Để di sản "sống" trong đời sống đương đại

30/10/2009 16:33 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - LTS: Không phải cứ muốn là được, không phải cứ đầu tư nhiều tiền là xong, để di sản “sống” trong đời sống đương đại là một bài toán tổng thể, cần nhìn nhận dưới góc độ khoa học. Và trước hết cần hiểu rõ các đặc điểm của văn hóa phi vật thể, đặc biệt cần hết sức chú ý đến vai trò của các chủ thể đang lưu giữ loại hình di sản đó.

Tôn trọng quyền quyết định của chủ thể văn hóa

“Di sản văn hóa phi vật thể được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo và hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục” (Công ước UNESCO 2003). Tiêu chí chủ chốt quy định việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ: nó phải mang tính truyền thống, đang sống, và phải được các cộng đồng công nhận, không chỉ vì nó là tài sản của họ, mà còn vì nó quan trọng đối với bản sắc của họ.

Có nhiều thách thức đối với di sản trong cuộc sống hiện nay. Về vấn đề nhận thức và ứng xử. Cần nhận thức rằng hãy tôn trọng quyền quyết định của chủ thể văn hóa. Hãy trao quyền và hỗ trợ để người dân tự xác định bản sắc của họ, nhận ra cái họ có, họ cần. Cái họ cần chính là cái gắn với cách mưu sinh, tái sản xuất xã hội và cuộc sống tinh thần của họ. Vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, bản sắc văn hóa và đa dạng văn hóa trước hết phải xuất phát từ chủ thể văn hóa, từ nhu cầu, lợi ích của chủ thể và do chủ thể tự quyết định.

Giáo dục, truyền dạy là một trong những biện pháp để di sản "sống"

Về vấn đề môi trường sống và văn hóa. Có những loại hình di sản văn hóa phi vật thể phụ thuộc vào sự tồn tại của các không gian văn hóa cụ thể. Cần hiểu và tôn trọng quyền sinh tồn của những người bản địa theo cách họ đã, đang lựa chọn và duy trì cuộc sống.

Về vấn đề bảo tồn và phát triển: Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển là một thực tế hiện hữu không chỉ ở yếu tố khách thể mà ngay trong chính chủ thể.

Về vấn đề thương mại hóa: Bản chất của những di sản văn hóa phi vật thể là tập quán xã hội - phương thức sinh hoạt của cộng đồng. Một khi phương thức sinh hoạt này bị coi là một thương phẩm để mưu cầu lợi nhuận, thì tính chất của nó sẽ hoàn toàn biến đổi.

     “Du lịch đại trà và việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể thật khó có thể song hành với nhau” (TS. Lê Thị Minh Lý)

Về vấn đề toàn cầu hóa
: Quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu xã hội, cùng với những điều kiện khác đã tạo ra nhiều cơ hội đối thoại mới giữa các cộng đồng, đồng thời cũng làm nảy sinh những mối đe dọa về sự suy thoái, biến mất và hủy hoại các di sản văn hóa phi vật thể.


Về vấn đề du lịch hóa: Có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể không thể đáp ứng được số lượng lớn khách du lịch. Du lịch đại trà và việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể thật khó có thể song hành với nhau. Du lịch khiến cho các hình thức biểu hiện tính chất, chức năng, v.v. vốn có của văn hóa phi vật thể cơ bản bị biến đổi.

Bảo vệ di sản phi vật thể là kế thừa con người

Nếu như bảo vệ di sản văn hóa vật thể là bảo vệ vật chất, thì bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là kế thừa con người, là kế thừa văn hóa sống. Nội hàm của hai chữ “bảo vệ” chính là trao truyền và kế thừa. Đó là bảo vệ sống.

Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể bằng hai việc: Bảo vệ “vật thể”, tức là dùng phương pháp “hữu hình hóa” để ghi chép và bảo tồn những “thành phẩm” - quá trình chế tác, biểu diễn của người thợ hoặc nghệ nhân. Việc thứ hai là bảo tồn trực tiếp chủ thể trao truyền và kế thừa của di sản văn hóa phi vật thể. Thực tế đã mách bảo chúng ta rằng có được con người sẽ có tất cả, mất con người sẽ mất tất cả.

Cùng với Bảo vệ con người - trao truyềnkế thừaPhát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể. Có thể thấy rằng, Di sản văn hóa là tiềm năng, là động lực khi các chủ thể phát huy thích hợp với thời buổi kinh tế thị trường hôm nay. Nhà quản lý, nhà nghiên cứu phải giúp họ tìm ra những tiềm năng có thể phát huy được, giúp người dân biến tiềm năng văn hóa thành động lực phát triển.

Bên cạnh đó là bảo tồn không gian văn hóa. Bảo vệ các không gian tự nhiên và những địa điểm gắn với ký ức cần thiết cho việc thể hiện di sản văn hóa phi vật thể.

Biện pháp thứ nữa là đào tạo, truyền dạy. Tăng cường việc thành lập hoặc củng cố các cơ quan đào tạo về quản lý di sản văn hóa phi vật thể và theo đó là công tác truyền dạy những di sản này thông qua các diễn đàn và không gian dành cho việc trình diễn hay thể hiện chúng. Các chương trình giáo dục và đào tạo cụ thể cho cộng đồng và các nhóm người có liên quan.

Có thể kể đến các biện pháp nâng cao nhận thức, phổ biến, giáo dục/ xây dựng chính sách chung nhằm mục đích phát huy vai trò của di sản văn hóa phi vật thể trong xã hội/ chỉ định hoặc thành lập một hoặc nhiều cơ quan đủ năng lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hiện có; tăng cường nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật cũng như phương pháp luận về nghiên cứu nhằm bảo vệ có hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là những di sản đang có nguy cơ thất truyền.

Biện pháp cuối cùng là Tư liệu hóa. Cần nhận diện và xác định rõ các loại hình khác nhau của di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên lãnh thổ mình, có sự tham gia của các cộng đồng, nhóm người và các tổ chức phi chính phủ có liên quan. Thành lập các cơ quan lưu trữ tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể và tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận chúng. Tư liệu hóa là một công việc bảo vệ di sản. Song, đừng làm “đóng băng” các di sản đó!.

* Bài viết tham gia hội thảo do báo TT&VH tổ chức với chủ đề Làm cách nào để di sản “sống” trong đời sống đương đại? Tít bài do báo TT&VH đặt.
 

Vĩ thanh


      Tham luận của TS. Lê Thị Minh Lý kết thúc bằng một hình ảnh bất ngờ: Bức ảnh chụp những em bé người Dao đẹp như thiên thần với đôi mắt mở to, ngơ ngác. Hình ảnh đó có liên quan gì đến việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể? Phát biểu kết thúc của bà Lý khiến mọi người giật mình:

     “Ngoài tác nhân chủ quan của con người, còn có cả tác nhân của tự nhiên làm cho di sản bị biến đổi, thậm chí là biến mất. Ví dụ: Những em bé người Dao trong một làng bản ở Hà Giang trong bức ảnh này, khi tôi tiến hành tư liệu hóa thì làng bản vẫn còn. Chúng tôi dự định sẽ tiến hành biến bản này thành khu du lịch sinh thái. Tuy nhiên, khi chúng tôi quay lại thì được biết là trong một cơn lũ quét, tất cả bản này đã phải di dời đi nơi ở mới. Như vậy, bên cạnh những thách thức của phát triển, của xã hội hiện đại do con người chúng ta mang đến còn có cả thách thức từ tự nhiên nữa”.


Câu chuyện đằng sau bức ảnh khiến mọi người giật mình



TS.Lê Thị Minh Lý (*)
(Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm