Đi tìm tên của cháu Triệu Đà và chữ Nôm đầu tiên(*)

18/02/2009 13:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Tự nhận là người nghiên cứu nghiệp dư, nhưng tác giả Trương Thái Du đã có những nghiên cứu và kiến giải sâu sắc về một số vấn đề cổ sử của Việt Nam. Ông vừa gửi TT&VH một bài viết mới của mình:

Tên của cháu nội Triệu Đà là gì?

Tất cả các sách sử Việt và Trung xưa nay đều thống nhất theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, ghi tên tục của Triệu Văn đế là Triệu Hồ (cháu nội Triệu Đà, làm vua Nam Việt từ 137 đến 124 trước Công nguyên). Năm 1983 khảo cổ Quảng Đông đã khai mở ngôi mộ táng của Triệu Hồ tại một ngọn đồi trong nội thành Quảng Châu. Chiếc ấn vàng tùy táng khắc chữ triện “Văn đế hành tỉ” khiến các chuyên gia không thể nghi ngờ ngôi mộ này là của ai khác. Tuy nhiên, vấn đề tên tục của Triệu Văn đế đã gây nên tranh cãi, cũng như hé lộ nhiều khả năng về một loại ngôn ngữ dùng Hán tự ký âm có liên quan mật thiết đến chữ Nôm Việt Nam.
 
Kho đồ tùy táng lúc mới mở huyệt mộ. Nhìn rõ chiếc thạp Đông Sơn.
Chiếc thạp này có lẽ từng có nắp nhưng đã bị mục nát.

Người ta không thể tìm được bất cứ chữ Hồ nào giữa các di vật trong mộ phần Triệu Văn đế, ngoài hai con dấu trình bày dưới thể triện ghi rõ Triệu Mạt (赵眜). Một số tài liệu Việt ngữ trên mạng đôi khi phiên âm là Triệu Muội. (Thực ra Mạt và Muội trong các sách cổ từ thời Hán trở lại đây thì đồng nghĩa và hay dùng lẫn lộn…).

Chiếu theo Thuyết Văn (quyển tự điển có từ thời Đông Hán), Mạt nghĩa là mắt mờ. Nếu chỉ xét chữ Mạt ở góc độ thuần Hán thì không lý gì một vương tử và sau này là thái tử, là thiên tử suốt một vùng Lĩnh Nam, lại có cái tên xấu và vô nghĩa như vậy. Có ý kiến cho rằng âm Mạt theo phương ngữ Hoa Nam hiện nay rất gần với âm Hồ. Phải chăng cháu Triệu Đà được đặt tên theo nghĩa Nam Việt, rồi sau đó phải dùng chữ Hán có âm gần giống để ghi lại trên giấy tờ, ấn tín. Chính vì thiếu thống nhất và không gian cách trở, ở Lĩnh Nam ký âm thành Triệu Mạt, trong khi tại Trung Nguyên các sử quan viết thành Triệu Hồ.
 
Chiếc thạp sau khi được vệ sinh sạch sẽ.
Những hình vẽ như trên trống đồng hiện ra.

Mạt - chữ Nôm đầu tiên còn chứng tích?

Nguyên tắc ký âm ấy, là những mầm mống quan trọng đầu tiên để hình thành hệ thống sử dụng Hán tự xây dựng chữ viết vùng Lĩnh Nam, trong đó chữ Nôm Việt Nam là một nhánh lớn đáng ghi nhận. Đặc biệt, Mạt trong chữ Nôm ngày nay, người Việt Nam vẫn đang đọc là Mắt.

Tham khảo thêm chữ Nôm cổ của người Choang ở Quảng Tây, ta thấy họ đọc từ Mạt trong Triệu Mạt là [bo:t]. Rất gần với Bột trong Bột Mạt và Phù Bột Mạt.

Quyển Kiến Văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đã dẫn tư liệu của sứ nhà Nguyên chép rằng thời Trần người Đại Việt gọi trời là Bột Mạt, mặt trời là Phù Bột Mạt. Như vậy có không khả năng Bột Mạt là trùng ngữ do sự cộng sinh giữa hai ngôn ngữ khác nhau? Nghĩa là Bột Mạt = Bột = Mạt = Trời. Nó tương tự như Chia Ly = Chia = Ly.

Nếu nghiên cứu sâu sắc theo chiều hướng trên, có rất nhiều khả năng giải nghĩa chữ Mạt trong từ Triệu Mạt ý chỉ trời, ngôi vị thượng tôn của nước Việt cổ, mà biểu trưng rõ ràng nhất là hình ảnh ở giữa trống đồng Đông Sơn.

Chúng tôi hy vọng bài báo nhỏ này sẽ khơi gợi một chủ đề lý thú cho các chuyên gia khảo cổ và ngôn ngữ chuyên nghiệp ở Việt Nam. Trong góc nhìn nghiệp dư và rất cảm tính của mình, chúng tôi thấy chữ Mạt có cơ hội trở thành chữ Nôm đầu tiên còn chứng tích của dân tộc Việt Nam hiện đại.

Ngoài ra lăng mộ Triệu Mạt đã trở thành một viện bảo tàng lớn tại Hoa Nam. Nó còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử có liên quan hữu cơ đến quá trình hình thành quốc gia Việt Nam xưa kia. Chẳng hạn những bó mũi tên đồng giống y hệt loại tên đã đào được ở vùng Cổ Loa, một chiếc thạp Đông Sơn với hình thuyền đặc trưng…
 
Trương Thái Du (truongthaidu@yahoo.com)
 
(*) Đầu bài do TT&VH đặt
 
(Ảnh chụp từ sách Nam Việt Quốc Sử, tác giả Trương Vinh Phương - GS ĐH Trung Sơn, Quảng Đông nhân dân xuất bản xã, 1995)
 
 
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm