Đi bộ và… khất thực ở Luang Prabang

08/07/2012 07:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH Cuối tuần) - Vé máy bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM đến Vientiane lâu nay luôn bị chê là đắt, khoảng 8 triệu một vé khứ hồi, lại phải dừng ở Phnom Penh (Campuchia) nối chuyến, có lẽ vì thế mà ít ai chọn đến Lào bằng đường hàng không. Thế nên khi chộp được vé với giá giảm tới 50% của VNA mở bán từ nhiều tháng trước, tôi và nhóm bạn đồng hành đã mua ngay không lưỡng lự.

>> Mời các bạn theo dõi các bài viết trong chuyên đề Du lịch khắp thế giới

Lịch trình của chúng tôi là sẽ dừng chân ở Thủ đô Vientiane rồi đi tiếp bằng máy bay đến Xiengkhuang, từ đó đi Luang Prabang, Vangvieng rồi về lại Vientiane bằng xe ô tô. Thật ra, có một cách để tiết kiệm thời gian là bay từ Vientiane đến Luang Prabang bằng hàng không nội địa của Lào, nhưng vì hàng không Lào được xếp vào loại mất an toàn nhất thế giới nên tôi đã chọn đi ô tô cho “chắc ăn”. Chuyến đi của tôi có nhiều điểm đến thú vị nhưng đặc biệt ấn tượng với cố đô Luang Prabang - nơi tôi đã mê mẩn từ lúc biết đọc các trang sách về du lịch - không chỉ vì những thắng cảnh mà còn vì muốn được sống theo nếp sống của người dân ở đây, và vì niềm ham thích được ngắm nhìn những nghi thức tôn giáo của một tín đồ đạo Phật trong tôi. Và tôi đã dành 3 ngày ở lại cố đô nhỏ nhắn ấy trong chuyến đi kéo dài một tuần này.

Những đứa trẻ ngồi yên lặng chờ bố thí từ các nhà sư

Đi bộ và sống theo người Lào

Từ chuyến đi Nam Lào năm ngoái, tôi đã tận mục sở thị nếp sống thong dong chậm rãi của người Lào vốn đã thành một đặc trưng. Mang theo ấn tượng ấy, tôi mặc nhiên sống chậm lại một cách vô thức, tuy cũng có “Việt hóa” tí chút. Nghĩa là vẫn hối hả cho kịp lịch trình xe, máy bay đến các địa điểm để khỏi bớt xén khoảng thời gian trọn vẹn thong dong trong những ngày lưu lại. Với cố đô Luang Prabang, tôi càng không thể và không nên vội vàng, gấp gáp. Mà có muốn gấp cũng chẳng được, cố đô nhỏ xíu, đi hơn một tiếng đồng hồ đã về chốn cũ, vội mà chi.

Vậy là tôi chọn đôi chân làm phương tiện tham gia giao thông chính trong những ngày ở đây, trừ lúc từ bến xe lỉnh kỉnh đồ đạc về khách sạn và ngược lại. Nhìn bản đồ thì thấy khá nhiều điểm phải đến, nhưng cố đô nhỏ xíu nên các điểm đó rất gần nhau. Từ Wat Xieng Thong nổi tiếng đến Wat Visoun, cung điện hoàng gia, núi Phousi, hay bờ sông Mê Kông, rồi nơi họp chợ đêm, chợ sáng, chợ trưa (ở đây phân ra ba buổi chợ, du khách tùy theo nhu cầu mà đến chợ như tên đã gọi)… khá là gần nhau, đủ cho đôi chân tôi thoải mái đi bộ. Chỉ có điều, nắng Lào rất gắt, giống như nắng miền Trung quê tôi, vì thế phải luôn có nón phủ đầu và một cái khăn rằn để góp phần tản bớt độ soi rọi của mặt trời.

Các nhà sư đi tuần tự trong lặng lẽ

Cư dân cố đô nói riêng và người Lào nói chung hay ngủ sớm mà dậy cũng khá trễ. Tôi đi dạo đến gần 11h đêm thì mọi con phố ở đây như đã chìm vào giấc ngủ, các quán cà phê, bar phục vụ khách Tây cũng bắt đầu thưa vắng, nhà dân thì cửa đóng then cài từ lâu. Vậy là tôi cũng về ngủ vào lúc hơn 11h, khác hẳn với lúc du lịch ở những thành phố sầm uất. Bù lại cho chuyện ngủ sớm, là thức dậy sớm, tôi dậy sớm hơn cả so với những lần đi xa khác, lục đục đánh răng rửa mặt từ… 3h sáng! Lý do ư, tôi thắc thỏm canh giờ để đi xem cảnh các nhà sư khất thực buổi sớm (cũng vì chưa ước lượng được khoảng cách từ khách sạn mình ở đến những nơi diễn ra cảnh khất thực, đi sớm cho chắc).

Dậy sớm khi cả thành phố còn say ngủ, chỉ điều này thôi cũng thú vị rồi. Tôi vẫn đi bộ, mà sớm thế này nếu có muốn đi tuk tuk - phương tiện đi lại chủ yếu ở đây - thì cũng chẳng biết kiếm ở đâu, vì tài xế còn đang bận ngủ. Gần hai tiếng đồng tôi đi dạo loanh quanh với phố nửa đêm về sáng mà đếm chỉ có dăm chiếc tuk tuk chạy qua như đang chuyến chở hàng đầu ngày cho buổi chợ mai. Thật khác hẳn ban ngày, khi đi đâu cũng nhìn thấy tuk tuk. Đi dạo trên những con đường nhỏ nhắn mà ngăn nắp, xinh xắn, giữa những dãy phố cổ, khoan khoái hít thở để tìm một cái lạnh rất khẽ của nửa đêm về sáng thật là dễ chịu (Lào vốn nóng và mùa này thì nóng kinh khủng).

Con đường trung tâm của cố đô buổi tối luôn bị khuất tầm nhìn vì hàng quán chợ đêm kéo dài che khuất, giờ đã trả lại dáng vẻ nguyên vẹn của nó. Những dãy nhà chủ yếu một trệt một lầu, xưa nhưng không cũ vì được chăm chút cẩn thận, nằm liền kề nhau giống như nhà ở Hội An, Bao Vinh… Đi bộ, vào buổi sớm này, bạn mới có thể thoải mái rảo chân mà không sợ tiếng động làm ồn ào giấc ngủ của cư dân bản địa khi dừng chân ngó nghiêng một căn nhà cổ nào đó đang ngát hương hoa đêm. Đi bộ, thấy thêm yên bình cho mình khi nhìn những người bảo vệ say giấc nồng đến mức phát ra tiếng ngáy, dường như ở nơi này chẳng bao giờ có chuyện bất an.

Nhưng tôi không phải người dậy sớm nhất Luang Prabang, mà là các… vị sư! Những ngôi chùa ở đây sáng đèn từ rất sớm. Thật thú vị khi thấy các sư trẻ măng ngồi bên hàng hiên chùa, dưới ánh điện, đang say sưa lầm rầm tranh thủ học lại những bài kinh, chỉ thoáng đưa mắt nhìn khi có kẻ lạ đứng ngắm và bấm tách tách máy ảnh.

Lưu ý khi đi xem khất thực

Thành phố Luang Prabang đã có một số quy định về việc xem khất thực của du khách như sau: Đồ cúng phải được chế biến tại nhà, hoặc mua từ chợ, không mua ở hàng quán ngay tại chỗ các nhà sư đi ngang. Không được để đèn flash khi chụp ảnh nhà sư hoặc chạy cắt ngang lối đi của nhà sư. Không được ngồi trên xe hoặc bất cứ phương tiện gì chạy rà theo các nhà sư để quay phim, chụp ảnh. Không ai được nhìn xuống các nhà sư từ trên cao, như ban-công hay các dãy lầu hai bên đường.
Bước chân loanh quanh đưa tôi đến bến nước trước con đường chạy qua cổng chùa. Khúc sông Mê Kông ở đây cao và dốc, phải bước xuống mấy chục bậc tam cấp chạy dài mới đến con nước. Chúng trở thành một cái phông bàng bạc cho những bóng áo vàng cà sa thấp thoáng trong buổi sớm trời còn chưa thấy rõ mặt người. Các nhà sư, có người vừa đi xuồng máy từ bên kia sông qua, có vị thì xuống bến lấy nước, người rửa mặt, rửa y bát (đồ chuyên dùng để khất thực), chỉnh trang áo cà sa… tất cả đang chuẩn bị cho một ngày mới với chuyến đi khất. Khá bất ngờ nhưng tôi không cầm máy lên. Cảm giác được chiêm ngưỡng ở cự ly gần những hình ảnh liên quan đến các nhà tu hành lạ lắm, vừa gần gũi, đời thường, dung dị như Phật giáo nguyên thủy mà vẫn có phần khiêm kính, ngưỡng phục với những bậc tu hành. Đó chính xác là cảm giác của tôi, một du khách vốn là phật tử của hệ phái Bắc Tông khi đến một quốc gia có đến hơn 85% dân số theo đạo Phật hệ phái Nam Tông và được ngắm những hình ảnh không có ở quê nhà, lại cũng là “của hiếm” trên thế giới. Đứng nép qua bên để ngắm, rồi từ lúc nào không rõ, tôi đi bộ lẽo đẽo theo các nhà sư đang bắt đầu thong thả đi nhập thành đoàn, từ con hẻm bên hông chùa đang rải đầy hoa sứ trắng, ra đứng đợi đầu hẻm giao với con đường trung tâm, là nơi tập trung nhiều đoàn nhà sư từ các chùa đổ về, đang lặng lẽ đứng. Tôi thú vị thầm reo, vậy là buổi khất thực mong đợi được thấy sắp sửa bắt đầu.

Hành trình khất thực và…

Chỉ một lúc sau, các nhà sư từ nhiều ngôi chùa đã tề tựu ở trục đường chính của Luang Prabang. Trên bản đồ thành phố, con đường này được ghi đơn giản là “Con đường khất thực buổi sáng”. Con đường đã bắt đầu đông đúc, người thì đi cúng dường, du khách xa gần thì đứng ngồi lố nhố để chứng kiến cảnh hiếm gặp này. Các nhà sư rất thong thả, họ đợi đến khi thấy các phật tử sửa soạn xong đồ dâng cúng mới chậm rãi bắt đầu từng bước chân... Có không ít nhà sư cùng hệ phái Nam Tông ở những nơi xa khác cũng đến đây khất thực như để giữ gìn một nét đẹp của Phật giáo nguyên thủy.

Người dân Lào dâng đồ cúng

Không chỉ có dân bản địa, nhiều người từ phương xa cũng đến đây để được cúng dường. Khách phương Tây cũng có, mà Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng có. Tôi nhìn thấy một cô người Âu lúng túng theo hỏi anh hướng dẫn làm sao cho phải phép khi dâng đồ bố thí, khi cô bị gãy một tay và đang phải đeo băng. Những du khách da trắng mắt xanh trông rất thành kính, chen cả cảm giác hồi hộp, tò mò. Đồ cúng dường được đựng trong những chiếc âu đan bằng mây tre, to hơn hay bàn tay người lớn. Đồ cúng thường gặp nhất là xôi - món ăn quen thuộc ưa thích của người Lào - rồi bánh kẹo, trái cây…, thỉnh thoảng có người cúng tiền.

Các nhà sư đi tuần tự trong lặng lẽ. Một hàng dài màu vàng cà sa và những chiếc bát ánh màu bạc được treo trên dây đeo bằng vải được chia ra để phật tử gửi vào đó với tất cả lòng kính trọng. Tất cả đều diễn ra trong yên lặng. Sự tĩnh lặng được giữ qua những bước chân khoan thai của các nhà sư và những đôi chân trần của chính những người đi cúng dường. Có chăng chút xíu rộn ràng là từ những bước chân dung dăng của mấy chú chó. Nếu bạn nhìn thấy mấy chú chó lon ton chạy đầu đoàn sư khất thực, đó là những chú chó nuôi ở chùa đấy. Sáng nào chúng cũng tình nguyện theo chân các nhà sư, chạy lăng xăng “mở đường” cho đoàn khất thực theo một lịch trình không thay đổi. Và không hề sủa.

Tất cả họ, kẻ cho, người nhận đều chân trần. Người “nhận lần hai” cũng là những kẻ chân trần - phần lớn là trẻ con - nhìn là có thể biết ngay gia cảnh không tươm tất. Chúng ngoan ngoãn, kiên nhẫn ngồi hay quỳ gối thành những hàng dài, chắp tay bên cạnh những cái giỏ cũ kỹ. Những đứa trẻ thiếu thốn đang chờ đồ bố thí của các nhà sư vừa mới nhận đồ dâng từ tay các tín đồ. Nẻo về chùa có những chiếc bình bát đựng đầy vật dụng cúng dường, và những chiếc giỏ đựng đồ chờ bố thí, sẻ chia. Rất dễ phân biệt giữa những người cúng dường và kẻ xin chờ bố thí. Những chiếc giỏ đựng đồ bố thí lần hai luôn to hơn những chiếc âu cúng dường!

Các vị sư đi khất thực chỉ lấy đồ ăn đủ dùng trong ngày và dâng cúng Phật, còn thì chia lại cho những vị khác ở chùa hoặc bố thí lại cho những người thiếu thốn, cũng bằng cách thả vào giỏ khất thực. Tôi lặng nhìn, để thấy những vẻ đẹp khác của sự cho và nhận, về những triết lý đơn giản trong đời sống mà trong cuộc sống nháo nhào, chen chúc của chúng ta không dễ gì có những phút giây nhìn thấy. Cảnh khất thực chỉ diễn ra hơn 30 phút, gọn gàng như thế mỗi ngày. Nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ khiến tôi ngẫm ra nhiều điều. Bên cạnh những cho - nhận ấy, còn có cả sự mua - bán. Có không ít hàng rong của người Lào bán những món đồ làm sẵn cho phật tử mua để cúng đường. Nhưng người bán chỉ kiên nhẫn đợi chờ du khách chứ không chèo kéo ồn ào như ở ta. Nhiều người đã mua như thể để trải nghiệm cho cảm giác đi cúng đường như thế nào, kể cả phật tử. Tuy nhiên, đây là việc không được hoan nghênh, vì theo quy định của chính quyền sở tại, đồ vật cúng phải được mua từ chợ đem về, hoặc được chế biến tại nhà, không phải là những món đồ mua vội vàng ở gánh hàng rong nơi các nhà sư đi qua.

Mất bao nhiêu hành trình để được có những sáng lang thang với cố đô, mỗi ngày chỉ được nhìn cảnh đẹp này trong 30 phút hơn, với tôi, đã là điều thú vị nhất trong suốt hành trình ở đất bạn Lào. Hẳn nhiên bạn sẽ hỏi tôi tại sao đến Luang Prabang chỉ để đi bộ và ngắm cảnh khất thực. Với tôi, những nơi nhớ nhất là những nơi con người ở đó làm cho tôi thấy yêu mến, thấy xúc động. Tôi chắc là bạn khi đi chơi xa cũng chỉ mong có cảm giác ấy thôi, phải không?

Bài & ảnh: Hàn Giang

Thông tin du lịch

Vietravel mở bán tour Nội Mông

Từ tháng 8, Vietravel mở bán tour Bắc Kinh - Nội Mông (5 ngày) mới lạ, độc đáo với việc du khách sẽ được cưỡi ngựa, bắn cung trên thảo nguyên Xilamuren bao la, trải nghiệm đời sống du mục trên lưng lạc đà, hay thưởng thức đêm lửa trại hòa trong điệu múa rộn ràng của các cô gái Nội Mông... Giai đoạn cuối Hạ đầu Thu là thời điểm lý tưởng nhất để tham quan Nội Mông vì lúc này đồng cỏ xanh tươi, không khí mát mẻ, dễ chịu. Thiên nhiên ở thảo nguyên Xilamuren rất hùng vĩ với những thảm cỏ tươi xen những bụi hoa nhỏ đủ sắc màu và những đàn dê, đàn ngựa sinh sống tự nhiên ở đây. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các loại thức ăn đặc trưng mùa Hè như sữa chua, pho-mát, kem, bơ được làm từ sữa dê nguyên chất và đặc biệt món thịt dê quay nguyên con. Cưỡi lạc đà đi sâu vào sa mạc Vọng Âm, nơi Thành Cát Tư Hãn sinh ra và lớn lên, du khách sẽ được ngắm và chụp ảnh bên những cồn cát đổi màu theo từng giờ, từng phút… Tour được bán với giá: 19.990.000 đồng, khởi hành từ 8/8/2012. Liên hệ: Vietravel - 190 Pasteur, P.6, Q.3, TP.HCM; ĐT: (08) 3 822 8898 - Ext: 149 hoặc đăng ký mạng bán tour trực tuyến www.travel.com.vn.

Đà Nẵng khai trương khu nghỉ dưỡng sinh thái hàng đầu châu Á

Đó là Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort - khu nghỉ dưỡng cao cấp hàng đầu Việt Nam, mới chính thức khai trương tại bãi biển biệt lập trên bán đảo Sơn Trà, cách sân bay Đà Nẵng khoảng 30 phút ô tô. Do kiến trúc sư người Mỹ Bill Bensley, tác giả của nhiều resort cao cấp nổi tiếng tại các thiên đường du lịch như Bali, Maldives, Hawaii…, thiết kế và được quản lý bởi tập đoàn đa quốc gia InterContinental Hotels Group Intercontinental, Danang Sun Peninsula Resort được cam kết sẽ trở thành một trong những khu nghỉ dưỡng sinh thái hàng đầu của châu Á. Khu nghỉ dưỡng gồm 180 phòng, 5 biệt thự nhìn ra biển với hồ bơi riêng và một dãy hơn 20 phòng suites sang trọng. Cùng lúc với sự kiện này, tập đoàn Sun Group, chủ đầu tư của Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, cũng công bố thương hiệu Sun Group tại Việt Nam với định hướng trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và các dịch vụ du lịch. Trước đó, Sun Group đã từng thực hiện một số dự án lớn khác ở Đà Nẵng như Khu du lịch Bà Nà Hills với hệ thống cáp treo đạt 2 kỷ lục thế giới và tòa nhà khách sạn cao nhất miền Trung Novotel Danang Premier sắp khánh thành.

A.T - P.T


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm