11/02/2022 08:13 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với sự ấm lên toàn cầu và ô nhiễm chất thải nhựa, đánh bắt quá mức là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các đại dương, trong bối cảnh tiêu thụ cá của người dân trên thế giới ngày càng tăng.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, nhân sự kiện Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về đại dương (One Ocean Summit) diễn ra từ ngày 9-11/2 tại thành phố biển Brest của Pháp, tờ Les Echos đã cảnh báo việc đánh bắt quá mức trên toàn cầu hiện đang là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các đại dương.
Theo báo này, thế giới đang tỏ ra chậm trễ trong việc thống nhất chấm dứt tình trạng khai thác quá mức này, khiến hoạt động đánh bắt cá bền vững bị ảnh hưởng.
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ước tính tỷ lệ trữ lượng cá bị đánh bắt hiện nay ở mức hơn 1/3 trữ lượng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này trong những năm 1970 chỉ là 10%.
Theo các chuyên gia, tại những nơi mà việc quản lý đánh bắt hải sản kém hiệu quả hoặc không quản lý đánh bắt, trữ lượng cá đang rơi vào tình trạng cạn kiệt. Khai thác chuyên sâu cũng dẫn đến việc đánh bắt ồ ạt và dẫn đến tình trạng một số loài như cá heo, cá mập và cá đuối chết hàng loạt.
Để ngăn chặn việc khai thác quá mức một cách hiệu quả, nhiều nhà quan sát cho rằng cần phải xác định chính xác sản lượng đánh bắt để quản lý trữ lượng một cách bền vững. Một thành viên của Tổ chức Công lý môi trường, bà Jenny Calder, cho rằng không thể đặt ra hạn ngạch phù hợp nếu không xác định được hoặc đánh giá không chính xác mức độ đánh bắt.
Chủ đề đánh bắt quá mức tuy không có trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh One Ocean Summit - lần đầu tiên do Pháp đăng cai - nhưng theo các hiệp hội môi trường, Paris "cần phải làm gương" về quản lý đánh bắt cá bền vững.
Trong một chuyên mục đăng trên tờ "Le Monde" hôm 7/2, khoảng 20 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Greenpeace France, LPO và Sea Shepherd France, cho rằng Pháp cần phải ủng hộ "việc khai báo sản lượng khai thác một cách nhất quán và chính xác trong quy định kiểm soát đánh bắt cá của Liên minh châu Âu". Bà Calder khẳng định: "Quyết định này là cần thiết để đảm bảo giới hạn đánh bắt là có cơ sở khoa học và bền vững".
Chấm dứt tình trạng đánh bắt quá mức trên biển vào năm 2020 là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, nhưng mục tiêu này đã bị chậm lại so với kế hoạch. Tháng 11 năm ngoái, các lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết sẽ thực hiện "các biện pháp cụ thể".
Vấn đề cũng đã trở lại bàn hội nghị tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nơi các cuộc đàm phán đã được khởi động vào năm 2001 để làm rõ và cải thiện các quy định hiện hành về trợ cấp đánh bắt cá.
Theo WTO, nguồn tài trợ công - ước tính khoảng từ 14 tỷ đến 54 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu - cho phép nhiều đội tàu đánh cá hoạt động lâu hơn và xa hơn trên biển, gây nhiều tổn hại đối với sinh vật biển. Các cuộc thảo luận đã tăng tốc trong những tháng gần đây và WTO có thể sớm đạt được một thỏa thuận. Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng "tình trạng đánh bắt cá quá mức đã diễn ra trong 20 năm. Đã đến lúc phải hành động để bảo vệ nguồn lợi hải sản".
Thu Hà - TTXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất