31/01/2023 18:00 GMT+7 | Giải trí
Tính đến hết tháng đầu tiên của năm mới 2023, MV Chill cùng Tây Bắc của ca sĩ Nguyễn Thu Hằng phát hành được tròn 1 tháng rưỡi và đạt 130 ngàn lượt xem. Kênh phát hành MV là YouTube cá nhân của nữ ca sĩ từng đoạt giải Nhất Sao Mai 2015 này với 16,4 ngàn người đăng ký.
So với các sản phẩm MV của các ca sĩ trẻ hiện nay, Chill cùng Tây Bắc có lượng người xem còn khiêm tốn nhưng không vì thế mà sản phẩm kém phần hấp dẫn. Có thể nói, MV đã góp cho núi rừng Tây Bắc thêm ngập tràn sắc Xuân.
Một sản phẩm có sự đầu tư
Nhìn tổng thể, MVcó sự đầu tư cả về âm nhạc lẫn hình ảnh. Đúng như nhan đề, Chill cùng Tây Bắc mang đến cho khán giả một cảm giác rất chill - vui vui, đẹp đẹp với âm nhạc cũng khá bắt tai và phần hình ảnh Tây Bắc được thực hiện ở núi rừng Mù Căng Chải (Yên Bái) thực sự quyến rũ. Cộng thêm, phần trang phục trong MV cũng là một sự sáng tạo, cách điệu từ trang phục truyền thống đậm sắc màu Tây Bắc.
Chill cùng Tây Bắc có sự góp mặt của 3 đồng tác giả là Phúc Bồ, Phạm Việt Tuân và Rick. Điều này phần nào cho thấy quyết tâm mang đến một sản phẩm âm nhạc có chất lượng và đa dạng của nữ ca sĩ Nguyễn Thu Hằng và ê-kíp.
Về phần âm nhạc, Chill cùng Tây Bắc do Phúc Bồ thực hiện. Trong MV, anh còn xuất hiện trong vai trò rapper để có thể tiếp cận được với đông đảo công chúng trẻ. Được làm theo style trap dance, Chill cùng Tây Bắc phù hợp với không gian mang tính mở của núi rừng. Cách làm nhạc khá hay: các sub âm thanh, bass đều sử dụng những sound rất bắt tai, mới mẻ, hợp thời và theo kiểu nhạc Âu - Mỹ.
Chất Tây Bắc có được khai thác vào trong âm nhạc nhưng không đáng kể. Điều này tạo ra sự khác biệt với chính các sản phẩm trước đó nữ ca sĩ Nguyễn Thu Hằng đã khai thác chất này.
MV "Chill cùng Tây Bắc"
Một sản phẩm chill
Nếu coi Chill cùng Tây Bắc như một cách check-in vùng đất tuyệt đẹp này bằng âm nhạc,nó đã thành công. Khá dễ nghe, toàn bộ giai điệu ca khúc cứ thế trôi đi, không có điểm bùng nổ. Có thể, điều này phù hợp với mục đích như trong tiêu đề ca khúc. Phần rap xuất hiện được coi như góp thêm màu sắc mới cho tổng thể sản phẩm.
Nếu tách riêng phần âm nhạc - bao gồm ca khúc và bản hòa âm - ra khỏi tổng thể MV, có thể thấy Chill cùng Tây Bắc dù có nét giai điệu chủ đề (câu đầu tiên của ca khúc) khá bắt tai nhưng ca khúc tạo cho người nghe một cảm giác đều đều.
Thông thường, khi tiếp cận với một giai điệu như Chill cùng Tây Bắc, người nghe sẽ đón chờ một phần drop EDM ở điểm giữa "rước" lên cao trào, tạo cảm giác "đã cái lỗ tai". Bản phối này không sử dụng điều đó, thay vào là phần tiết tấu dance điệu trance xuất hiện ở cuối bài.
Có thể đây là một chủ ý và đã được ê-kíp bàn bạc kỹ. Nhưng với tư cách là một khán giả nghe nhạc, người viết vẫn thèm cảm giác có cao trào, thích có đoạn drop và đoạn này cho EDM cùng với tiếng khèn hoặc tiếng sáo Mèo vào. Thử nghĩ một sản phẩm như vậy, thì với giai điệu ổn như đã có, biết đâu Chill cùng Tây Bắc sẽ "đốn tim" được nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ hơn?
Tất nhiên, đây chỉ là một giả thiết. Và vì là giả thiết nên có khi nếu trở thành hiện thực, nó cũng có thể mang lại hiệu quả không bằng so với sản phẩm đang hiện hữu với công chúng.
"Chill cùng Tây Bắc là sản phẩm có chất lượng, mang yếu tố nghệ thuật. Cùng với một số sản phẩm cùng khai thác chất liệu Tây Bắc của Hoàng Thùy Linh và Sèng Hoàng Mỹ Lam, các sản phẩm của Nguyễn Thu Hằng trong thời gian gần đây nói chung, Chill cùng Tây Bắc nói riêng góp phần lan tỏa vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc đến với đông đảo mọi người" - nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Sẵn sàng lắng nghe
Tiếp cận sản phẩm trên kênh YouTube của nữ ca sĩ chủ nhân MV, người viết khá bất ngờ và thú vị khi nhận ra một sự khác biệt so với không ít các kênh giới thiệu sản phẩm tương tự của các ca sĩ theo đuổi dòng nhạc đại chúng hiện nay.
Chẳng hạn, hầu hết các ca sĩ hiện nay - bằng những cách khác nhau - sẽ ẩn hết những phần bình luận mang tính phản biện, thậm chí chặn ngay từ khi một ai đó gửi đến. Ở kênh YouTube giới thiệu sảm phẩm Chill cùng Tây Bắc của Nguyễn Thu Hằng, khán giả không gặp phải điều này. Mọi bình luận của khán giả, kể cả những góp ý, vẫn được ê-kíp giữ và để chế độ công khai cho mọi người cùng tiếp cận. Cho nên, có thể nói, đây là điều ít gặp và thể hiện sự thẳng thắn khi tiếp nhận, có thể lắng nghe những ý kiến hợp lý.
Ví dụ một nhận xét thẳng thắn: "Cảnh đẹp mà phối bài không hay ạ" của tài khoản Tôm. Tài khoản khác có tên là Hạnh Nhân để lại bình luận: "Cảnh quay đẹp, giọng hát hay nhưng giai điệu với nhạc không có gì đặc biệt. Đoạn rap cứu vớt cả bài hát". Tất nhiên, tài khoản này cũng nhấn mạnh, đây là "ý kiến riêng".
Một tài khoản có tên Chung Nguyen nhận xét kỹ càng hơn: "Phần hình ảnh về chất lượng thì OK nhưng không toát lên sự đa dạng của các dân tộc". Tài khoản này cũng cho rằng về:"Trang phục người Mông đã được Hoàng Thùy Linh khai thác thì nên tìm một dân tộc khác sẽ thú vị hơn". Cũng tài khoản này nhận xét về phần âm nhạc: "Giai điệu, vòng hợp âm, tiết tấu, beat bình thường". Và đưa ra kết luận:"Nói chung không ấn tượng".
Cứ tưởng "chill" đã trở thành từ "quốc dân" của giới trẻ lan rộng sang cả những lứa tuổi khác từ lâu, tưởng rằng nó đã được bổ sung vào vốn từ trong giao tiếp đời sống hằng ngày và kể cả trong văn viết không chính thống, hóa ra không phải vậy. Tài khoản Lê Thái Hiền đưa ra ý kiến: "Tiếng Việt chưa thấy, chưa nghe từ này (chill) bao giờ". Tài khoản này cũng đặt ra câu hỏi về nghĩa của từ "chill" là gì đồng thời cũng đưa ra cách "giải mã" với ý nghĩa khác hẳn...
Góp phần lan tỏa
Tất nhiên, số những người khen và hưởng ứng sản phẩm chiếm đa số. Trong đa số đó lại có ý kiến tỏ ra xót xa và kêu gọi: "Chạy quảng cáo đi em ơi để nhiều người biết đến bài này" - tài khoản thu huyen pham.
Thực ra thì lời kêu gọi kia không phải không có lý. Với một sản phẩm được đầu tư chỉn chu, bài bản như Chill cùng Tây Bắc, nó hoàn toàn xứng đáng để được mọi người biết đến nhiều hơn. Và ở thời đại số này, chất lượng sản phẩm tốt, âm nhạc "xịn", hình ảnh đẹp lung linh thì cũng chưa đủ để nó có thể tới được với đông đảo công chúng. Nếu để sản phẩm lan tỏa một cách tự nhiên, cơ hội tiếp cận của nó với khán giả rất hạn chế, số lượng tiếp cận sẽ rất ít.
Vì vậy việc Chill cùng Tây Bắc ra đời tới 1 tháng rưỡi mà lượng tiếp cận mới chỉ ở mức hơn 100 ngàn cho thấy ê-kíp cũng đã quan tâm đến việc tối ưu hóa sản phẩm trên hệ sinh thái số nhưng chưa quyết liệt. Và đây vẫn là một sản phẩm với số lượng tiếp cận và thưởng thức "xịn", chưa có sự tác động đẩy like, đẩy view hoặc có bàn tay của công nghệ số để thật nhiều công chúng có thể nhìn thấy sản phẩm hiện lên đâu đó trên "tường" nhà mình và click vào thưởng thức.
Những sản phẩm như thế này rất đáng trân trọng và đời sống văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc vẫn đang cần thêm nhiều những sự góp sức như vậy. Cho nên không quá khi nói rằng, cùng với Hoàng Thùy Linh, Sèng Hoàng Mỹ Lam, Nguyễn Thu Hằng xứng đáng là những "sứ giả" cho du lịch miền Tây Bắc của Tổ quốc.
Ê-kíp "Chill cùng Tây Bắc" - Nguyễn Thu Hằng x Phúc Bồ
Giám đốc âm nhạc dự án: Phạm Việt Tuân
Giám đốc sản xuất: Đoàn Anh Tuấn
Sáng tác: Phúc Bồ - Phạm Việt Tuân - Rick
Hòa âm: Phúc Bồ
Sáo: Minh Dương
Phòng thu: AMG Studio
Mix & Master : Phạm Việt Tuân
Đạo diễn : Đồng Nart
Quay phim : Đồng Nart & Hoàng Mũm
Biên kịch : Thành Đồng
Stylist : Thiều Ngọc- Dean - Linh Linh
M.U.A & Hair Stylist : Trà Sữa - Trần Nhung
Điểm: 8,0
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất