07/02/2011 07:00 GMT+7 | Phim
* Anh nhìn thấy con đường “ra sóng gió to” ấy của điện ảnh Việt Nam như thế nào?
- Trong điện ảnh, người đạo diễn và biên kịch đóng vai trò chủ đạo, tiền bạc và kỹ thuật là những yếu tố phụ trợ. Ý nghĩa của tác phẩm là ở xã hội và con người trong đó. Tôi ví dụ trường hợp của Trần Anh Hùng. Anh ta làm việc bằng tiền của Tây, chuyên viên Tây nhưng câu chuyện phim là của Việt Nam, về con người Việt Nam. Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên hay Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di cũng có nhiều yếu tố nước ngoài tham gia sản xuất, nhưng câu chuyện là của xã hội Việt Nam, con người Việt Nam. Trước mắt là sự hợp tác kiểu này sẽ giúp chúng ta cải thiện những mặt còn kém. Dĩ nhiên thế hệ con cháu của chúng ta sẽ có những cách làm khác khi Việt Nam có nhiều tiền hơn, có những chuyên viên âm thanh, ánh sáng, dựng phim trình độ quốc tế cả.
* Nội lực của chúng ta là gì ngoài bản sắc Việt Nam?
- Là con người, với năng lực của họ. Tôi ví dụ, chuyện chúng ta có được quỹ Fonds Sud để làm phim không dễ chút nào. Một năm chỉ có mấy suất trên cả trăm dự án được nộp từ châu Á, Mỹ La Tinh, châu Phi, Trung Đông. Chúng ta hay theo cách nghĩ cơ cấu, “mấy ông đó cho tiền Việt Nam vì thấy Việt Nam lạ lạ” nên coi thường chuyện này. Thực sự, họ là những nhà tư bản, không nghĩ đơn giản như thế. Và khi đã giành được một lần thì càng phải cạnh tranh, khó khăn hơn trong những lần tiếp theo.
- Chúng ta nên sòng phẳng thế này, những người như Trần Anh Hùng, Toni Bùi là những đạo diễn gốc Việt, được đào tạo cơ bản ở nước ngoài và trở về làm phim bằng tình cảm của mình. Việc họ về Việt Nam, nghĩ đến con người, câu chuyện, nhân vật Việt Nam là một điều rất quý và sẽ giúp cho điện ảnh Việt Nam tiến nhanh. Nhưng những nhà quản lý cũng như những nhà giáo dục không nên bằng lòng với những thành quả này, bởi đó không phải công của mình. Và cũng đừng nêu rằng nước tôi đã có Trần Anh Hùng, đã có Dustin Nguyễn. Nên để những người đó qua một bên và coi thử mình đã làm được gì cho những người làm điện ảnh trong nước.
Nhìn lại, hiện giờ, chúng ta đang làm việc hoàn toàn tự phát, chỉ là những nỗ lực cá nhân, hoàn toàn không được hướng dẫn, bổ trợ, bảo trợ, thậm chí đôi khi có thể bị ngăn trở. Thành công, nếu có, chỉ là những cú đột phá ăn may. Những phim làm thành công còn bị những dư luận kiểu như “chạy theo nước ngoài”, “vọng ngoại”, “xuất khẩu văn hóa”… Kịch bản nào được nước ngoài tài trợ thì y như rằng sẽ được “chăm sóc đặc biệt”, những dự án “hợp tác nước ngoài” lúc nào cũng bị kiểm soát “khác thường”.
Chúng ta muốn có những người như “Ngô Bảo Châu của điện ảnh”, nếu không thay đổi phương thức quản lý, giáo dục, cũng như sự nhìn nhận của dư luận thì còn lâu! |
Chúng ta muốn có những người như “Ngô Bảo Châu của điện ảnh”, nếu không thay đổi phương thức quản lý, giáo dục, cũng như sự nhìn nhận của dư luận thì còn lâu mới được. Người làm phim cũng chẳng phải thiên tài gì mà cứ vùng vẫy mãi, nếu không có được sự hỗ trợ coi như chịu chết.
* Từng nghe anh khen ngợi ý thức gây dựng nền tảng cho điện ảnh và đam mê sáng tạo của đội ngũ làm phim trẻ ở Thái Lan. Vừa rồi họ đã có được thành công lớn tại Cannes. Anh thấy gì từ việc quan sát những người trẻ làm điện ảnh trong nước và ý thức làm nghề của họ?
- Tôi nghĩ ở nền điện ảnh nào cũng vậy, có một số tương đối đông những người làm phim coi đó như nghề kiếm sống và họ sống tốt. Dĩ nhiên là họ làm phim rất hay, loại phim thương mại. Đất nước họ phát triển và dân chúng của họ được coi phim giải trí. Phim cũng xuất khẩu được, cũng bán được.
Nhưng bên cạnh họ, cũng có những người làm phim nghệ thuật trình độ cao. Một nền điện ảnh - khi quan sát từ xa - mạnh hay yếu là do những người này. Họ là đội ngũ có phim được tuyển chọn để đến tham dự những liên hoan phim quốc tế. Thông qua sản phẩm của họ mới có thể đánh giá được đẳng cấp của một nền điện ảnh.
Lực lượng những người làm phim này ở các nước rất đông. Ở Việt Nam thì chỉ mới xuất hiện những năm gần đây. LHP Cannes năm rồi có Bi, đừng sợ!, LHP Venice chỉ mới năm trước nữa có Chơi vơi. Tức là chúng ta đang đi những bước đầu. Trong khi đó, với Cannes, Venice... Thái Lan đã có mười mấy năm tham gia trước khi được vinh danh năm 2010. Kể cả những LHP khác như Pusan, Bangkok, chúng ta cũng mới có mặt vài năm đây thôi.
Chúng ta tự hào mình đã có nền điện ảnh bảy mươi năm, chúng ta có các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, có các hội, đoàn nhưng, phải nói chúng ta không có nền điện ảnh thực sự theo quan điểm có tổ chức, kế hoạch, quan điểm quản lý, quan điểm sáng tác chắc chắn. Không có cái nền để từ đó có thể thể xây cao lên được.
Hiện nay chúng ta không có gì cơ bản để lớp trẻ kế thừa, để họ có thể đứng trên đó và phát triển hơn. Các hãng sản xuất của nhà nước thất bại, các nhà phát hành phim thất bại… Tất cả đều đang phải gầy dựng lại từ đầu. Những thành quả mà chúng ta đã có trong điện ảnh là thành quả cho những mục đích khác, chứ không phải là xây dựng nền điện ảnh Việt Nam.
* Chúng ta vẫn còn một lực lượng làm phim khác, đó là những đạo diễn gốc Việt trên toàn thế giới. Họ đứng trên một cái nền khác để phát triển. Anh thấy gì ở họ?
- Tôi tham gia chương trình New voices from VietNam (Những tiếng nói mới từ Việt Nam) tại Mỹ mới đây, thấy có rất nhiều đạo diễn trẻ gốc Việt đã từng học tại các trường danh tiếng ở Mỹ (USC, UCLA...), họ cũng từng làm những việc ở Hollywood (dĩ nhiên là chỉ là những việc nhỏ thôi). Một lực lượng rất đông, ai cũng hăng say, ai cũng nói là tôi có một dự án, có một kế hoạch, sẽ về Việt Nam làm phim. Đó là chỉ mới nói ở Mỹ, chưa kể ở những quốc gia khác như ở Pháp, Úc… Thành công của các anh ở hãng phim Chánh Phương như Johnny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn, Jimmy Nghiêm Phạm… có thể lôi kéo lớp đạo diễn gốc Việt trên toàn thế giới trở về. Họ là thế hệ trẻ, được xem và học về nghề một cách có hệ thống, hiểu biết khá nhiều về điện ảnh mà mình hiếm gặp ở những người trong nước - ngay cả so với những người đã lớn tuổi, đã lâu năm trong nghề. Tư duy, hiểu biết, suy nghĩ của họ về phim cũng có sự khác biệt.
Dĩ nhiên không ai được hết cả. Ban đầu, chúng ta thấy nhiều sản phẩm của các đạo diễn Việt kiều có chi tiết, câu thoại, rung động chưa được Việt Nam, nhưng những cái đó cũng nhanh chóng đi qua thôi nếu họ học chịu học cái tinh thần, chất con người, xã hội, văn hóa Việt Nam. Họ phải có thời gian và cẩn thận hơn, để mô tả xã hội, con người Việt Nam, chứ không chỉ mượn Việt Nam làm nơi sản xuất phim.
* Ai cũng biết ở điện ảnh Trung Quốc có Trương Nghệ Mưu là đạo diễn không chịu đi ra nước ngoài học, cũng chẳng biết tiếng Anh. Ông ta chỉ biết có nền văn hóa Trung Quốc nhưng vẫn là một trong những người đứng đầu thế giới. Nhưng cũng có những trường hợp thành công, sau khi được đào tạo ở Mỹ như Trần Khải Ca, Lý An… Anh nghĩ “Ngô Bảo Châu điện ảnh” của chúng ta nên là Trương Nghệ Mưu hay Trần Khải Ca?
- Tôi thích Trương Nghệ Mưu hơn. Nhưng giả sử Trương Nghệ Mưu chịu khó học tiếng Anh, đi ra nước ngoài tìm hiểu thì biết đâu sẽ có một Trương Nghệ Mưu xuất sắc hơn nữa, sẽ có những tác phẩm hay hơn nữa.
Tiếp xúc với Phan Đăng Di, tôi có thể nhận ra đây là một tài năng lớn. Cho dù chỉ mới làm một phim nhưng thành công của Di là thành công xuất phát từ nền tảng cơ bản, chứ không phải đột xuất - ĐD Nguyễn Vinh Sơn.
Chúng ta có ông Hồng Sến. Chỉ riêng phim Cánh đồng hoang, còn lâu mới có người làm được như vậy, dù tiền có nhiều bao nhiêu đi nữa, học ở Tây, ở Mỹ gì đó về đi nữa. Ông Hồng Sến không biết tiếng Tây (thậm chí viết còn sai chính tả tiếng Việt), thời đó, ông cũng không xem phim nước ngoài, nhưng những khuôn hình và cách kể của ông như một người lão luyện, tài năng giống như kiếp trước đã là đạo diễn nổi tiếng ở nước nào đó rồi (trong khi mình coi phim phát mệt, đọc phát mệt cũng chưa làm được như vậy). Nhưng cũng không thể nói “Hồng Sến có đi ra nước ngoài học đâu mà bắt tôi đi học?”.
* Chúng ta còn thiếu một thế hệ vừa hiểu biết, giỏi chuyên môn vừa nhuần nhị về vốn văn hóa dân tộc, con người Việt Nam. Khi chưa đầu tư được vào cả hai. Anh thấy hướng phát triển nào quan trọng hơn?
- Theo tôi, cái vốn văn hóa dân tộc quan trọng hơn. Trước đây, hãng Les Productions Lazennec (nhà sản xuất Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng) mời tôi làm Chuyện tình kể trước lúc rạng đông, với vai trò viết kịch bản và đạo diễn. Tôi hỏi sao không mời Trần Anh Hùng. Họ trả lời, “nếu mời Trần Anh Hùng thì bảo đảm thành công với tài năng và tiếng tăm của anh ta, nhưng chất, tâm hồn, tinh thần Việt Nam sẽ ít hơn. Tôi biết anh chỉ mới làm một số phim như Tuổi thơ dữ dội, Đất phương Nam, nhờ anh làm thì rủi ro lớn nhưng chất Việt Nam sẽ nhiều hơn”. Điều đó chứng tỏ họ đề cao yếu tố này hơn.
* Anh có đặt niềm tin vào cá nhân nào của điện ảnh Việt Nam hiện nay không?
- Tiếp xúc với Phan Đăng Di, tôi có thể nhận ra đây là một tài năng lớn. Cho dù chỉ mới làm một phim thôi nhưng thành công của Di là thành công xuất phát từ nền tảng cơ bản, chứ không phải đột xuất. Tiếng Anh giỏi, ý nghĩ táo bạo, nền tảng căn bản, còn trẻ… tôi thấy Di hội tụ tất cả yếu tố để tiến xa.
Oscar Phim nước ngoài hay nhất: kỷ lục trong tay người nhật Giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất trao cho phim không dùng tiếng Anh. Tính từ lúc bắt đầu (1947) đến nay giải thưởng này đã 5 lần thuộc về châu Á, nhiều nhất là trong thập niên 2000 với 2 lần được trao (Ngọa hổ tàng long – Đài Loan - 2000 và gần nhất là Departures - Nhật Bản – 2008). Người Nhật hầu như chiếm kỉ lục đoạt Oscar của châu Á, chiếm tới 4/5 số giải. 3 lần trước họ đều giành được tượng vàng vào các năm 1951, 1954 và 1955. Ở hạng mục này kỉ lục phim được tượng vàng Oscar thuộc về người Ý. Tuy nhiên, vẫn có những đạo diễn châu Á được Hollywood kính nể mà gần nhất có thể kể tên Lý An (Đài Loan - Trung Quốc), Vương Gia Vệ (Trung Quốc). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất