Đảng viên hướng về Hội nghị Trung ương: Đổi mới toàn diện để phát triển bền vững

12/04/2025 14:52 GMT+7 | Tin tức 24h

Trong bối cảnh đất nước đang thực hiện nhiều bước đột phá về cải cách thể chế, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 10-12/4 thảo luận, cho ý kiến đối với 15 nội dung, tập trung vào hai nhóm vấn đề chính gồm: Nhóm vấn đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và Nhóm vấn đề về tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Theo dõi thông tin Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII qua truyền thông, đảng viên thành phố Cần Thơ đưa ra những nhận định về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính theo mô hình hai cấp. Đây là một trong những cải cách quan trọng nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả và phục vụ người dân tốt hơn.

Giải pháp cho một chính quyền gần dân

Theo ông Phạm Ngọc Hùng (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí thành phố), chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính đã được Đảng đề ra từ Nghị quyết Trung ương 12 năm 2017 và nay đã đến lúc triển khai thực hiện. Mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã) sẽ thay thế cho mô hình ba cấp (tỉnh, huyện, xã) như hiện nay. Thay đổi này sẽ giảm số lượng tỉnh, thành phố từ 63 xuống còn 34, kết thúc hoạt động mô hình cấp huyện và số xã sẽ giảm từ 60-70%.

"Việc sắp xếp này không đơn thuần là tinh giản biên chế, mà còn tạo ra những đơn vị hành chính lớn hơn, có tiềm lực để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội", ông Hùng nhấn mạnh. Khi bỏ cấp huyện, vai trò của cấp xã sẽ được nâng cao đáng kể, trở thành cấp trực tiếp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.

Đảng viên hướng về Hội nghị Trung ương: Đổi mới toàn diện để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Hùng (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang cho rằng việc sáp nhập tỉnh sẽ những đơn vị hành chính lớn hơn, có tiềm lực để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội

Tuy nhiên, cải cách này cũng đặt ra nhiều thách thức. Một trong những vấn đề quan trọng là đảm bảo năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ xã để đáp ứng nhiệm vụ mới. Hiện nay, cấp xã thường phụ thuộc nhiều vào chỉ đạo và hướng dẫn từ cấp huyện. Khi không còn cấp huyện, đội ngũ cán bộ xã cần được đào tạo, bồi dưỡng để có thể tự chủ trong giải quyết công việc.

Về lộ trình thực hiện, ông Phạm Ngọc Hùng cho rằng cải cách cần được triển khai khẩn trương, đồng bộ và hiệu quả, phấn đấu hoàn thành trước thời điểm diễn ra Đại hội Đảng các cấp sắp tới. Đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cần có sự đồng thuận cao từ người dân.

Bên cạnh tinh giản bộ máy, cải cách này còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí ngân sách nhà nước. Nguồn lực tiết kiệm được sẽ được tái đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ công và nâng cao đời sống người dân. Đây là một bước đi quan trọng trong việc thực hiện chính sách "tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả" mà Đảng đã đề ra.

Trước yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, theo ông Phạm Ngọc Hùng, việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã) thay vì ba cấp như hiện nay là một cải cách mang tính đột phá, nhưng đồng thời đặt ra những thách thức không nhỏ về mặt pháp lý và tổ chức. "Cải cách này đòi hỏi khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng và Hiến pháp hiện hành. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Đảng và Nhà nước đều có bốn cấp: Trung ương, tỉnh, huyện và xã", ông Hùng nhấn mạnh.

Với yêu cầu từ Tổng Bí thư về việc không để việc sắp xếp làm gián đoạn hoạt động thường ngày, ông Hùng cho rằng điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị. "Bộ Chính trị đã quyết 'vừa làm, vừa chạy, vừa xếp hàng', nghĩa là vừa thực hiện cải cách, vừa đảm bảo các công việc thường xuyên không bị ứ đọng, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân", ông giải thích.

Trong bối cảnh này, ông Phạm Ngọc Hùng đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm, đồng thời nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo địa phương. "Mỗi người phải tự xem xét lại đơn vị mình, sắp xếp thế nào để vừa đảm bảo tiến độ cải cách, vừa duy trì mọi hoạt động xã hội bình thường, không để đời sống nhân dân bị ảnh hưởng", ông nói.

Khẳng định đây là một chủ trương táo bạo nhưng cần thiết trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đảng viên Phạm Ngọc Hùng cho biết Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với những yêu cầu phát triển cao hơn. Điều này đòi hỏi năng lực và trách nhiệm rất lớn từ đội ngũ cán bộ các cấp. "Dù có những thách thức nhất định, nhưng sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính là một cải cách tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân, gần dân hơn, sát dân hơn và phục vụ người dân tốt hơn", ông Phạm Ngọc Hùng nói.

Mở ra cơ hội phát triển mới

Trong bối cảnh cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, kế hoạch sáp nhập thành phố Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đang được người dân quan tâm. Bà Vương Thị Ngọc Ngà, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Xuân Khánh 1, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã có những ý kiến đóng góp về chủ trương này.

Theo bà Ngà, việc sáp nhập ba địa phương thành một đơn vị hành chính lớn mang lại nhiều lợi thế chiến lược. "Sau khi sáp nhập, Cần Thơ sẽ tiếp cận được biển, mở ra cơ hội phát triển kinh tế biển, du lịch và công nghiệp cảng. Đây là tiềm năng to lớn mà Cần Thơ hiện nay chưa khai thác được", bà Ngà nhận định.

Đảng viên hướng về Hội nghị Trung ương: Đổi mới toàn diện để phát triển bền vững - Ảnh 2.

Đảng viên Vương Thị Ngọc Ngà, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Khánh 1, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Bên cạnh lợi thế về địa lý và kinh tế, việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp (tỉnh và xã) cũng được bà Ngà đánh giá cao. "Người dân sẽ không còn phải qua trung gian là cấp huyện, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với người dân vùng nông thôn", bà chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Ngà cũng chỉ ra những thách thức lớn cần vượt qua. Khi bỏ cấp huyện, cấp xã sẽ phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có năng lực và trình độ chuyên môn cao. Theo bà Ngà, hiện nay, nhiều cán bộ xã còn hạn chế về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề phức tạp. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần được triển khai khẩn trương và bài bản. Công tác chuẩn bị cần làm ngay từ bây giờ, đặc biệt là việc đào tạo và bố trí nhân sự. "Việc lựa chọn, bố trí cán bộ phải dựa trên năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, không vì sáp nhập mà bố trí cán bộ một cách cơ học", bà Ngà nhấn mạnh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá cán bộ dựa trên kết quả công việc thực tế, đảng viên Vương Thị Ngọc Ngà cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan về năng lực và thành tích thực sự của cán bộ, tránh tình trạng đánh giá qua loa, hình thức hoặc dựa vào quan hệ cá nhân. Việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo cần tính đến yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

"Đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Vì vậy, chúng ta cần những người lãnh đạo không chỉ có năng lực quản lý tốt mà còn phải có tầm nhìn chiến lược, khả năng đổi mới sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm", bà Ngà nói.

Thanh Liêm/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm