Ngẫm từ "Phố Ông Đồ"

31/01/2009 20:55 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - LTS: Trong những ngày “Phố Ông Đồ” lần đầu tiên được tổ chức tại phố Văn Miếu (Hà Nội), nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, đồng thời là một người viết thư pháp có hạng, đã đến xem khá nhiều lần, tuy không tham gia, nhưng ông có nhiều suy ngẫm. TT&VH xin giới thiệu bài viết của ông.

Lộc còn náu trong cành

Kìa những mơ hoa trên giấy điệp

Còn ai bày bán nữa hay thôi

Mộc bản Đông Hồ thành của hiếm

Nghệ nhân, đếm mãi được dăm người.

(Nghĩ cổ - Đỗ Trung Lai)

Vài năm trước, khi đi dọc tường Văn Miếu ngày giáp Tết, thấy những ông đồ viết chữ ngày xuân bị bảo vệ lùa chạy như vịt. Chữ Nho giấy đỏ tả tơi, nghiên bút vứt lung tung. Năm nay, người ta đã lập những lều quán tử tế cho đồ già đồ trẻ, do một công ty nhận thầu. Nhà Nho uyên thâm có, những thanh niên giỏi tiếng Tầu có, nhiều tân Nho lưng vốn từ vài trăm chữ đến vài chục chữ có, lại có cả những sinh viên học cổ văn và ngôn ngữ học tại Bắc Kinh và thư pháp gia chữ quốc ngữ. Người trẻ thì mới dậy thì, người già thì bẩy tám mươi. Mươi ngày đầu xuân, viết thư pháp có thể kiếm được vài triệu, nhưng quan trọng là một tập tục tốt đẹp đã nảy nở.
 
Tiên sinh Cung Khắc Lược
đang viết thư pháp. 
“Ông đồ” Tuấn, một thanh niên hiện công tác tại Viện Hán Nôm cho biết : "Những năm trước viết khoán cho Văn Miếu, dù làm được bao nhiêu cũng chỉ được số tiền nhất định, năm nay người ta chỉ lấy vài chục phần trăm, không phải lo giấy viết, lại có cả quần the khăn xếp". Tôi lang thang vui chơi cả ngày ở đây, phần vì làm việc quanh năm ít nghỉ, phần vì đông bạn Hán Nôm ra đường khua bút. Cung Khắc Lược là nhà Hán Nôm lão luyện, ba mươi năm trước khi tôi mới đôi mươi đã gặp ông ở quán trà của mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là một trí thức, nhưng khi về hưu thì đi bán kem, sau không đi được nữa thì bán trà, gặp một người như ông Lược thì bà sẵn sàng đem hết chè thuốc ra chiêu đãi. Duyên phận đã định, thời gian dài sau ông lại cùng tôi biên soạn một cuốn sách. Ông còn thạo cả tiếng Pháp, Nôm Tầy, Nôm Dao và vài thổ ngữ khác, nhưng lòng ông giờ như ngọn gió vô cầu, nó thật sao nhãng và bất định. Ông ra đường viết chữ để gặp con người, gìn giữ văn hiến, còn ai cho bao nhiêu cũng được, không cho cũng được. Ông mặc ba áo, hai quần, trong ngoài đều cáu ghét, tóc dài lõa xõa, nhưng có thần thái lão mai, thật là tiên phong đạo cốt. Chữ ông viết thì ngay cả viện trưởng viện Hán Nôm cũng phải toét mắt ra để đọc, đôi khi ông ngậm một hụm rượu rồi phun lên tờ giấy làm chữ nhòe ra như bức tranh. Tôi vẽ cho một bức tranh hoa sen thủy mặc, ông lại yêu cầu tôi đọc một bài thơ để ông viết bằng chữ Nôm. Thơ rằng :

Mưa Xuân chưa rắc hạt

Lộc còn náu trong cành

Hỏi bạn lời e ấp

Bao giờ Thu mới xanh?

Ông viết nhưng chữa lại câu cuối : Bao giờ Thu mới say? Có mùa xuân tôi ở chùa Bút Tháp, trời không mưa, nên chẳng cây nào ra lộc, cứ khô ngăn ngắt và buồn rũ rượi, nên viết vậy.
 
Thi thoảng viết thư pháp, nhưng tôi chưa bao giờ ra Văn Miếu hành nghề. Viết ở đây cũng phải có vài ngón nghề nhất định. Mùa xuân, trời ẩm, giấy mực lâu khô, dễ nhòe, nên không thể cao hứng chấm mực thoải mái, hay đại bút như ở nhà. Các ông đồ Văn Miếu đều viết có chừng mực, họ lấy mực vừa phải, đưa bút thong thả, hết chữ thì giấy cũng gần khô, có người lại mang cả máy sấy tóc ra phục vụ khách. Có người mang cháu đi tô lại những nét chưa ngay ngắn, có người lập sẵn một biểu những chữ thông thường, như Phúc, Thọ, Tuệ... để khách chọn và chủ nhìn. Một ông bạn già của tôi, mới thạo năm chục chữ Hán cũng ra đây với đầy đủ tráp, nghiên, giấy, bút. Tôi hỏi anh chỉ biết thế thì viết ra sao, ông trả lời năm chục chữ là quá nhiều so với yêu cầu của thiên hạ. Đại bộ phận chỉ là viết cho ngay ngắn, vài bức cũng có thần khí. Cũng thi thoảng đủ cả lục thể : Chân, thảo, triện, lệ, hành, khải. Có người viết khá đẹp, có người viết rất lộ cộ, mà như một khách Tầu bình luận: Hảo à, gần giống thư pháp. Cả người viết lẫn người xin chữ thật hồn nhiên, vui là chính. Tiền thì từ vài nghìn đến một hai trăm nghìn. Lại có cả người bán thơ khắc trên đá, trên gỗ, vẽ tranh kiểu thủy mặc, lại có chàng thanh niên thi trượt trường Mỹ thuật ra vẽ chân dung, có đám học trò ra bán tranh Đông Hồ. Từ năm 2000 đến nay, số người ra viết thư pháp ngày một đông và kéo dài gần hết một bức tường phía đường Văn Miếu. Họ cùng nhau vớt vát cho một thứ văn hiến đã suy tàn. Nhiều khi tôi cứ tưởng tượng rằng nếu nước ta mà cũng như Nhật Bản, Triều Tiên vẫn dùng chữ tượng hình thì sẽ như thế nào nhỉ?
 
Các quán thư pháp bên bờ tường Văn Miếu những ngày xuân,
tấp nập những người xin chữ và các ông đồ múa bút trên giấy điều.

Bao giờ Thu mới say?

Vài ngày quan sát việc viết thư pháp ở Văn Miếu, tôi cảm nhận cái dây rợ Trung Hoa đã được cắt đứt từ lâu, hay nói cách khác, văn hóa Hán đã hết những ảnh hưởng của nó trong tâm hồn người Việt, dù nhiều thanh niên Việt đã sang Trung Quốc học và cũng thâm Nho. Cái chính là tâm hồn, tâm hồn ấy đã không có chỗ đứng cho văn hóa Hán. Điều ấy làm cho người Việt có cố gắng học và viết thư pháp cho đúng mẹo luật hơn, nhưng cũng chỉ là người Việt Nam viết chữ Hán, có thể như thế là hay hơn, dù đỉnh cao thư pháp Hán ta không bao giờ đạt được.

Tại đây trên mảnh đất thờ phụng Khổng Tử, những nhà Nho trẻ và già viết theo cái sở kiến của mình, mà theo như vài người có lưng vốn Hán học kha khá, nhận xét là thư pháp dân gian. Bản thân Cung Khắc Lược cũng vậy có khi ông viết rất bài bản, đôi khi phóng bút theo cảm hứng, nhất là viết chữ Nôm, ông nói rằng vài người bảo ông đang phá thư pháp. Một số khách du lịch Trung Quốc đứng xem ông viết và tranh luận với nhau có phải ông đang viết Hán tự không? Rồi họ kết luận đúng là Hán tự, rất cổ, nhưng sang phần Nôm thì chịu không nhận thức được, không đọc được, và viết rất nhanh. Vài ông đồ khác thì lọ mọ từng chữ, cố gắng bám sát cổ văn, vài người thì thêm ra bớt vào cho hoa mỹ, nhưng ngay cả thư pháp tiếng Việt còn nhiều người ưa chuộng, thì có cách điệu đôi chút chữ Hán có làm sao. Một ông khách già viết còn chưa chuẩn, nhưng cứ muốn theo ông Lược tung tẩy. Tôi góp ý với ông rằng : Nếu viết để đọc thì cần đúng quy tắc, còn nếu không cần để đọc thì cụ cứ thoải mái vung bút. Chữ Nhật Bản cũng từng sinh ra từ sự tự do với chữ Hán, vậy mà trở thành một quốc ngữ riêng.

Khu vực Hợp tác xã, theo cách gọi của nhiều người ở đây về những quán Thư pháp được đấu thầu quy củ, có nhiều nhà thư pháp trẻ, chàng thiếu niên trẻ nhất theo bố ra đây có 12 tuổi, hình như tên là Nguyễn Phúc An, chữ viết cũng cứng cỏi, áo the khăn xếp như ai (ảnh bìa 1). Khu vực Tự do, chủ yếu do các ông già không thích gò bó và nộp tiền trật tự, thì đã có lúc bị giải tán, nhưng mấy ngày gần đây ban quản lý Văn Miếu cũng chấp nhận, nhưng không được lập lều quán, mà trải chiếu chăn viết dựa tường viết trên hè. Nhiều cụ viết sẵn ở nhà, lập thành từng bộ chữ đại tự, như chữ Hiếu, chữ Tâm, chữ Thọ, chữ Phúc...bán cũng sẵn như vậy. Nhiều cụ chép rất nhiều thơ về Thăng Long và có thể cho không, vài trung niên ăn vận com lê rất trang trọng ngồi viết. Phố Ông đồ không thiếu kẻ liều lĩnh, vài câu đối, vài câu thơ, dăm ba chữ đã đi kiếm ăn bằng chữ, chẳng khác nào một vài vị tiến sỹ trong các trường đại học.

Ông Lược năm ngoái thì viết hộ cho một cụ già đứng bầu hậu, năm nay thì viết hộ cho một thanh niên nghèo, chắc sau đó hai người chia nhau chút lộc Thánh. Chàng thanh niên kia sắm giấy mực bút, chăn chiếu, bàn trà, vài bình sữa, đỉnh hương, phơi chữ và đóng dấu. Ông Lược thì ngất ngưởng như một lão tiên, đem cái sở học tiến sỹ của mình tiêu dao với thiên hạ. Quanh ông lúc nào cũng đông trẻ già, tôi bèn ngồi tọt vào chiếu với ông mới phát hiện ra rằng, ông căn cứ vào tướng mệnh tâm trạng từng người mà cho chữ, nên rất nhiều người từ năm ngoái, năm nay xin một chữ khác phát triển từ mong ước trước kia. Ví dụ năm ngoái xin chữ Đạt, và đã trúng đại học, năm nay xin chữ Tình, hay chữ Tiến, có người năm ngoái xin chữ duyên, thì năm nay xin tên cho con mới sinh. Có người không đồng ý với chữ ông cho, đòi ông viết theo ý của mình, ông không chịu, không lấy thì thôi. Mới hay cho chữ không phải là việc đơn giản, không đơn thuần là viết đẹp. Qua việc xin chữ người đời kiểm định cái quá khứ và tương lai của mình.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trời rất rét, mưa phùn tuy không nhiều như xưa, nhưng cũng lất phất từng đợt, thổi những cơn gió buốt vào kẻ du xuân. Nhưng cây cối thì mừng rỡ vì đã được thay lá và đâm chồi. Quanh tường Văn Miếu, dăm gã ngồi nặn tò he, nhưng tay chân vụng về, mà tò he thì to tướng. Dăm kẻ bán ngô rang nổ bỏng, phết bơ thơm như bánh nướng ra lò. Kẻ thì bán nước chè kẹo lạc, kẻ bán kẹo đường thổi phồng, kẻ đánh giầy, kẻ truyền thần, kẻ bán áo phông du lịch. Nào là đánh cờ bỏi cờ người, nào là bán thơ ế, nào là ngâm vịnh như Lý Đỗ ngày xưa, nào là Quan họ pha chèo, nào là xin chữ cho chữ, nào là sờ đầu rùa, nào khấn vái xì sụp, nào du xuân cho vui... hóa ra cái đạo Khổng lúc hết thời còn ban lộc và nuôi nấng không biết bao nhiêu con người. Cái cuộc hý trường vừa vui vừa buồn này hóa ra tự nó đã rất hoài cổ, chẳng đợi đến Bà Huyện Thanh Quan mới thế.
 

Viết bên thềm năm mới

(Gửi tiến sĩ Cung Khắc Lược)

Những ngày Tết, quanh phố Văn Miếu dù không còn dấu hiệu nào về"sự lùm xùm" đáng tiếcvới các ông đồ bám trụ lâu năm tại phố Văn Miếu như trước đó vài ngày; tuy nhiên chuyện đó đã ít nhiều để lại ấn tượng không vui. Họa sỹ Đỗ Đức đã tức cảnh làm bài thơ này gửi tặng Tiến sỹ Cung Khắc Lược - người bạn vong niên của ông và một trong những ông đồ “bám trụ lâu năm” tại phố Văn Miếu và không thuộc “biên chế” của Phố ông Đồ. TT&VH xin trích đăng bài thơ:

Mấy năm nay đào nở

Lại thấy ông Lược già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Dựa lưng tường Văn Miếu

Bên cửa Khổng thày Chu

Những ai yêu chữ Thánh

Ông vừa viết vừa cho

Thăng Long vào ngàn năm

Hô hào về nguồn cội

Thư pháp nhiều người chơi

Trong lòng ông mở hội.

Nào ngờ khi trải chiếu

Bên thềm phố đông người

Ông bỗng bị “kết tội”

Kinh doanh không đúng nơi

Khóc không ra nước mắt

Bẩy mươi ba tuổi rồi

Buôn bán gì cơ chứ

Vài nét bút rong chơi!

Không cản trở giao thông

Vốn có vài tờ giấy

Một nghiên mực tàu thôi

Mà tội to chừng ấy.

Sông Mịch La bên Tàu

Khuất Nguyên chìm đáy sóng

Khi muốn tìm lẽ sống

Phải trái ở trên đời

……

Chắc gì mùa đào tới

Còn bóng ông nghè già

….

Đỗ Đức

 

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm