07/10/2023 07:09 GMT+7 | Văn hoá
Bên cạnh việc phản ánh lịch sử Hà Nội, những bộ phim như Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Hoa nhài cùng với cả Đừng đốt, Trở về, Đặng Nhật Minh đặc biệt chú trọng tiếp cận số phận của từng con người, đi vào bên trong tâm tính, phẩm giá của người Hà Nội. Ông vừa được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội vào chiều qua, 5/10 vì "đã cống hiến cho Hà Nội những tác phẩm văn học, điện ảnh xuất sắc".
1. Như một lẽ tất nhiên, trong cả đời làm phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh chỉ có một trăn trở lớn nhất: "Tôi làm phim để giãi bày tâm tư và để an ủi những thân phận thiệt thòi". Những tác phẩm điện ảnh về Hà Nội của ông đã chạm tới phần hồn vía, cốt lõi nhất của con người Hà Nội trong từng hoàn cảnh, gắn với những biến chuyển không ngừng của thời cuộc.
Điển hình là Loan trong Trở về, một cô giáo người Ngọc Hà vào Nam dạy học, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống hôn nhân với người chồng thực dụng để trở về Hà Nội với ngôi nhà thân thuộc. Loan cho thấy một cô gái Hà Nội biết giữ mình, không để vật chất cám dỗ trong bối cảnh xã hội chuyển mình sang nền kinh tế thị trường.
Đặc biệt còn là hình ảnh của nữ liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong Đừng đốt, một người con gái Hà Nội với tâm hồn nhạy cảm, trong sáng và yêu cái đẹp. Tâm hồn Hà Nội của Đặng Thùy Trâm được khắc họa đậm nét với những rung động tinh tế cùng với những tình cảm đặc biệt dành cho gia đình, đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Một chân dung Đặng Thùy Trâm hiện lên xúc động với "Tình thương đã chắp cánh dài cho ta".
Đặng Nhật Minh cũng đã khắc họa chất Hà Nội trong từng nhân vật Mùa ổi. Đó là ông Hòa, người đàn ông đã ngoài 50 tuổi nhưng mãi mang tâm hồn của một đứa trẻ tuổi 13. Hoài nhớ quá khứ với những mùa ổi chín trong ký ức, ở Hoài có sự ngây thơ, hồn nhiên, có phần ngờ nghệch nhưng lòng tốt nơi ông vẫn luôn ánh rạng. Còn những nhân vật khác của Mùa ổi như Thủy, ông luật sư, cô con gái ông chủ nhà mới v.v… cũng đều được phác họa với những nét tính cách thật đẹp của người Hà Nội là nhẫn nhịn, nhuần nhị, là lịch sự, tử tế... Đó đều là những phẩm giá cao quý mà người Hà Nội gìn giữ trong những hoàn cảnh xáo động của thời cuộc.
Trong khi đó, ở Hà Nội mùa đông năm 46, những người dân, người lính của Hà Nội trong những thời điểm cam go của cuộc chiến đã hiện lên với vẻ hào hoa, mà cũng thắm thiết tình người.
Còn Hoa nhài thì hệt như những lát cắt của đời sống thực với những con người Hà Nội thực được đạo diễn mang lên phim. Đó là một cậu bé đánh giày từ nông thôn ra Hà Nội kiếm sống, một ông thợ cắt tóc gốc Hà Nội với vợ là người từ làng bánh cuốn Thanh Trì, một ông nhạc sĩ già người Hà Nội dạy hát cho dàn đồng ca của các em khiếm thị,…
Những nhân vật của Hoa nhài được đạo diễn đặt trong những tình huống bất trắc, xáo trộn của một thành phố đang phát triển. Nhưng đó cũng là hoàn cảnh cần thiết để họ bộc lộc những phẩm chất tốt đẹp: trong sáng, thiện lương, sẵn sàng hi sinh vì người khác. Đó là những nét phẩm chất nhân văn đặc trưng của người Hà Nội vẫn còn được lưu giữ như hương thơm của hoa nhài vẫn còn tỏa cho đến hôm nay. Thế mới thấy ngay từ tựa phim Hoa nhài, Đặng Nhật Minh đã dụng công làm sao để thấy được cái thấm thía khi chạm vào phần cốt cách của người Hà Nội.
"Hà Nội có thể thay đổi trong những biến động của thời cuộc nhưng luôn có một mạch chảy bên trong con người Hà Nội, đó là tính nhân văn" - đạo diễn Đặng Nhật Minh.
2. Với tất cả những nhân vật Hà Nội điển hình như thế, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông đã nói được giá trị cốt lõi bên trong của người Hà Nội bằng ngôn ngữ điện ảnh.
"Trong mọi biến động của Hà Nội, thay vì chú ý tới hoàn cảnh xảy ra, tôi lại quan tâm tới con người. Trong những biến động đó thì con người Hà Nội ở bên trong sẽ ra sao? Từ trải nghiệm của chính mình, tôi có thể xác định, bên trong con người Hà Nội chứa đầy tính nhân văn. Họ thương yêu, đùm bọc, quan tâm đến nhau trong mọi hoàn cảnh, nhất là những thời điểm khó khăn, hoạn nạn. Điều đó làm nên một phần đặc trưng của tâm hồn và tính cách người Hà Nội".
Cũng theo lời của đạo diễn Đặng Nhật Minh, làm phim về Hà Nội, cái quan trọng nhất là nói được cái bên trong của con người Hà Nội, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội. "Dù là người Hà Nội gốc, hay là người Hà Nội nhập cư, họ đều mang trong mình tính nhân văn, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hà Nội có thể thay đổi trong những biến động của thời cuộc nhưng luôn có một mạch chảy bên trong con người Hà Nội, đó là tính nhân văn".
Để có thể đi sâu khám phá cái bên trong của con người Hà Nội như một điều kiện cần thiết, hầu hết những bộ phim điện ảnh về Hà Nội của đạo diễn Đặng Nhật Minh đều lấy chất liệu từ chính cuộc đời ông. "Như Mùa ổi chính là câu chuyện gia đình bên vợ tôi. Nguyên mẫu nhân vật chính, ông Hòa, là anh vợ của tôi ngoài đời. Còn với Hà Nội mùa đông năm 46, những con người trong phim có một phần hình ảnh của cha mẹ tôi, những người thân trong gia đình tôi" - đạo diễn cho biết.
Gần nhất là Hoa nhài chính trải nghiệm của đạo diễn Đặng Nhật Minh hằng ngày trên con phố Lò Đúc nơi ông sống. Nhân vật của ông là những người lao động sống và mưu sinh trên vỉa hè Hà Nội. Những con người Hà Nội đó, ta có thể thấy, gặp bất cứ lúc nào, chẳng ở đâu xa nhưng luôn mang đến cảm xúc thân thương cho vị đạo diễn này.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhấn mạnh thêm: "Trải nghiệm lớn nhất đời tôi là Hà Nội. Cảm xúc bên trong cộng hưởng với sự quan sát mỗi ngày cứ thế tích tụ trong tôi cuộc sống và con người Hà Nội, với tình yêu suốt hơn 60 năm qua. Từ trải nghiệm đó mới bật ra những câu chuyện về Hà Nội, liên quan đến Hà Nội. Khi cảm xúc chín muồi cũng là lúc thôi thúc tôi ngồi vào bàn viết để hình thành nên kịch bản. Rồi sau đó, tôi mới tìm cách để thể hiện câu chuyện đó với mọi người bằng ngôn ngữ điện ảnh sao cho đơn giản và hiệu quả nhất".
Với một quá trình sáng tác thống nhất như thế, những tác phẩm của Đặng Nhật Minh đúng nghĩa là "điện ảnh tác giả". Hay nói cách khác, trong cuộc đời làm phim của mình, Đặng Nhật Minh chỉ làm phim từ chính kịch bản do ông viết ra, từ những điều ông trải nghiệm và rung cảm.
Đôi nét về NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh
Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Thừa Thiên Huế. Ông được bầu làm Tổng thư ký (sau này là Chủ tịch Hội) tại Đại hội lần thứ 3 của Hội Điện ảnh Việt Nam vào tháng 2 năm 1989 và đảm nhiệm vai trò này 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Ông nổi tiếng với những bộ phim như: Đừng đốt, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi,… Đặc biệt, Bao giờ cho đến tháng Mười được nhiều hãng thông tấn đánh giá là một trong những phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Ông được đánh giá là một đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt Nam.
Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1988, NSND vào năm 1993 và nhận Huân chương Lao động hạng nhất năm 1998. Ông được vinh danh giải thưởng "Thành tựu trọn đời" vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan Phim quốc tế Gwangju 2005.
Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh cho các tác phẩm: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông năm 46 và Mùa ổi.
Năm 2010, ông trở thành đạo diễn Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh của Hoa Kỳ vinh danh vì những cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh. Năm 2013, ông nhận Giải thưởng Điện ảnh Hòa bình Kim Daejung. Năm 2016, ông đã được trao giải Kỳ lân danh dự (Licorne d'Or) cho toàn bộ sự nghiệp điện ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Amiens. Cũng trong năm 2016, ông được Thành ủy Hà Nội vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú". Năm 2022, ông được Đại sứ Pháp Nicolas Warnery trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật cao quý của Pháp.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất