Ngày Moyes cứu Van Gaal và dấu hỏi 'triết lý'

18/01/2015 07:26 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một chiến thắng khó nhọc trước Queens Park Rangers chắc chắn không thể khiến bất kỳ cổ động viên nào của Manchester United hài lòng, đặc biệt khi những trục trặc đã tồn tại quá lâu, lại xuất phát từ chính người "thuyền trưởng".

Người cứu rỗi Van Gaal

...là một học trò cưng của David Moyes. Bất luận như thế nào, việc Marouane Fellaini, bản hợp đồng duy nhất mà Moyes mang về cho Manchester United trong mùa hè 2013 cũng đã phát huy được giá trị của chữ ký 27 triệu bảng đúng lúc. Đây đã là bàn thắng thứ 2 trong 3 trận gần nhất mà anh vào sân từ ghế dự bị.


Van Gaal vẫn sẽ bị so sánh với Moyes.

Không bỗng nhiên mà cái tên David Moyes lại được nhắc tới trong thời gian qua, sau hơn nửa năm tính từ ngày ông rời khỏi Old Trafford. Điểm nhấn quan trọng nhất là việc Louis Van Gaal chỉ giành được 37 điểm sau 21 vòng đấu, tức bằng đúng số điểm mà Moyes có được cùng kỳ một mùa trước đó.

Fellaini ghi bàn chỉ sau 11 phút kể từ khi có mặt trên sân, bằng một bàn thắng mang đậm phong cách của anh – xâm nhập vòng cấm, dứt điểm búa bổ và mặc cho đối thủ có chạm vào bóng thì sức nặng vẫn đủ để làm lưới tung lên. Đó là cách mà Moyes đã đào tạo chàng trai tóc xù từ thời ở Everton, nơi ông biến một tiền vệ thủ cao kều người Bỉ thành một tiền vệ công.

Sự xuất hiện của Fellaini cũng đánh dấu sự thay đổi quan trọng nhất của Van Gaal trong trận đấu: đổi từ sơ đồ 3-4-1-2 trong hiệp một thành 4-4-2 kim cương trong hiệp hai. Hiệu quả đã rõ ràng, thể hiện qua tỉ số 0-0 khi kết thúc hiệp một và 0-2 khi trận đấu khép lại.

Kể từ đầu mùa tới giờ, Van Gaal đã gặp quá nhiều vấn đề trong việc áp dụng sơ đồ 3-4-1-2. Theo các thông kê của BTC Premier League cung cấp, không tính trận gặp QPR vừa qua thì United đã dùng 3-4-1-2 được 11 lần, chỉ thắng 27% trong số đó – một con số khó có thể chấp nhận, đặc biệt khi các sơ đồ khác như 4-3-3 hay 4-4-2 kim cương mang về hiệu quả cao hơn rõ rệt.

“Triết lý” bảo thủ?

Số lần Louis Van Gaal sử dụng từ “triết lý” trong các buổi họp báo, trả lời phỏng vấn hẳn đã vượt quá mười đầu ngón tay. Số lần từ ngữ này xuất hiện cùng một tấm ảnh của ông trên internet vượt quá đơn vị vạn lần. Nhưng sau cùng, vẫn chưa ai hiểu được đó là cái gì và liệu nó có tích cực hay không.

Một lần nữa, Van Gaal sử dụng Angel Di Maria trong vai trò đá cặp tiền đạo bên cạnh Radamel Falcao. Dễ nhận ra rằng đây là công thức ông áp dụng cho sơ đồ tương tự của ĐTQG Hà Lan tại World Cup 2014: một tiền đạo nhanh, kỹ thuật cặp với một cây săn bàn đích thực.


Cách Van Gaal dùng Robben tại World Cup 2014 là rất sáng tạo, nhưng dường như không được áp dụng đúng phương pháp tại United.

Tuy nhiên dường như cựu HLV trưởng của Barcelona và Bayern Munich đã không nắm được điểm cốt lõi trong chính hệ thống ông áp dụng. Nếu như Hà Lan luôn lùi thấp phòng ngự để dụ đối thủ dâng lên thì United ngược lại, chủ động cầm bóng, đẩy đội hình vào sâu phần sân của đối phương. 

Khác biệt là rất rõ rệt. Với Hà Lan, việc đối thủ dâng cao cũng đồng nghĩa rằng khoảng trống sau lưng họ là bạt ngàn, và khi ấy những cú nước rút của Robben trở thành vũ khí tối thượng. Còn ở United, khi Quỷ đỏ dâng cao vào phần sân đối phương thì cũng đồng nghĩa là đội bạn sẽ lùi sâu xuống, khoảng trống sau lưng tuyến thủ gần như là không còn. Vậy thì chỗ đâu cho Di Maria chạy vào?

Anh không giỏi trong việc quay lưng làm tường, nhưng vẫn phải làm một cách đầy khó nhọc, tất cả chỉ vì chỉ thị của Van Gaal.

Trước một Arsenal-luôn-luôn-dâng-cao, Di Maria đã làm tốt, tái hiện hình ảnh Robben. Nhưng trước những đối thủ khác, mà cụ thể nhất là hai trận gặp Southampton và QPR vừa rồi, anh tái hiện hình ảnh của một tiền đạo không ai hiểu đẳng cấp nằm ở đâu.

Vậy thì “triết lý” của Van Gaal liệu có còn đáng tin hay không?

Dũng Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm