Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Nhẹ nhàng bề mặt, dữ dội ở trong…

26/07/2015 18:39 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Khi bài phỏng vấn này đến tay độc giả thì Trịnh Đình Lê Minh - sinh năm 1986, TP.HCM - đang ở Hàn Quốc để tranh giải phim ngắn tại LHP BiFan 2015 lần thứ 19 (19th Bucheon International Fantastic Film Festival), từ ngày 16 đến 26/7/2015.

Bộ phim The Scent Of Fish Sauce (Nước mắm, 25 phút) của anh thuộc hạng mục Bucheon’s Choice, tranh giải cùng 11 phim ngắn quốc tế khác, trong khi tại LHP này thì có hàng trăm phim ngắn được trình chiếu. BiFan là một LHP lớn của châu Á dành cho các thể loại phim ly kỳ, hồi hộp.

Trịnh Đình Lê Minh từng theo học thạc sĩ sản xuất phim tại ĐH Austin - Texas, Mỹ. Từng được mời tham dự trại sáng tác danh tiếng như Berlinale Talents Campus, Tokyo Talent Campus…; đã xuất bản hai cuốn sách điện ảnh là 10 bí quyết hình ảnh, Khi đạo diễn trẻ già dặn. Anh từng có các phim ngắn thú vị như Chung cư của tôi, Trong sáng, Hơi ấm máy lạnh, Ngọn gió về đâu… Anh có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần trước khi lên máy bay sang Hàn Quốc.  

* Có lẽ chúng ta bắt đầu bằng câu chuyện mới đây, khi anh cùng hai đồng nghiệp trẻ Tạ Nguyên Hiệp và Nguyễn Hữu Tuấn cùng nhau hướng dẫn nông dân ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An làm phim trong dự án Youfarm - Cánh đồng quê tôi. Kết quả những nông dân ấy đã làm rất tốt, 3 trong 4 phim dự thi đã lọt vào vòng chung kết quốc tế dự tranh giải thưởng sẽ được công bố vào cuối tháng 8 tới đây. Những điều thú vị anh nhận ra ở dự án này là gì?

- Thật ra mà nói thì làm phim tài liệu với người dân không có gì lạ, thế nhưng trước khi đi tôi cũng rất lo, vì người nông dân có nhiều bận tâm thường nhật, phim hoặc không phim với họ chẳng có gì quan trọng. Tôi có chút may mắn là được ở nhà chú Mười Nên, nhân dịp nghỉ Hè, nhiều con cháu ở nhà, chính họ đã tạo cảm hứng cho chú.


Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Đường của mình đã có ở phía trước, hãy bước đến đó”. Ảnh: Văn Bảy

Ban đầu cứ nghĩ phim sẽ vô tư hồn nhiên, nhưng thật bất ngờ, vì phim đã vượt qua hiện thực để có những khoảnh khắc giải trí. Người nông dân quay người nông dân luôn dễ dàng và duyên dáng hơn bất kỳ người làm phim nào muốn tiếp cận họ. Rồi chính họ cũng nhận ra bản thân mình, làng quê mình trên phim cũng có những nét khác với thực tế.

Người nông dân Nam Bộ nghĩ gì nói đó, rất bộc trực, dường như họ không đeo mặt nạ xã hội, ít phòng vệ, ít diễn, nên gần như không có khoảng cách. Mới nhìn có cảm giác như vậy dễ làm phim tài liệu, thế nhưng làm để cho ra các phẩm chất như vừa kể, không hề dễ chút nào.

Họ làm phim về họ thì chẳng cần cố gắng cũng ra. Chính họ dạy cho tôi biết thêm về sự chân tình, thẳng thắn - hai chìa khóa để đi vào lòng mình, và may ra, đi vào được lòng người.

* Một chàng trai lớn lên ở TP.HCM, nơi có nhiều rạp chiếu phim nhất cả nước, nhưng chưa hẳn đó là lý do chính để anh có ước mơ trở thành người làm phim, vì nhiều người đâu có chọn lựa ấy. Anh đến với phim như thế nào?

- Khi đang học cấp 3, tôi bắt đầu có suy nghĩ mình phải có một đam mê nào đó để theo đuổi, đam mê nào cũng được, miễn đam mê lành mạnh. Lúc ấy (năm của phim Gái nhảy ra rạp, 2003) nhiều diễn đàn điện ảnh như Yxine, Moviesboom… cũng mọc lên, có sức thu hút và ảnh hưởng thật sự, tôi được “sinh ra” từ đó. Nhà tôi cũng ở gần một rạp chiếu phim (trên đường Lý Chính Thắng), rõ ràng nó có ảnh hưởng trực tiếp.


Cảnh trong phim Nước mắm

Rồi Hiệp hội Phim tài liệu Varan (Pháp) đến Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội và quan niệm khác cho những người mới bắt đầu lò dò vào phim. Giai đoạn 2004 - 2007 vẫn còn khá mù mờ, nhưng thật sự phim ảnh đã có nhiều cơ hội và động lực với người trẻ, khi mà điện ảnh, truyền hình, game show… xuất hiện ồ ạt.

Tôi cũng có thuận lợi là xác định ngay từ đầu con đường nhỏ, cứ chậm rãi mà đi, làm hết phim ngắn này đến phim tài liệu kia, trong khả năng của mình. Đương nhiên người làm phim trẻ nào khi bước vào cuộc chơi chung đều có khó khăn, như việc chứng minh năng lực của mình, đặc biệt là việc tìm kiếm kinh phí, nhà đầu tư cho sản xuất.

* Vậy là gia đình anh cũng thoải mái, muốn học phim thì đi thi luôn, chứ với nhiều gia đình khác phim ảnh chẳng phải là cái nghề có thể yên tâm được?

- Lúc đó tôi thi cùng lúc vào 3 trường đại học (kinh tế, báo chí, điện ảnh - PV), thật may mắn, tôi đậu cả ba, rồi cũng có chút băn khoăn với việc chọn trường để theo đuổi. Gia đình thì có cảnh báo, răn đe này kia với trường báo chí và điện ảnh, họ sợ giáo dục ở đó không đủ khổ luyện, thiếu thực tế thì ra tìm việc rất khó. Thế là trên danh nghĩa tôi học kinh tế, khoa makerting, nhưng thực tế song hành cả điện ảnh.

Mới nghe thì điện ảnh và makerting chẳng liên quan gì nhau, và lúc đó phim ảnh Việt Nam cũng ít quan tâm sâu sát đến makerting. Cao đẳng về điện ảnh chỉ mất 3 năm, ra trường kiếm được việc ngay (làm ở kênh HTV3 - PV), trong khi kinh tế thì vẫn còn tiếp tục học.

Chính giai đoạn “so le” thời gian này đã thành động lực lớn để tôi chọn phim ảnh làm lối đi, nhưng kiến thức về makerting không hề uổng phí, nó giúp ích thiết thực trong việc tìm kiếm kinh phí, quản lý đồng vốn và tìm đầu ra cho sản phẩm.

* Anh đã làm được 5-7 phim ngắn và tài liệu rồi, tất cả đều có vẻ ngoài dịu nhẹ, chậm rãi, trong khi nhiều phim bây giờ lại thích rầm rập, đôi khi chỉ thuần về thị giác, kỹ xảo. Anh có nghĩ đây là khó khăn của mình không?

- Nhiều người nói phim của tôi nhạt, “thiếu muối”, nên đôi lúc cũng khiến mình trăn trở là có nên giữ chất này hay không, cũng sợ không có nhiều cơ hội. Thế nhưng tôi thích sự nhẹ nhàng, và có lẽ sẽ luôn như vậy.

Tôi chưa xác định rõ thần tượng điện ảnh của mình, nhưng ngay tại cuộc trò chuyện trực tiếp này (ngày 16/7/2015), tôi nhớ về Ozu với phim Tokyo Story (năm 1953), Trần Anh Hùng với Mùa Hè chiếu thẳng đứng (2000), và gần đây là Richard Linklater với Boyhood (2014).

Các bộ phim “nhẹ nhàng” này đã giúp tôi hiểu hơn về nước Nhật, về Việt Nam, về nước Mỹ. Làm được một phim nhẹ nhàng ở bề mặt nhưng dữ dội ở bên trong là ước mơ của tôi, dù khó khăn sẽ còn dài dài.

Tôi đang viết kịch bản và chuẩn bị cho phim điện ảnh đầu tay, hy vọng sẽ bấm máy vào năm 2016. Tôi cố gắng làm một phim độc lập, kinh phí vừa phải, ít hay nhiều khán giả không phải là áp lực, vì mục đích chính là làm bản thân thấy hài lòng, nếu được đến các LHP này kia thì càng tốt.

Tôi không nghĩ mình có thể làm được một phim hành động, võ thuật với kỹ xảo rầm rộ, nhưng một phim tâm lý, trinh thám, hồi hộp… thì thuận lợi hơn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Đường của mình đã có ở phía trước, hãy bước đến đó.

* Nhiều người nói phim độc lập sẽ “rất tác giả và rất nghệ thuật”. Anh có quan niệm riêng về phim độc lập không?

- Khái niệm phim độc lập chẳng có gì là bảo chứng và bảo đảm cho khái niệm “rất tác giả và rất nghệ thuật” cả, nhưng chắc chắn nó sẽ đúng ý với người làm phim mong muốn, bởi độc lập thì thường tự do hơn. Tôi không hề có áp lực về tài chính hoặc nghệ thuật cho phim điện ảnh đầu tiên này, chỉ cố gắng làm sao để có được những thước phim mà bản thân thấy hài lòng, nếu được khán giả nhớ nữa là tốt rồi.

* Hiện anh còn là giảng viên thỉnh giảng về sản xuất phim tại ĐH Hoa Sen, sinh viên ở đó như thế nào - xét ở khía cạnh có ý định nghiêm túc với phim ảnh? Giáo trình của anh ra sao?

- Tôi có hai lớp chừng 60 người, ở đó lóe lên chừng 8-10 bạn có triển vọng, khoảng 30 bạn làng nhàng, 10 bạn lơi bơi, 10 bạn vô vọng. Nếu con số này đúng về sau này thì tỷ lệ triển vọng như vậy là khá cao, bởi các môn học về nghệ thuật có đặc thù riêng, không phải muốn là được. Tôi chia sẻ 4-5 tuần lý thuyết, 9-10 tuần thực hành bằng sản xuất, mỗi bộ phim do 5-6 sinh viên tự thực hiện.

Tôi cố gắng đưa ra mô hình quy chuẩn như đã được học, dù thực tế thì sinh viên thường nghi ngờ Việt Nam có làm được như vậy không. Tôi luôn động viên họ rằng cứ quy chuẩn đi, vì ngày càng có nhiều ê-kíp quy chuẩn xuất hiện tại Việt Nam.

* Một câu hỏi hơi riêng tư, sau khoảng 10 năm xa trường phổ thông, thỉnh thoảng lớp cũ họp lại, bạn bè của anh bây giờ làm gì?

- Tôi học Ban A Trường Lê Hồng Phong, nên bây giờ chỉ có một hai bạn chơi trống, còn lại họ là giảng viên, giáo viên, làm khoa học… nói chung theo khoa học tự nhiên, kinh tế, một tỷ lệ rất đúng quy luật, không có gì phải ngạc nhiên. Vì hơi “lạc loài” như vậy nên tôi càng thấy thoải mái để đi con đường của mình.

Ozu với phim Tokyo Story, Trần Anh Hùng với Mùa Hè chiếu thẳng đứng, và Richard Linklater với Boyhood - các bộ phim “nhẹ nhàng” này đã giúp tôi hiểu hơn về nước Nhật, về Việt Nam, về nước Mỹ. Làm được một phim nhẹ nhàng ở bề mặt nhưng dữ dội ở bên trong là ước mơ của tôi - Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm