Để di sản 'cất tiếng'

20/11/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Cuối tuần qua, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã chính thức khai mạc tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội). 

Với chủ đề Dòng chảy, lễ hội năm nay định hướng "chuyển đổi di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo" được kỳ vọng sẽ mang tới cho người dân Hà Nội trải nghiệm mới, nhằm "đánh thức" các di sản văn hóa dọc bờ sông Hồng trở thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.

Tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng và sáng tạo, ngay từ những hoạt động mở màn, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã cho thấy được tính kết nối đa chiều.

Trên chuyến tàu "hành trình di sản"

Điển hình cho tính kết nối đó trước tiên phải nhắc tới tuyến tàu Hành trình di sản. Chuyến tàu khởi hành từ ga Hà Nội, ga Long Biên, ga Gia Lâm qua cầu Long Biên lịch sử để đến với Nhà máy xe lửa Gia Lâm - tâm điểm của lễ hội.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đây chỉ là một chuyến tàu vận chuyển đơn thuần, kết nối các địa điểm. Đây là hành trình kết nối hiện tại và quá khứ, kết nối di sản với nghệ thuật sáng tạo đương đại. Nơi mà hành khách sẽ được bước vào những không gian sắp đặt nghệ thuật đúng nghĩa, mà ở đó tinh thần sáng tạo được thể hiện không biên độ, không giới hạn.

Để di sản 'cất tiếng' - Ảnh 1.

Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Có 2 toa tàu (cùng với 5 toa chở khách) được thiết kế riêng thành những không gian nghệ thuật thông qua triển lãm Chuyển động ngoại biên #2 do Heritage Space thực hiện. Triển lãm trưng bày loạt sáng tác hội họa trên giấy dó Chuyện trò cùng thành phố của Vũ Kim Thư, chuỗi tác phẩm Chạm vào giấc mơ của Lê Nguyễn Duy Phương, bằng việc gắn trực tiếp chúng lên mặt kính những ô cửa sổ của toa tàu. Sự che lấp, ẩn hiện và mờ chồng của tác phẩm và phong cảnh thực, như một cách đối thoại của nghệ thuật với chuyển động của đời sống.

Để di sản 'cất tiếng' - Ảnh 2.

Tác phẩm “Chuyện trò cùng thành phố” của Vũ Kim Thư trên cửa tòa tàu

Còn nữa, là tác phẩm Phụ đề/Quan điểm về tính di động và cảnh quan của nghệ sĩ Felix Dreesen đến từ Đức, một tương tác bằng từ ngữ lên các ô cửa sổ - như những khuôn hình phim - và hành trình di chuyển khiến hành khách nhìn qua ô cửa như đang xem một bộ phim. Tác phẩm lấy cảm hứng từ phương pháp đi dạo và quan sát, cảm nhận thiên nhiên của nhà xã hội học kiêm nhà kinh tế Thụy Sĩ Lucius Burckhardt.

Để di sản 'cất tiếng' - Ảnh 3.

Không gian toa tàu nghệ thuật trên chuyến tàu Hành trình di sản

Chia sẻ về trải nghiệm mang tới cho hành khách trên chuyến tàu hành trình di sản, đại diện Heritage Space cho biết, công chúng được ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật thị giác trong sự tương tác không đoán trước được với không gian bên trong toa tàu và cảnh vật bên ngoài. Các tác phẩm cố định nhưng đoàn tàu lại không ngừng chuyển động ngày một xa trung tâm thành phố. Hình ảnh khán giả nhìn thấy giống nhau nhưng hình tượng phóng chiếu trong tâm trí mỗi người luôn khác nhau.

Chuyển động ngoại biên #2 như một thí nghiệm giãi bày trạng thái chênh vênh của nghệ thuật trước những biến chuyển trong nhận thức thẩm mỹ ở một cảnh huống cụ thể và nhiều rủi ro. Dịch chuyển của đoàn tàu, cũng như nhịp điệu của đô thị, liệu đang là động lực kiến tạo chuyển động của tác phẩm, hay đang làm biến đổi chúng?

 Suy cho cùng, đó là một trưng bày ngẫu hứng, tùy biến tại Hà Nội, một thành phố chuyển động trong mọi khoảnh khắc, mọi hơi thở, và được định hình bằng những dạng thức chuyển động khác nhau.

Để di sản 'cất tiếng' - Ảnh 4.

Trình diễn nghệ thuật truyền thống kết hợp đương đại “Đường trường” tại phân xưởng gia công nóng 1B, Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Không để di sản "ngủ yên"

Điểm dừng chân của chuyến tàu "hành trình di sản" chính là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, một trong những di sản công nghiệp quan trọng gắn với chiều dài lịch sử phát triển của Thủ đô. Chọn Nhà máy xe lửa Gia Lâm là tâm điểm của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 cho thấy những gợi ý cần thiết đối với việc ứng xử với những di sản công nghiệp.

Cần nhắc lại, nhà máy này ra đời cách đây gần 120 năm. Nơi đây từng là những phân xưởng do người Pháp quản lý, rồi nhà máy về tay chính quyền cách mạng và từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử ngành đường sắt nước ta. Hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện tại được xây dựng, lắp đặt hơn 40 năm trước.

Để di sản 'cất tiếng' - Ảnh 5.

Chương trình nghệ thuật “Dòng chảy” tại khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

Trong suốt 10 ngày diễn ra lễ hội, trên nền những phân xưởng sản xuất - nơi ghi dấu ấn của sự phát triển công nghiệp hàng trăm năm qua - là những triển lãm, những màn trình diễn nghệ thuật, những cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhằm khẳng định vị thế độc đáo và duy nhất của Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong dòng chảy chuyển dịch mới từ nền tảng di sản và cộng đồng sáng tạo.

Thực tế, việc sản xuất của nhà máy sẽ được di dời đến một nơi khác, nhưng những hoạt động của lễ hội là gợi ý, để các di sản của nhà máy có thể sẽ được tiếp nối, được tái sinh, trở thành những không gian văn hóa - sáng tạo. Cụ thể, hệ sinh thái nhà máy bao gồm các phân xưởng như 3B1, 3B2, 5B hay trạm điện 33B... sẽ được chuyển đổi trở thành các không gian triển lãm với 15 triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ cùng 17 hội thảo, tọa đàm, 9 show nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng và hội chợ sáng tạo.

Để di sản 'cất tiếng' - Ảnh 6.

Biểu diễn nghệ thuật trên chuyến tàu Hành trình di sản

Trong số đó, nổi bật phải kể đến Không gian kiến trúc & nghệ thuật phân xưởng nóng tại phân xưởng gia công nóng B1, Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Không gian của phân xưởng gia công nóng B1 có diện tích 2.000m2 được thiết kế với cảm hứng về sự di chuyển thời gian, như một dòng chảy vô tận không điểm dừng. Từng không gian kiến trúc nhỏ đưa người xem tới nhiều góc độ khác nhau bằng những nấc thang thăng tiến dần nhưng vẫn đảm bảo giữ được không gian xưởng một cách nguyên bản nhất.

Chia sẻ về không gian này, KTS Nguyễn Hồng Quang cho biết: "Phân xưởng gia công nóng gây ấn tượng với chúng tôi đó là cấu trúc những hàng cột rất lớn, ngoài chức năng nâng đỡ các hệ xà gồ thép, chúng còn neo giữ một hệ cầu trục vận hành để cẩu các vật nặng trong phân xưởng. Cấu trúc này cộng hưởng với ánh sáng tự nhiên qua các khe mái, lại càng ấn tượng hơn".

"Những cỗ máy phủ đầy bụi trông cao lớn khác thường, chúng đứng trải khắp sàn nhà và dường như không tuân theo quy luật nào cả. Phân xưởng không thực sự toàn vẹn và nguyên bản, nhưng lại cho chúng tôi một cảm hứng rất lớn muốn dẫn dắt người xem tới thưởng ngoạn chính những hiện vật nơi đây. Nếu ở đủ lâu, bạn sẽ cảm nhận được sự mơ màng về không gian qua mỗi thời điểm trong ngày. Hãy chậm lại, đừng bỏ lỡ những khám phá trên những con đường trải gạch, thậm chí một lối đi được mở ra cũng đều có những chủ đích của chúng tôi" - anh nói thêm.

Để di sản 'cất tiếng' - Ảnh 7.

Một tự sự của đồ vật tại "Không gian kiến trúc & nghệ thuật phân xưởng nóng"

Và đến với Không gian kiến trúc & nghệ thuật phân xưởng nóng cũng "hãy chậm lại" để lắng nghe di sản "cất tiếng". Không còn là những cỗ máy ngủ yên, đây là nơi trưng bày những ghi chép về những hiện vật tồn tại trong phân xưởng như một tự bạch độc đáo.

Đó là câu chuyện của những đồ vật đã tồn tại trong một nền công nghiệp cũ, chúng mang những giá trị độc đáo về công năng, lịch sử và văn hóa. Kết hợp với những thiết kế mang phong cách đương đại được lồng ghép đã tạo nên một bức tranh tương phản, sống động về di sản công nghiệp. Để rồi, mỗi đồ vật, mỗi cỗ máy trong câu chuyện đều mang đến những tiếng nói riêng biệt trong một sắp đặt ấn tượng tại không gian của một di sản công nghiệp - phân xưởng gia công nóng 1B.

Như câu chuyện của kệ để thao tác và ghế hàn khung sắt cất tiếng nói: "Chúng tôi là hai người bạn thân, kệ để thao tác và ghế hàn khung sắt. Chúng tôi được ra đời vào khoảng giai đoạn 1990 - 2000, tại ngay nhà xưởng này, từ chính đôi bàn tay của những công nhân ở đây. Trong quá trình làm việc, những cô chú anh chị cần ngồi làm việc hoặc kê đồ, kê thao tác công đoạn nên đã chế tạo ra chúng tôi".

Hoặc câu chuyện của những dụng cụ hỗ trợ: "Chúng tôi là các dụng cụ hỗ trợ trong công việc của những người công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Công việc của chúng tôi là dụng cụ cào than, cời lò, thâm nhập vào những nơi nóng nhất".

Và còn nhiều hơn thế những không gian độc đáo khác tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 như Tiếng gọi, Bến chờ, Góc ký ức, Dòng chảy di sản, Nhà mát và vẽ lại giấc mơ hiện đại, Con đường trải nghiệm… Nơi mà di sản thực sự được "cất tiếng" theo những khác nhau trên tinh thần kết nối, tương tác, hay đối thoại để di sản thực sự là điểm tựa của sáng tạo bền vững. 

Một số hoạt động nổi bật tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm

- Ngày 20/11, tọa đàm Thực hành nghệ thuật dựa trên đặc thù nơi chốn: Một số nghiên cứu trường hợp.

- Ngày 21/11, tọa đàm Thời trang và di sản; tọa đàm Vốn dân tộc, đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo.

- Ngày 22/11, đối thoại Thành phố sáng tạo Hà Nội - Hội luận người trong ngành; thử thách Hackathon 48h: ăn - diện - Diện mạo mới cho quán ăn vặt Hà Nội phố.

- Ngày 23/11, tọa đàm Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị; đối thoại Không gian kiến trúc di sản công nghiệp.

- Ngày 24/11, hội thảo Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng; chương trình nghệ thuật Giai điệu tự hào; trình diễn graffiti King Royal Pride 2023; chương trình sắp đặt âm thanh nghệ thuật Âm cảnh ga Hà Nội.

- Ngày 25/11, tọa đàm Sức sống mới của làng cổ - làng Cựu trong cuộc sống đương đại; tọa đàm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống và việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội; trình diễn nghệ thuật Đối thoại đôi bờ.

Công Bắc

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm