Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 6): Mặc áo dài nam lên chùa

07/03/2020 07:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/9 Âm lịch năm Kỷ Hợi (2019), lần đầu tiên được một chị đạo hữu (người cùng tu theo đạo Bụt), mẹ của cô dâu mời tham dự nghi lễ hằng thuận (đám cưới) tại một thiền viện ở Hà Nội, tôi hoan hỉ nhận lời. Theo truyền thống của người Việt, người được mời bao giờ cũng phải lựa chọn cho mình bộ trang phục thật đẹp và trang trọng để đến dự đám cưới.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần" tại đây

Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 5): Áo dài nam trong ngoại giao

Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 5): Áo dài nam trong ngoại giao

Ai cũng biết, vấn đề trang phục trong các hoạt động đối ngoại luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Đó không chỉ là câu chuyện về sự văn minh lịch lãm, về gu thẩm mỹ và khả năng hội nhập với văn hóa chung của nhân loại, mà còn gắn cùng những yêu cầu về bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc. Ở đó, một lần nữa người ta lại nhắc tới áo dài nam.

Vì nghi lễ hằng thuận sẽ được tổ chức trong không gian nhà chùa, nơi tôn nghiêm và linh thiêng, tôi quyết mặc bộ áo dài nam ngũ thân truyền thống, tự vấn khăn, theo đoàn nhà gái, đúng hẹn lên đường.

Nghi lễ đám cưới tại thiền viện

Ngôi chùa uy nghi nằm ẩn mình bên sườn con đê sông Hồng, gần với làng gốm Bát Tràng, u tịnh. Tiếng chuông chùa điểm theo giờ quy định khiến mọi khách phàm buông hết muộn phiền, lo toan thường nhật.

Các đoàn nhà trai, nhà gái nô nức tiến vào thiền đường, nơi nghi thức hằng thuận sẽ được tổ chức trọng thể. Sáu cặp tân lang, tân nương (cô dâu, chú rể) theo thứ tự được sắp xếp ngồi hàng thứ nhất, bố mẹ, ông bà hàng thứ 2, hàng thứ 3 dành cho thân bằng quyến thuộc theo nghi lễ nhà chùa, trước sự chứng minh của Tam bảo: Bụt - Pháp - Tăng và gia đình hai bên thông gia nội ngoại.

Một vị sư trẻ vào vai người dẫn chương trình, hướng dẫn 6 cặp uyên ương cách đi, đứng, ngồi, cúi lạy Tam bảo và lắng nghe những lời pháp nhũ (Kinh Bụt) về đạo làm con, làm chồng, làm vợ và những lời dạy luân lý về đạo vợ chồng, bổn phận làm vợ, làm chồng, chẳng hạn như “phu phụ hòa, nghiêm khắc với bản thân mình nhưng phải bao dung với người bạn đời”. Tâm hiếu là tâm Bụt (Phật), hạnh hiếu là hạnh Bụt. Hiếu đạo, hỉ xả, tha thứ - Tài năng, đạo đức, trí tuệ.

Chú thích ảnh
Tác giả bài viết (ngoài cùng bên trái) cùng anh Nguyễn Đức Bình, chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt (ngoài cùng bên phải) trong một lần mặc áo dài nam đi vãn cảnh chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu). Ảnh: Đức Toại

Năm hạnh hiếu:

1. Hiếu kính: Báo hiếu cha mẹ.

2. Hiếu dưỡng: Phụng dưỡng cha mẹ.

3. Hiếu hạnh: Sống đức hạnh để báo hiếu.

4. Hiếu tâm: Tâm luôn ghi khắc, nhớ ơn cha mẹ.

(Bốn hiếu trên gọi là tiểu hiếu)

5. Đạo hiếu: Con đường thoát khổ nhờ từ bi, trí tuệ. Đây là lòng hiếu giúp cho cha mẹ được hết khổ, biết đi chùa lễ Bụt, biết học và hành theo chánh pháp. Đó gọi là đại hiếu.

Thầy trụ trì dạy về cách lễ lạy cha mẹ, phu thê giao bái, vợ chồng phải biết tương kính như tân, bình đằng. Các cặp tân lang, tân nương nhận nhẫn từ các sư thầy, trao nhẫn cho nhau và tự hứa: Luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu, tha thứ, thông cảm và yêu thương nhau đến chọn đời. Thầy MC trao tờ giấy “văn phát nguyện lễ hằng thuận”, các cặp vợ chồng cùng đọc thật to trước sự chứng giám của Tam bảo và gia đình hai bên nội ngoại. Sau cùng, một người mẹ (cha) đại diện cho 6 gia đình lên quỳ trước Tam bảo, tri ân chư tôn thiền đức, tăng ni đã chứng minh nghi lễ trọng đại này. Các gia đình sẽ cùng bảo ban nhau sống sao cho vừa “tốt đời vừa đẹp đạo”.

Giờ đã lên chức bố, lắng nghe các sư thầy răn dạy những lời vàng ngọc mà nước mắt cứ lăn trên gò má. Tiếc! Tiếc quá! Giá mình được sinh ra trong một gia đình có truyền thống tu theo đạo Bụt, được thấm nhuần những giáo lý này trước ngày hôn lễ thì cuộc sống vợ chồng bớt khổ, giảm bớt cái tôi, tăng cái hiểu cái thương lên.

Trang phục nửa Tây, nửa ta làm tôi bối rối

Nói về đạo hiếu, đạo làm người, giáo lý ẩn tàng đằng sau chiếc áo dài ngũ thân truyền thống Việt Nam cũng chất chứa nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn, 2 thân trước (2 vạt áo trước) tượng trưng cho cha mẹ sinh thành ra mình, 2 thân sau tượng trưng cho cha mẹ đẻ ra vợ mình, thân con bên trong tượng trưng cho người mặc áo. Đạo làm con phải có trách nhiệm sống hiếu thảo với “tứ thân phụ mẫu”. Năm khuy áo tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín…

Giáo lý nhà chùa, phần nhiều tập trung vào Giới, nghĩa là dạy về phần đạo đức cho các Phật tử khi tới viếng chùa, sau mới nói đến Định và Tuệ. Các thầy giảng về đạo đức, về nhân nghĩa để hàng Phật tử tu tại gia hiểu, mà có hiểu thì mới có thương. Không hiểu không thương cho được. Hình tượng ngài Bồ tát Quán Thế Âm hội tụ đủ cả 2 hạnh “luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu”, sẵn sàng cứu khổ mọi chúng sinh nên ngài luôn trong tư thế đứng, một tay cầm bình tịnh thủy, một tay cầm nhành dương liễu. Trong mỗi gia đình, người vợ người chồng nào mà cũng hóa thân thành Bồ tát Quán Thế Âm thì gia đình ấy được hạnh phúc bền lâu.

Chú thích ảnh
Mặc áo dài vãn cảnh chùa ở Sóc Trăng. Ảnh: Đức Toại

Tôi đã cố gắng quan sát và lắng nghe những lời pháp nhũ. Thú thật nếu được đi chùa và nghe kinh giảng pháp, tôi có thể nghe mãi mà không biết mệt mỏi bởi pháp được ví như vị thuốc chữa bệnh khổ trong tâm mỗi người vậy. Nhưng nhìn 6 cặp uyên ương vận trên mình những bộ trang phục nửa tây nửa ta, màu mè, lại còn sai quy cách nữa khiến lòng bối rối thực sự.

Sau nghi lễ hằng thuận, nhà chùa mời 6 gia đình ở lại thọ trai bữa trưa (thọ dụng cơm chay). Trước khi về, tôi có tìm gặp thầy thư ký, trợ lý của thầy trụ trì để xin thưa chuyện về áo dài ngũ thân truyền thống. Tôi bày tỏ sự cảm ơn chân thành và tri ân công đức quý thầy, vì phụng sự cho sự an vui và hạnh phúc của chúng sinh, đã tổ chức lễ hằng thuận rất trang nghiêm, thanh tịnh, truyền tải đạo lý nhân văn, hướng thượng.

Nhưng tôi lại thấy băn khoăn bởi bộ trang phục các vị tân lang, tân nương mặc hôm nay không được đồng bộ, mang tính thời trang, lai căng đến kệch cỡm, khiến cho những lời răn dạy của các sư thầy chưa thực sự trọn vẹn. Phải có lề lối, quy cách rõ ràng trong nghi lễ cưới hỏi như quy định đối với các Phật tử khi đến thăm chùa phải trang nghiêm, thanh tịnh và mặc y phục kín đáo, tôn kính Tam bảo.

Tôi ngỏ lời muốn được diện kiến sư thầy trụ trì để chia sẻ câu chuyện về chiếc áo dài nam truyền thống và những giá trị ẩn tàng đằng sau ấy. Hai bên đã xin số điện thoại, hứa hẹn sẽ gặp lại nhau vào một dịp gần nhất.

***

Càng ngày càng có nhiều gia đình Phật tử chọn cảnh chùa làm nơi tổ chức nghi lễ hằng thuận. Bởi tại đó, ngoài nghi lễ cưới hỏi theo tục lệ cổ truyền của dân tộc, gia đình 2 bên nội ngoại tới chùa dịp này còn được chư tôn thiền đức, tăng ni giảng giải kinh Bụt về đạo vợ chồng, đạo làm con, về cách đối nhân xử thế với gia đình bên vợ, bên chồng… trước sự chứng minh của Tam bảo. Thêm nữa, cô dâu, chú rể còn phải đọc lời cam kết thực hiện bổn phận làm con với “tứ thân phụ mẫu”, làm chồng, làm vợ của mình để xây dựng cuộc sống vợ chồng trăm năm hạnh phúc.

Đây chính là vốn liếng hành trang cần thiết trước khi bước vào cuộc sống gia đình riêng. Hiểu giáo lý nhà Bụt, lại thêm hiểu ý nghĩa về chiếc áo dài ngũ thân truyền thống mặc trên mình trong ngày lễ hằng thuận, hiểu thế nào là “y phục phải xứng với kỳ đức” thì cuộc sống văn hóa vợ chồng sẽ thêm ý nghĩa trọn vẹn biết bao.

Mà không chỉ trong lễ hằng thuận, nam nhi khi lên chùa vào những dịp quan trọng như dự lễ hội cũng rất nên mặc áo dài ngũ thân truyền thống và vấn khăn!

(Còn tiếp)

Đinh Hồng Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm