiết kế nhanh “vì tình yêu Hà Nội” mang tên Sao tháng Tám vừa khép lại, nhưng kết quả của cuộc thi đã mở ra cho công chúng niềm phấn khởi và kỳ vọng về một biểu thị vật chất chuyển tải thông điệp lịch sử cho Quảng trường Cách mạng Tháng 8 – Hà Nội.
Đó là cuộc thi ý tưởng thiết kế Tượng đài tại Vườn hoa 19/8 – Quang trường Cách mạng Tháng 8 (QTCMT8) của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIUP).
Cuộc thi đặc biệt về một địa danh đặc biệt
Cuộc thi được ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng VIUP phát động ngày 25/8 bằng cả “văn bản” lẫn chỉ đạo trong cuộc họp giao ban toàn thể cơ quan. Ông Hải cho biết, mục đích ông phát động của thi này là nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đồng thời là một gợi ý để UBND TP.HN có thể phát động một cuộc thi quy mô hơn nhằm tìm kiếm tượng đài xứng tầm để đặt tại QTCMT8.
Nói đây là cuộc thi đặc biệt vì chỉ dành cho “người nhà”, cụ thể là dành cho 5 nhóm KTS trong VIUP. Điều đặc biệt thứ hai là thời gian để 5 nhóm hoàn thành các đồ án thiết kế chỉ trong vòng một tuần. Tuy vậy, lãnh đạo viện cũng đã nhận được 9 đề án thiết kế, hầu hết trong các phương án đều lấy ngôi sao vàng 5 cánh làm chủ thể.
Ngoài ra, các phương án đáp ứng được tiêu chí của Viện đề ra. Đó là kiến tạo một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng hiệu quả; xây dựng một biểu tượng cho không gian Quảng trường đô thị lịch sử, chiến thắng lịch sử vẻ vang của quần chúng Thủ đô nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung; mang hơi thở, niềm tự hào của quá khứ hòa quyện trong sức sống của thời đại
Một điều đặc biệt nữa là cuộc thi không có ban giám khảo. Các phương án do đại biểu tham dự buổi tọa đàm bình chọn. Phương án đoạt giải cao nhất là phương án có số sao bầu nhiều nhất. Những người được bầu chọn cho các phương án là các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quy hoạch đô thị được viện trưởng Ngô Trung Hải đích danh mời tham gia, tiêu biểu như KTS. Hoàng Đạo Kính, KTS. Tôn Đại, KTS. Nguyễn Lân, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà sử học Lê Văn Lan, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, nhà điêu khắc Vũ Tiến...
Vừa qua, tại 1A Tràng Tiền, Hà Nội - ngay cạnh Nhà hát Lớn và QTCMT8 buổi tọa đàm, bảo vệ và bầu chọn các phương án tham dự cuộc thi đã diễn ra. Kết quả, phương án dự thi của Trung tâm quy hoạch xây dựng 2 đã giành giải Nhất, phương án của Trung tâm thiết kế kiến trúc cảnh quan giành giải của “Viện trưởng”, 7 phương án còn lại giành giải Nhì.
Cần có biểu thị vật chất cho QTCMT8
Trong khuôn khổ buổi bầu chọn các phương án thiết kế “Sao tháng Tám” nhiều nhà sử học, KTS đều cho rằng, QTCMT8 là một địa danh lịch sử. Tuy nhiên, cho đến nay, địa danh này vẫn chưa có một biểu thị vật chất nào xứng tầm với vị trí có ý nghĩa đặc biệt này.
Bằng cách nhìn của người làm sử, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Cùng với Quảng trường Ba Đình, không gian QTCMT8 xứng đáng được gọi là không gian lịch sử tiêu biểu nhất gắn với Thủ đô. Tuy vậy, chúng ta thấy chưa có sự đầu tư xứng tầm ngoài… tên gọi là Quảng trường. Tôi cho rằng dù không gian nơi đây không lớn lắm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng được những biểu tượng bằng ngôn ngữ tạo hình để ghi dấu sự kiện lịch sử cách đây 69 năm”.
Ông Ngô Trung Hải cho biết thêm, trong thời gian tới VIUP sẽ đề xuất với TP Hà Nội về một cuộc thi tầm cỡ quốc gia nhằm tạo ra một công trình nghệ thuật cao về văn hóa và lịch sử đối với du khách quốc tế và trong nước. Còn cuộc thi mang tính chất “nội bộ” này chỉ như là một que diêm “châm mồi” cho những “ngọn lửa” lớn hơn, rộng hơn sau này.
Nên đặt tượng nhạc sĩ Văn Cao tại vườn hoa Cổ Tân |
Huy Thông
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất