Đằng sau phản ứng nổi cáu của vị trợ lý, U22 Việt Nam thật sự phải dè chừng cả Lào?

28/04/2023 09:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

Suốt khoảng hơn năm năm trở lại đây, hiếm khi nào mà U22 Việt Nam lại gặp phải nhiều vấn đề đáng lo ngại như thời điểm hiện tại.

Vì sao trợ lý của HLV Troussier không hài lòng?

Chỉ còn hai ngày nữa, U22 Việt Nam sẽ bước vào trận mở màn tại SEA Games 32 gặp đội được coi là yếu nhất tại bảng B – U22 Lào. Tuy nhiên, đội quân của HLV Troussier vẫn còn rất nhiều mối lo và toàn đội có lý do để phải thận trọng trước mọi đối thủ.

Trong buổi tập chiều qua (27/4), trợ lý của HLV Troussier, ông Moulay Azzeggouarh đã có phản ứng không hài lòng khi nhiều cầu thủ của U22 Việt Nam tranh chấp thiếu máu lửa, có phần hời hợt trong buổi tập ở Phnom Penh.

Khi đứng quan sát các cầu thủ tập luyện, vị trợ thủ số một của HLV Troussier tỏ ra gay gắt khi các cầu thủ tranh chấp thiếu quyết liệt. Vị trợ lý này lao vào thị phạm rồi quát lớn: "Các cậu phải vào bóng mạnh hơn, vây ráp quyết liệt vào!".

Có thể thấy, dù chỉ thông qua một buổi tập nhưng động thái nổi cáu của trợ lý Moulay Azzeggouarh cũng góp phần cho thấy sự hạn chế của cầu thủ U22 Việt Nam. Khả năng tranh chấp, chậm đoạt lại bóng sau khi để mất chính là một điểm yếu mà nhiều cầu thủ của HLV Troussier đang mắc phải và có vẻ như vấn đề này vẫn chưa thể khắc phục trong suốt hơn một tháng qua.

Đằng sau phản ứng nổi cáu của vị trợ lý, U22 Việt Nam thật sự phải dè chừng cả Lào? - Ảnh 1.

Trợ lý của HLV Troussier không hài lòng khi các cầu thủ U22 Việt Nam tranh chấp hời hợt ở buổi tập.

Còn nhớ hồi tập trung chuẩn bị cho giải Doha Cup hồi tháng Ba, HLV Troussier trong một số buổi tập cũng tỏ ra chưa hài lòng với kỹ năng của các học trò. Theo ghi nhận của báo giới thì chỉ trong một buổi tập, ông thầy người Pháp từng nhiều lần phải cắt ngang để căn dặn, điều chỉnh lỗi sai và trực tiếp thị phạm cho học trò về những kỹ thuật căn bản nhất như chuyền bóng. Hay như mới đây, "Phù thủy trắng" đã phải nổi cáu, yêu cầu Hồ Văn Cường rời ngay khỏi buổi tập vì lý do cầu thủ này không thực hiện đúng động tác mà ông yêu cầu.

Ở buổi tập mới nhất, việc trợ lý Moulay Azzeggouarh nổi cáu khi các cầu thủ tranh chấp hời hợt hoàn toàn là điều dễ hiểu. Trong suốt những trận giao hữu vừa qua, đặc biệt là 3 trận ở Doha Cup, U22 Việt Nam bộc lộ vấn đề rất đáng lo là chuyền hỏng quá nhiều. Khi mất bóng, các cầu thủ vẫn chưa thể pressing, đoạt lại bóng nhanh nhất có thể.

Sau hơn một tháng kể từ Doha Cup, U22 Việt Nam dường như vẫn chưa cải thiện được khiếm khuyết. Nếu vẫn phạm phải lỗi cũ, sẽ là rất khó để U22 Việt Nam có thể triển khai lối chơi kiểm soát bóng, tấn công áp đặt để giành chiến thắng giống như triết lý mà HLV Troussier đang muốn theo đuổi.

Đằng sau phản ứng nổi cáu của vị trợ lý, U22 Việt Nam thật sự phải dè chừng cả Lào? - Ảnh 2.

HLV Troussier cũng không ít lần tỏ ra chưa hài lòng với các học trò tại những buổi tập.

"Không được phép chủ quan trước Lào" là lời xã giao hay lời nói thật?

Khi tiếp xúc với truyền thông ngày 27/4, tiền vệ Nguyễn Đức Phú cho rằng U22 Việt Nam cần phải thận trọng và không được phép chủ quan khi đối đầu U22 Lào ở trận ra quân tại SEA Games.

"Đội Lào cũng mạnh. Chúng tôi không được phép chủ quan, coi nhẹ đối thủ. Đội cần giữ tinh thần tốt, chuẩn bị sẵn sàng với thách thức mang tên Lào" – tiền vệ Đức Phú nhấn mạnh.

Có lẽ hiếm khi nào mà U22 Việt Nam lại phải cẩn trọng đến thế khi đối đầu với U22 Lào. Trong quá khứ, hầu như ở mọi cấp độ ĐTQG, Lào đều chưa bao giờ được coi là đối thủ xứng tầm với các đội tuyển của Việt Nam. Ở lần đối đầu gần nhất giữa hai đội U22 Việt Nam gặp Lào (tại vòng bảng SEA Games 2019), HLV Park Hang-seo dù chưa cần tung ra đội hình mạnh nhất nhưng U22 Việt Nam vẫn dễ dàng thắng đậm Lào tới 6-1. Ở đấu trường SEA Games, Lào cũng thường xuyên bị loại ngay từ vòng bảng.

Song thời điểm hiện tại, tiền vệ Đức Phú hoàn toàn có lý khi cho rằng U22 Việt Nam phải thận trọng trước Lào. Việc tiền vệ này dành lời khen cho U22 Lào hoàn toàn không phải là "lời xã giao". Tại giải đấu năm nay, Lào có sự đầu tư mạnh về lực lượng, đặc biệt là sự bổ sung của 3 nhân tố chơi bóng từ nước ngoài gồm Theo Klein, tiền vệ sinh năm 2001 đang khoác áo CLB Omaha Mavericks (Mỹ), Roman Angot, tiền vệ cũng sinh năm 2001 của CLB Bahlinger SC (hạng 4 Đức) và Victor Ngovinassack, cầu thủ tấn công của CLB Montceau (hạng 4 Pháp).

Đằng sau phản ứng nổi cáu của vị trợ lý, U22 Việt Nam thật sự phải dè chừng cả Lào? - Ảnh 3.

Thầy trò HLV Troussier cần cẩn trọng trước mọi đối thủ, trong đó có U22 Lào.

Trong khi sức mạnh của Lào được tăng cường so với các kỳ SEA Games gần đây thì với U22 Việt Nam lại có phần trái ngược. Lực lượng mà HLV Troussier đang sở hữu bị đánh thấp hơn hẳn so với đội hình ở 2 kỳ SEA Games gần nhất dưới thời HLV Park Hang-seo khi toàn đội liên tiếp giành HCV. Khi mà khoảng cách giữa U22 Việt Nam và Lào dần được san lấp, việc các học trò của HLV Troussier phải thận trọng trước đối thủ là hoàn toàn đúng đắn.

Mới đây, sau khi đặt chân tới Phnom Penh, bản thân HLV Troussier cũng phát biểu rằng: "Chúng tôi chịu áp lực về mục tiêu tại giải và áp lực phải chơi thứ bóng đá tốt nhất, đẹp nhất của mình". Lời trải lòng này cũng khiến người hâm mộ thêm phần lo lắng, bởi việc vừa phải hướng tới mục tiêu giành HCV lại vừa phải "đá đẹp" liệu có quá sức với các cầu thủ trẻ còn non kinh nghiệm của HLV Troussier hay không?

SEA Games đã cận kề. U22 Việt Nam không còn nhiều thời gian để khắc phục những khiếm khuyết của mình. Dẫu sao thì trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng nhiều lần "thử kêu đốt xịt" trước SEA Games còn lần này, nhiều người hâm mộ ắt hẳn sẽ trông chờ vào một hiệu ứng ngược lại.

Tiểu Lâm Mộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm